Đặc biệt điều này thể hiện rõ nét ở ngành xuất bản và trong lĩnh vực âm nhạc.
Từ "điệp khúc" nhà làm sách kêu cứu
Người làm sách chân chính "kêu" thì cứ kêu, sách lậu in thì cứ in bất chấp pháp luật và công ước quốc tế. Danh sách các sách in lậu, vi phạm bản quyền kéo dài mãi. Những nạn nhân mới nhất là bộ sách Hạt giống tâm hồn, Cẩm nang chăm sóc bà mẹ và em bé, Hồi ký về những cô gái điếm buồn của tôi, Phong thủy toàn tập... của First News; Cha giàu, cha nghèo, Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi, Thế giới phẳng… của NXB Trẻ; Rừng Na Uy của NXB Hội Nhà văn... Việc in lậu sách dường như càng lúc càng không kiểm soát nổi, đến nỗi đại diện của một NXB than thở: "Chỉ cần trong 3 giờ đồng hồ sau khi ấn hành đã có bản lậu trên thị trường".
Ông Phạm Sỹ Sáu, Trưởng ban Khai thác đề tài và giao dịch bản quyền rất bức xúc: "Thiết nghĩ, Nhà nước phải có hạn định lưu hành của những bộ sách đã "lỡ" vi phạm bản quyền. Chúng tôi có thể thông cảm cho các NXB bạn khi vi phạm in lần đầu, nhưng không thể chấp nhận việc sách in lậu (nối bản) cứ ung dung trên thị trường. Các NXB phải biết tự trọng, tôn trọng tác quyền, chứ không thể viện lý do "không biết" rồi "hồn nhiên" in ra. Ngoài ra, tác giả ký kết hợp đồng tác quyền có thời hạn với các NXB thì phải lưu tâm đến thời hiệu. Chứ ký với chỗ này rồi lại ký với chỗ khác khiến độc giả thiệt thòi vì họ phải mua một nội dung sách với 2 lần tiền". Còn ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News đề nghị: "Tăng cao hình phạt nghiêm khắc với những kẻ in lậu, xem họ như tội phạm kinh tế, làm gian, làm giả hàng hóa. Chỉ có làm vậy mới tạo được niềm tin và sự an tâm cho các đơn vị làm ăn kinh tế".
Đến bảo vệ bản quyền bằng... những lời hứa
Bỏ qua ý kiến cho rằng "Công ước Berne này chỉ bảo vệ quyền lợi cho người nước ngoài, còn trong nước thì mất nhiều hơn được", đến giờ này vẫn thấy toàn những vụ rắc rối xung quanh vấn đề "bảo vệ quyền tác giả" của chính các tác giả, nhà sản xuất VN. Nếu trước đó là chuyện đạo nhạc thì sau Công ước Berne lại là quyền tác giả chưa được bảo vệ, việc mua bán ca khúc độc quyền cũng rối tung! Nào chuyện nhập nhằng giữa Bảo Phúc và Anh Thoa ở bài Mê khúc, vụ tranh chấp ca khúc Biết thế tôi không yêu thật nhiều Lưu Gia Bảo (có một bản khác giống hệt nhưng với tên Tình yêu và giọt nước mắt của X.N), giữa tác giả Võ Trí và Lil''Kani với ca khúc Hết yêu, rồi nhạc sĩ Thái Thịnh bán ca khúc độc quyền cho 2 ca sĩ, hay nhiều nhạc sĩ ngậm ngùi trước cảnh "ăn cắp trắng trợn" của một số mạng điện thoại khi dùng bản nhạc của họ làm nhạc chuông mà không có sự trao đổi nào...
Nhạc sĩ Lê Quang bức xúc: "Trong khi việc mua và sử dụng ca khúc nước ngoài được thực hiện khá nghiêm túc thì chính thị trường mua-bán và sử dụng ca khúc trong nước, nhất là tại TP.HCM lại bát nháo. Một đêm ở TP.HCM có bao nhiêu ca khúc được hát trên các sân khấu được người sử dụng ý thức trả tiền tác quyền? Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN chỉ thu được khoản từ truyền hình và một số chương trình các tỉnh, còn riêng TP.HCM đến nay vẫn chưa làm được". "Đó là chưa kể những rắc rối về tác quyền, lâu nay toàn là người trong cuộc tự dàn xếp, gay gắt quá thì nhờ đến báo chí, chứ có được bảo vệ gì đâu. Còn kiện tụng? Luật không chặt chẽ, rõ ràng thì chúng tôi chỉ tốn công", một nhạc sĩ - nhà sản xuất (xin được giấu tên) lên tiếng. Ai cũng cho rằng chính vì luật không được áp dụng cụ thể, chưa rõ ràng, khi đụng chuyện thì chỉ nhận được lời hứa "chúng tôi sẽ...", hoặc giải quyết theo cách giải thích, vận động, và nhất là ý thức tự giác chưa cao trong khi hệ thống kiểm tra giám sát và xử lý còn lỏng lẻo, thế nên 2 năm qua tình trạng xâm hại bản quyền vẫn diễn ra như... cơm bữa !
Các cơ quan quản lý cần có sự phối hợp đồng bộ Về nạn vi phạm bản quyền, sao chép lậu trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, đặc biệt ở TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Quý (ảnh) - Trưởng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP.HCM cho biết: - Dù chúng ta đã có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, Hiệp hội công nghiệp ghi âm và Trung tâm bảo vệ bản quyền văn học nhưng tất cả mới chỉ là mô hình thí điểm. Ngày 1.7 vừa qua, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành, các văn bản hướng dẫn luật khá đầy đủ, nghị định về xử phạt trong lĩnh vực bản quyền cũng đang được triển khai, và vấn đề chỉ còn là thực thi nó như thế nào. Ngoài yếu tố lợi nhuận, nguyên nhân kéo dài tình trạng vi phạm bản quyền vẫn do ý thức tự giác của người sử dụng chưa cao; không thể có chuyện "vì không biết nên vi phạm", bởi nguyên tắc xưa nay khi sử dụng là phải xin phép và trả tiền. Còn nạn sao chép lậu, quả thật không dễ chấm dứt ngày một ngày hai trong thời đại của công nghệ thông tin. * Các cá nhân, đơn vị khi "đụng chuyện" thường ngại mang đơn đi kiện vì có quá nhiều cơ quan quản lý, xử lý vụ việc; theo ông có nên thành lập một tổ chức chuyên giải quyết và xử lý lĩnh vực bản quyền để hạn chế sự nhiêu khê trong quá trình thực thi? - Đã có nhiều cơ quan: Thanh tra chuyên ngành VHTT, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan, tòa án, sắp tới còn thêm lực lượng bộ đội biên phòng, rồi tổ chức quản lý tập thể (dự kiến lĩnh vực nhiếp ảnh sẽ thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền), lập thêm tổ chức nữa chưa biết hoạt động có hiệu quả không, hay chỉ thêm rắc rối. Điều quan trọng bây giờ là phải đẩy mạnh sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, chuyên nghiệp hóa hoạt động các tổ chức quản lý tập thể. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, các đơn vị sản xuất nên lập cho mình một ban chuyên giám sát lĩnh vực bản quyền, nói cách khác những đơn vị này phải có ý thức tự bảo vệ mình trước. Nguyên Vân (thực hiện)
|
Vinh Nguyễn - Thiên Anh
Bình luận (0)