Gần giữa tháng 7, Trường ĐH Phan Châu Trinh tổ chức công bố “Mô hình ĐH phi lợi nhuận đầu tiên tại VN và lộ trình thực hiện”.
Có rất nhiều cuộc tranh luận về khái niệm phi lợi nhuận (not for profit), nhưng ở đây tạm hiểu đơn giản là 2 trường ĐH trên tuyên bố sẽ không kinh doanh giáo dục, không chạy theo lợi nhuận, sẽ không dùng tiền lời để chia cho cổ đông và tất cả tiền lời sẽ đầu tư vào việc phục vụ làm tăng chất lượng học tập của sinh viên. Nhưng hình như kiểu làm của 2 trường ĐH này khác nhau.
Trường ĐH Hoa Sen thu học phí cao (cao hơn các ĐH tư khác 3, 4 lần) với lý do đào tạo chất lượng cao, cơ sở vật chất tương đối tốt, có những chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh… Đây có thể là định hướng của trường này mà mọi người đang chờ thời gian khẳng định chất lượng sinh viên tốt nghiệp tại trường này.
Theo thông tin từ báo chí, học phí Trường ĐH Phan Châu Trinh chỉ ngang bằng trung bình chung của các trường công lập, miễn phí ký túc xá, tiếp cận dần với chương trình giáo dục khai phóng, trường dành tối thiểu 10% từ nguồn thu học phí để cấp học bổng cho sinh viên. Riêng người Hội An được cấp học bổng 50% học phí toàn khóa học. Hiện nay trường đã vận động được một nhà tài trợ vĩnh viễn, không hoàn lại là 1 triệu USD và 5 triệu USD - bảo lãnh cho trường vay ngân hàng… Như thế, dư luận xã hội có cảm tưởng Trường ĐH Phan Châu Trinh đang thực hiện một ĐH tư thục dạy đúng chất lượng nhưng học phí rẻ và nguồn tài chính được cung cấp do các nhà tài trợ.
Dù bất cứ mô hình ĐH phi lợi nhuận nào cũng đều đáng hoan nghênh. Đây không phải là một ảo tưởng vì đã có nhiều gia đình VN hy sinh những người con trai của họ để bảo vệ đất nước thì hôm nay cũng có những người VN đem tài sản của mình cống hiến cho những cơ sở giáo dục phi lợi nhuận. Vấn đề hiện nay: Ai là người có uy tín xã hội, có uy tín trong giáo dục khiến người có tâm và tài sản trao vào tay họ để thực hiện nhiệm vụ giáo dục cao cả.
Nguyễn Hồng Cúc
>> Tìm kiếm mô hình ĐH đẳng cấp quốc tế tại VN
Bình luận (0)