Với thời gian 180 phút làm bài, các thí sinh cho rằng khá thoải mái để làm bài thi 2 môn địa và hóa trong ngày thi hôm qua.
Đề thi được đánh giá vừa sức đối với các thí sinh chỉ để xét tốt nghiệp nên hầu hết đều cảm thấy hài lòng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
“Trúng tủ” môn địa
Nhiều TS dự thi tại Công nghiệp TP.HCM hớn hở thông báo “trúng tủ”: “Em đoán đề thi môn địa chắc chắn sẽ hỏi về Biển Đông nên học rất chắc phần này. Đặc biệt phần khai thác khoáng sản ở Biển Đông”, Nguyễn Trà My, HS ở Đồng Nai vui vẻ nói. Bước ra từ hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Võ Vương Cao Sáng (HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) cho biết hoàn thành bài thi chỉ trong 45 phút.
Theo Sáng, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản và biết cách vận dụng Atlat thì dễ dàng đạt được 6 - 7 điểm. Tại hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), Phan Linh, TS tự do ở Long An cho hay đề thi môn địa lý quá dễ, 2 câu đầu gần như cho không 4 điểm vì đó đều là kiến thức được ôn tập đầu tiên.
Tương tự, Nguyễn Đức Thành Nhật, HS Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng), nhận xét mặc dù thi khối D nhưng với đề địa năm nay rõ ràng không quá khó. “Em thấy nếu sử dụng Atlat thì tụi em đã kiếm được vài điểm dễ dàng. Đề thi một nửa là những câu hỏi mở, nên không quá lúng túng khi giải quyết, bởi đó là những vấn đề thường xuyên được nghe, nhất là vấn đề về biển đảo”, Nhật nói. Trần Thị Trâm Anh, thi tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) cho rằng khi cầm đề địa thì thấy rất nhẹ nhõm, làm được 70 - 80%.
Tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (TP.Quy Nhơn, Bình Định), nhiều TS cũng rời phòng thi sớm. Phạm Ngọc Hoa (ở TP.Quy Nhơn) cho biết: “Đề thi phân hóa rõ ràng, 3 câu đầu dễ, câu cuối để phân loại HS giỏi. Nhìn chung đề thi dễ hơn so với đề thi ĐH các năm trước”.
Ông Trần Văn Quang, Tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM, nhận định: “Đề thi tương đối dễ và có sự sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó. Với đề thi này, HS trung bình có thể đạt điểm 7”.
Dài nhưng không khó
Đề thi môn hóa cũng không quá khó với TS. Thái Huỳnh Kim Bảo (HS Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) cho biết đề không khó và có thể đạt được 6 - 7 điểm. Đề thi tuy dài nhưng có khoảng 30 câu dễ, nhìn vào làm được ngay. Nhiều TS tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng đề hóa phù hợp với khoảng 60% câu dễ và 40% câu từ khó cho đến rất khó. Tăng Bảo Diệu, HS Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) cho biết dù học môn này không quá tốt nhưng cũng làm được khoảng 40/50 câu. Nguyễn Thụy Thảo, HS Trường THPT Lê Quý Đôn (Long An) cũng cho rằng đề thi nằm trong chương trình ôn tập, không có phần nào gây bất ngờ.
Nhiều TS thi chỉ để xét tốt nghiệp tại Đà Nẵng tỏ ra vui mừng vì đề hóa năm nay phần dễ chiếm đến 60%. Đoàn Ngọc Tâm, HS Quảng Nam nhận xét: "20 câu cuối thì dành cho HS khá giỏi, nhưng 30 câu đầu HS trung bình cũng có thể làm được bài trọn vẹn".
Tại Huế, nhiều TS nhận xét đề thi môn hóa không khó để đạt điểm trung bình. Nguyễn Thị Hoa (Quảng Trị) thi tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Huế nhận xét: “Muốn đạt điểm cao không dễ nhưng để đạt 5 - 6 điểm không khó”.
Tuy nhiên, ông Trương Công Luận, chuyên viên môn hóa học Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM lại cho rằng đề chính thức khó hơn so với đề minh họa, TS đạt điểm 8 nhiều còn điểm 9 - 10 sẽ ít.
NHẬN XÉT ĐỀ MÔN HÓA
Học sinh vùng xa đều có thể đạt điểm trung bình
So với đề thi hóa trong những năm gần đây thì những câu khó để đánh giá năng lực TS năm nay khó hơn rất nhiều. Phần khó nhất là những câu hỏi liên quan kiến thức hợp chất có chứa ni tơ. Mặc dù vậy đề thi năm nay dàn trải kiến thức ở cả lớp 10, 11, 12 nhưng chủ yếu vẫn là lớp 12, nên đã đáp ứng được 60% cho HS trung bình, nhằm giúp vượt qua tốt nghiệp THPT. HS ở các trường thuộc vùng sâu vùng xa, vùng quê nghèo ở các tỉnh đều có thể đạt điểm trung bình với đề thi này.
