Hai lối làm phim tuổi học đường

28/05/2012 09:46 GMT+7

“Dành cho tháng 6” và “Gia sư nữ quái” - hai bộ phim Việt cùng chung một thể loại - phim tuổi học đường - cùng chiếu trong tháng 5, cũng là hai ví dụ rõ ràng biểu hiện của hai lối “tư duy” làm phim dành cho tuổi mới lớn của hai đạo diễn - một Bắc, một Nam.

Hai lối làm phim tuổi học đường
Ca sĩ Bảo Thy, ca sĩ Isaac, MC Trấn Thành và diễn viên Dương Cẩm Lynh trong phim “Gia sư nữ quái”. Ảnh: Lê Bảo Trung

Suất chiếu 12h20 ngày 24.5, bộ phim “Dành cho tháng 6” tại rạp MegaStar Hùng Vương (TPHCM) có 8 khán giả. Khi phim “đi” được chừng 30 phút, 3 bạn trẻ bỏ về, với lời giải thích: “Phim không có gì hấp dẫn”. Sau một tuần ra rạp (từ 18.5) tại TPHCM, về mặt doanh thu, “Dành cho tháng 6” không lập được kỳ tích, nhưng nhận được sự ủng hộ và khen ngợi của báo giới.

Nếu phải dùng tính từ để nhận xét gọn về phim, thì đó là ba từ “thanh, lành, sạch” - bộ phim đầu tay của Nguyễn Hữu Tuấn - một người trẻ, nhiều lãng mạn và có được sự tử tế làm nghề. Tuy nhiên, về cơ bản, mạch phim đi một cách phẳng, không có cao trào...

“Gia sư nữ quái” - phim nhựa thứ năm của Lê Bảo Trung - đạo diễn đã vào tuổi bốn mươi - nhưng vẫn được cho là có tâm hồn tuổi... teen, sẽ ra rạp trên toàn quốc từ 1.6. Tối 24.5, phim được giới thiệu ra mắt tại TPHCM một cách tưng bừng, với nhiều fan hâm mộ của hai ca sĩ Bảo Thy và Isaac - hai diễn viên chính của phim. Ba nhà đầu tư của phim: Lê Bảo Trung, Lâm Cẩm Vinh, Mai Thu Huyền đã cùng góp 8 tỉ đồng để làm phim, có thể yên chí, ít nhất, phim hòa vốn. Khá hơn, với “chiến lược” mang phim đi chiếu tới gần với giới trẻ, chắc chắn sẽ thu lời.

Nội dung của “Gia sư nữ quái” không mới, được thể hiện theo lối cũng không mới là cường điệu hóa, nhưng xem phim, thấy lối gây cười cho khán giả bằng nhiều những va đập cơ thể của các nhận vật, vài cách nói sai chính tả, hài tình huống,... người ta nhận rõ, đó là phim của Lê Bảo Trung. Và như vậy, đã là thành công với anh.

Trước khi chiếu ra mắt, Lê Bảo Trung đã “chặn trước” trên một vài tờ báo, rằng phim của anh không phải là phim cao siêu gì, mà chỉ là phim thuần giải trí lạc quan. Làm vài bộ phim, đã có cả danh (có phim nhận giải Mai vàng), lẫn có lợi (tất cả các phim đều có doanh thu tiền tỉ), Lê Bảo Trung đủ kinh nghiệm biết mình làm phim phục vụ cho dạng khán giả nào - phần đông là những người “đơn giản là tôi thích cười”. “Chiếu nghỉ” của phim hài nhiều pha hành động “Gia sư nữ quái” lại là những cảnh “mùi”, cảm động kiểu “tuổi hồng ngây thơ”. Nhưng xem phim mà cứ phải cười hoài suốt tiếng rưỡi đồng hồ, khán giả cũng bắt mệt...

Tôn trọng sự đa dạng, ủng hộ các đạo diễn, nhất là người trẻ làm phim, xem và phân biệt cách các đạo diễn kể chuyện về giới trẻ hôm nay, thì với hai phim trên, người ta có cảm giác, đúng là thời gian có “phép màu”, họ đã phải trở lại 5-10 năm trước trong kỹ thuật làm phim...

Nhà báo Lê Hồng Lâm - một cây bút chuyên sâu các vấn đề điện ảnh - rất có lý khi nói, so sánh giải Oscar hay LHP Cannes với LHP ở VN, so sánh phim nước ngoài với phim VN, thật là điều lố bịch. Không ai  thừa sức và thời gian làm việc đó.

Nhưng hình như, không chỉ Nguyễn Hữu Tuấn hay Lê Bảo Trung, mà cả một số đạo diễn khác hiện nay, khi làm phim đề tài gì, thể loại nào, chỉ chăm chú nhiều tới điều mình muốn nói mà lại quên mất một điều, chí ít 10 năm qua, phim ngoại được nhập, chiếu tại VN tăng gấp nhiều lần, với tốc độ cực nhanh. Và như vậy, khán giả Việt xem phim ngoại, không ít thì nhiều, “vô thức” hay “hữu thức”, lối xem, cách cảm nhận, nhìn nhận vấn đề thông qua một sản phẩm điện ảnh cũng thay đổi nhiều.

Trong khi đó, ở phim của các đạo diễn Việt, phần lớn chưa có những “đột biến” gì ở lối diễn xuất của diễn viên, cũng như cách diễn đạt, thể hiện vấn đề...

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.