Góc nhìn đầu tiên là câu chuyện của những người phụ nữ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Góc còn lại là tranh cổ động, ký họa kháng chiến chống Pháp tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội.
|
Tại hai cuộc triển lãm trên vừa diễn ra tại Hà Nội và kéo dài đến hết năm nay, Điện Biên Phủ được tái hiện qua số phận của những người phụ nữ cụ thể, ở những khía cạnh rất đời thường. Có nữ thanh niên hoãn đám cưới đi phục vụ chiến dịch; một đám cưới không có xe hoa chỉ có xe tăng; có nữ y tá phục vụ thương binh đi vệ sinh trong ngượng ngùng rồi thành thân thiết như anh em; có nỗi day dứt của người y tá khi đồng đội chết trên tay mà chưa kịp uống nước; những khuôn mặt trong sáng của họ khi tham gia chiến dịch cách đây 60 năm cũng còn lưu trên ảnh.
Những nhân vật phụ nữ ở đây đều xuất hiện cùng lúc bằng cả hình ảnh trong quá khứ và hiện tại. Bà Nguyễn Thị Ngọc Toản, 85 tuổi, kể lại câu chuyện cũ kèm theo bức ảnh kỷ niệm của mình. Bà và chồng đã tổ chức lễ cưới sau chiến thắng Điện Biên, ngay trong chính căn hầm của De Castries. Đám cưới không có xe hoa, chỉ có xe tăng, hầm được trang trí bằng các tấm dù Pháp đủ màu. Các cán bộ bảo tàng đã gặp nhiều nhân chứng để ghi lại câu chuyện của họ. Nó không giống với nhiều triển lãm Điện Biên Phủ khác với câu chuyện rời rạc, hoặc chỉ có chuyện cũ, hoặc chỉ có chuyện nay.
Triển lãm có phương pháp trưng bày hiện đại với kỹ thuật chú thích tốt, đây chính là một trong những trưng bày thành công nhất trong đợt kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trưng bày cũng được thực hiện với chú thích tiếng Anh, Pháp cho khách nước ngoài. Cũng nói thêm, trưng bày chuyên đề vốn là một thế mạnh của Bảo tàng Phụ nữ.
Trong khi đó, tại Bảo tàng Lịch sử, gần 100 bức tranh cổ động, ký họa được chia thành các chủ đề: Cổ động chủ trương - phong trào, Chiến đấu, Tình quân dân, Nêu gương điển hình và Kỷ niệm ngày lễ lớn. Không chỉ là tranh, trên đó có rất nhiều thơ, ca dao, hò vè thời kháng chiến. Điều này khiến ngay từ khi mở màn đã có nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam học người Pháp, người Úc đến tìm hiểu.
Ông Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, những tranh cổ động này thuộc bộ tranh cổ động đồ sộ nhất nước của bảo tàng, được thu thập từ rất sớm sau khi Bác Hồ có ý kiến về việc sẽ thành lập một bảo tàng về cách mạng.
Cũng tại trưng bày này, khách thăm sẽ được tương tác với tranh cổ động bằng cách tự chọn mẫu tranh, tự in lấy tranh cho mình.
Trinh Nguyễn
>> Hội thảo khoa học về chiến thắng Điện Biên Phủ
>> 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Phát huy tinh thần quyế t thắng trong xây dựng đất nước
>> Trưng bày 100 bức ảnh chuyên đề chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Diễn văn của Chủ tịch nước nhân Chiến thắng Điện Biên Phủ
>> Đêm tự hào chiến thắng Điện Biên Phủ
Bình luận (0)