Phạm Thạch Sinh
(Phó hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, Quảng Ngãi) Còn nhiều nhược điểm
Cấu trúc đề thi năm nay bao phủ toàn bộ chương trình hóa học phổ thông, đúng tinh thần “2 trong 1”, đề thi vừa có khả năng dùng để xét tốt nghiệp, lại phải có phần để xét tuyển vào các trường ĐH. Tuy nhiên trong đề thi còn nhiều nhược điểm như: số bài tập về hình vẽ - bảng số liệu tuy có nhưng còn ít, thiếu dạng bài tập về đồ thị, đề thi còn nhiều câu bài tập khá nặng về kỹ năng tính toán và xử lý số liệu. Giá như đề thi đi sâu hơn nữa vào bản chất hóa và giảm bớt mức độ toán thì đề thi sẽ hay hơn và giúp định hướng tốt hơn việc dạy và học môn hóa ở cấp độ phổ thông.
Lê Phạm Thành
(Giáo viên luyện thi online tại moon.vn) Ý tưởng ra đề mới
Điều tôi thích nhất ở đề thi năm nay là đưa ý tưởng ra đề khá mới, đó là đưa câu nhận biết vào. Từ khi ra đề trắc nghiệm các thầy cô rất ngại đưa ra các bài toán nhận biết vào, mặc dù đây là loại câu gần gũi với thực tiễn hóa học hơn, vì thường câu hỏi kiểu này dễ hỏi, dễ đánh giá hơn trong đề tự luận. Nhưng những người ra đề năm nay đã tìm được cách hỏi ngược rất hay, kiểu như với nhận xét này thì chất ấy là gì? Câu kiểu này vừa hay mà vừa bám sát kiến thức chứ cũng không đòi hỏi HS phải khá giỏi mới trả lời được.
Nguyễn Thị Minh Châu
(Tổ trưởng Tổ hóa Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) Q.Hiên - X.Phương
(ghi) |
BÊN LỀ
“Phao” đằng sau thẻ dự thi
Sáng 3.7, hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có 3 TS bị đình chỉ trong giờ thi môn địa. Trong đó, 2 TS vì viết chữ vào cuốn Atlat địa lý VN. Đặc biệt, một TS bị đình chỉ vì... thẻ dự thi. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, TS này đã dùng bút hết mực viết lên mặt sau thẻ dự thi và phải nhìn nghiêng mặt thẻ mới đọc được chữ. Sau khi làm bài thi khoảng một tiếng, cán bộ coi thi phát hiện TS khi lật qua lại thẻ dự thi. Sau khi kiểm tra kỹ, giám thị phát hiện TS này viết những nội dung liên quan đến môn thi phía sau thẻ dự thi. TS này đã bị xử lý đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi.
Cũng tại hội đồng thi này, trong giờ thi văn, một TS hỏi bài TS khác, dù được nhắc nhở 2 lần vẫn tiếp tục phạm lỗi. Cán bộ coi thi đã xử lý kỷ luật ở mức khiển trách theo đúng quy chế. Tuy nhiên, hết giờ nộp bài, TS này có hành vi cản trở cán bộ coi thi thực hiện nhiệm vụ.
Hà Ánh
Tồn gần 2.000 chỗ ở miễn phí
Theo Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, hiện còn tồn gần 2.000 chỗ miễn phí và gần 10.000 chỗ giá rẻ dành cho TS và phụ huynh. Trong đó, riêng đội hình tình nguyện quản lý nhà tại TP.HCM đành trả lại 17 căn nhà cho người dân vì không có TS và phụ huynh đến ở (trên tổng số 23 căn cho ở miễn phí). Trước tình hình này, nhiều chủ nhà tỏ ra khá buồn vì đã chuẩn bị chu đáo mọi thứ để đón TS.
Anh Nguyễn Thanh Hùng, Đội trưởng đội quản lý nhà chương trình Tiếp sức mùa thi 2015 tại TP.HCM, cho biết năm nay TS chủ yếu ở những tỉnh, thành lân cận nên không ít người đi xe máy, xe ô tô về trong ngày, hoặc thuê khách sạn, nhà nghỉ (theo đoàn hay cá nhân), ở nhà người quen... Đó là một số lý do khiến nhiều nhà trọ miễn phí “truyền thống” của chương trình Tiếp sức mùa thi rơi vào cảnh vắng vẻ.
Như Lịch
Đạp xe vượt 30 km đi thi
Vũ Trọng Phát, ngụ ở Dĩ An, tỉnh Bình Dương, đã một mình đạp xe vượt khoảng 30 km đến TP.HCM dự thi (điểm thi ở Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10) (ảnh).
Thông qua những tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi, Phát có được chỗ ở miễn phí tại Ký túc xá sinh viên Lào. Trong hành trang của Phát còn có một cây sáo nhằm giúp bản thân giảm bớt căng thẳng.
Tin, ảnh: N.Lịch
|
Bình luận (0)