Hai người mẹ của hàng chục đứa trẻ

14/06/2012 04:00 GMT+7

17 năm qua, hàng chục trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng, dạy dỗ nên người nhờ vòng tay yêu thương của 2 người mẹ không cùng máu mủ trong ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Tà Nung, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).

Đang dạy học ở TP.Đà Lạt, thấy xã vùng sâu Tà Nung (cách Đà Lạt hơn 15 km) còn khó khăn, nhiều trẻ em chưa biết chữ, nên cô Nguyễn Thị Khoe đã tình nguyện vào dạy học. Cô Khoe còn lặn lội đến thôn Păng Tiêng, xã Lát (huyện Lạc Dương) cũng như các buôn làng xa xôi ở huyện Đam Rông và Lâm Hà để tìm trẻ mồ côi đưa về chăm sóc.

Cô Hiền ân cần chăm sóc trẻ - Ảnh: Lê Hữu Phước
Cô Hiền ân cần chăm sóc trẻ - Ảnh: Lê Hữu Phước
 

Đồng cảm với cô Khoe, cô Nguyễn Thị Hiền, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng y tế Lâm Đồng  đã tình nguyện đến giúp cô Khoe chăm sóc trẻ em mồ côi. Suốt nhiều năm qua, ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên Tà Nung luôn có 25 trẻ mồ côi, có em mới lọt lòng mẹ vài tháng đã được các cô nhận về cho bú mớm, có những trường hợp là 2 anh em ruột mồ côi cũng được đưa về nuôi dưỡng. Không chỉ nuôi trẻ mồ côi, nơi đây mỗi năm còn  nhận nuôi dưỡng 25 trẻ em suy dinh dưỡng từ 1 đến 3 tuổi. Cô Khoe cho biết: “Sống với đồng bào nhiều năm, vào mùa giáp hạt tôi chứng kiến nhiều gia đình phải ăn cháo nấu với lá rau rừng rất khổ cực, điều đó dẫn đến hàng loạt trẻ bị suy dinh dưỡng trầm trọng rất tội nghiệp. Từ đó tôi quyết định nuôi thêm trẻ suy dinh dưỡng”.

Để nuôi cùng lúc 50 trẻ mồ côi và suy dinh dưỡng, các cô phải tự lao động sản xuất để kiếm tiền mua gạo, mua thức ăn, đóng tiền học phí... Với khu vườn rộng 2 ha, ngoài việc trồng cà phê, các cô còn trồng khoai, bắp, bí và nhiều loại rau củ khác để “tự cung tự tiêu” nhằm giảm bớt chi phí. Có những mùa rau xanh ăn không hết, các cô mang ra chợ bán để mua thêm thịt cá tăng thêm dinh dưỡng cho khẩu phần của các cháu.

 

Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi...  

HỒ CHÍ MINH

Năm tháng trôi qua, dưới ngôi nhà nhỏ bọn trẻ được bảo bọc, lớn lên trong tình yêu thương. Cô Khoe thổ lộ niềm vui: “Đến nay đã có 7 em tốt nghiệp THPT, 4 em học bậc CĐ-ĐH, trong đó 1 em đã có bằng cử nhân. Bên cạnh đó, có 3 em nữ đã lập gia đình. Khi có việc cần, các cô nhắn tin là các cặp vợ chồng sẵn lòng đến giúp, không chút nề hà”. Còn cô Hiền cho biết: “Bọn nhỏ sống yêu thương nhau như anh chị em ruột thịt. Sau giờ đến lớp, những đứa lớn ý thức phụ giúp chăm sóc, đút cho những đứa bé hơn ăn”.

Krajăng A Mi (mồ côi mẹ lúc 15 ngày tuổi, từ 4 tuổi được cô Khoe mang về nuôi), hiện đang học Trường Cao đẳng nghề ở Đà Lạt, những ngày được nghỉ học A Mi đón xe buýt về giúp các mẹ chăm vườn cà phê, vườn rau. A Mi tâm sự, em không muốn rời xa ngôi nhà này, em mong khi ra trường có nghề nghiệp ổn định và lấy vợ, được các mẹ cho một lô đất nhỏ cất nhà để cùng các mẹ lo cho các em. Ước mơ không có gì to tát, nhưng lại là mối bận tâm của các cô khi nghĩ đến tương lai của những đứa con đang trưởng thành.

Ông Lê Quang Húy - Chủ tịch UBND xã Tà Nung cho biết: “Tà Nung là xã có đa số người dân là đồng bào dân tộc, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng địa phương chỉ chăm lo được một phần. Nhờ có mái ấm tình thương của cô Khoe nên nhiều em được giúp đỡ, đặc biệt những cháu mồ côi và khuyết tật có nơi nương tựa. Các cô làm việc rất tốt, thường xuyên phối hợp với chính quyền để chăm lo cho các cháu. Địa phương luôn tạo điều kiện, giới thiệu các đoàn từ thiện xa gần đến giúp đỡ mái ấm và các cháu”.  Động lực nào để các cô chấp nhận hy sinh, sống độc thân nuôi trẻ mồ côi? Cô Khoe khiêm tốn nói: “Việc làm của chúng tôi nhỏ nhoi lắm, có đáng gì đâu; chúng tôi làm vì tình yêu thương, chỉ muốn những đứa trẻ mồ côi có nơi nương tựa. Thật ra, nhiều người còn làm những việc lớn lao hơn chúng tôi nhiều”.

Lâm Viên

>> Đem lại ánh sáng cho người nghèo
>> Giúp trẻ mồ côi
>> Giúp người dân vùng bệnh lạ
>> Trao học bổng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.