Chủ trì buổi gặp mặt báo chí về phiên họp giả định Quốc hội trẻ em có chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức phiên họp; bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (QH), và anh Lê Hải Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư, Phó trưởng ban tổ chức chương trình.
Sẽ chất vấn 2 bộ trưởng giả định
Thông tin về các hoạt động diễn ra tại phiên họp, anh Lê Hải Long cho biết phiên họp giả định QH trẻ em lần thứ 2 năm 2024 diễn ra từ ngày 27 - 29.9 tại thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 306 đại biểu là các em đội viên thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phiên họp giả định QH trẻ em lần thứ 2 có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: các đại biểu tham gia khai mạc phiên họp giả định vào sáng 28.9 và buổi chiều sẽ diễn ra phiên thảo luận tại 12 tổ ở tòa nhà QH với 2 chủ đề "Phòng chống bạo lực học đường" và "Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường".
Ngày 29.9 sẽ diễn ra phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà QH. Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn sẽ dự và phát biểu chỉ đạo tại chương trình. Tham dự chương trình có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan thuộc QH, Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội T.Ư.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu được đóng vai thành đại biểu QH và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của QH, Chính phủ. Trong phiên họp, các ý kiến phát biểu đóng góp của các đại biểu QH trẻ em sẽ phản ánh những ý kiến, mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương. Các đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giả định về công tác "Phòng, chống bạo lực học đường"; chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế giả định về công tác "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường", để làm rõ các vấn đề được "cử tri trẻ em" cả nước quan tâm.
Sau khi các bộ trưởng giả định hoàn thành nội dung chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ phát biểu và trao đổi thông tin với đại biểu trẻ em. Chủ tịch QH giả định điều hành thông qua nghị quyết và phát biểu bế mạc phiên họp giả định.
Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về ý nghĩa của phiên họp giả định QH trẻ em, ban tổ chức cho biết chương trình nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong triển khai hiệu quả Đề án "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2023 - 2027".
Phiên họp giả định QH trẻ em là diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, QH và toàn xã hội đối với trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
Đây cũng là mô hình hoạt động mới thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với tâm lý, khả năng của trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến, quan điểm, nhận thức và tham gia quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan trẻ em.
Thông qua hoạt động giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu bộ máy cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là QH, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, QH đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.
Hy vọng đẩy nhanh tiến độ giải quyết của các bộ trưởng
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc vì sao ban tổ chức chọn chủ đề trên để bàn thảo tại phiên họp giả định, chị Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết từ thực tiễn tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của trẻ em các địa phương định kỳ gửi về T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư, 6 nhóm vấn đề các em quan tâm, từ đó lấy ý kiến của trẻ em để chọn 2 nhóm quan tâm nhiều nhất. Phiếu khảo sát còn thiết kế câu trả lời dưới dạng "chủ đề khác" để trẻ em tự đề xuất chủ đề phiên họp. Kết quả, hai chủ đề chiếm tỷ lệ cao nhất là chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường" có 251.982 bình chọn (chiếm 77,3%) và chủ đề "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường", có 119.244 bình chọn (chiếm 36,6%).
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết thêm hai chủ đề mà trẻ em lựa chọn rất phù hợp với hai vấn đề nóng mà QH quan tâm. Trong đó vấn đề về phòng, chống bạo lực học đường đã được đưa vào Hội thảo văn hóa học đường mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH tổ chức và đã kiến nghị để Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. QH cũng đang giám sát việc triển khai chỉ thị này tại Bộ GD-ĐT.
Về chủ đề "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường" là chủ đề mà Ủy ban Xã hội của QH cũng đã tổ chức phiên giải trình và có kết luận gửi Chính phủ và các cơ quan liên quan; QH đang giám sát việc thực hiện từ các bộ, ngành.
"Chúng tôi hy vọng tiếng nói tại phiên họp giả định QH trẻ em lần thứ 2 sẽ góp phần tạo thêm điểm nhấn cho mong muốn của trẻ em trong giải quyết vấn đề trẻ em mà QH khóa XV đang quan tâm. Đây cũng là động lực mạnh mẽ hơn để các thành viên Chính phủ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong đẩy nhanh tiến độ giải quyết những lời hứa của các bộ trưởng trước QH về các vấn đề của trẻ em", bà Mai Hoa nói.
Bình luận (0)