Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đánh giá tặng quà người dân là một ý tưởng tốt. Theo ông Vân, đây là cách bày tỏ sự quan tâm của cấp ủy chính quyền thành phố đối với sự đóng góp của nhân dân thành phố trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, cách thức mà chính quyền Hải Phòng đang làm dường như chưa được bàn kỹ, cách thuyết phục chưa đúng; mức tiền đưa ra so với giá trị quà có sai lệch, chưa sát thực tế, nên đã gây ra phản ứng.
“Nhất là trong lúc cả nước đang chống dịch Covid-19 thì món quà đó phải phản ánh được nhu cầu thực tế của người dân. Cái đó phải có cái đánh giá, thăm dò cho nó kỹ lưỡng, chứ không bằng ý chí chủ quan được”, ông Vân nói.
Tiếp cận tâm tư nguyện vọng của nhân dân chưa phù hợp
Nhưng lãnh đạo Hải Phòng khẳng định quyết định tặng mỗi hộ dân 1 bộ ấm chén, cờ Tổ quốc đã được bàn bạc kỹ, và xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của người dân thành phố, chứ không phải từ cá nhân một ai?
Ông Lê Thanh Vân: Cách diễn đạt rằng đây là quyết định phù hợp với ý chí nguyện vọng tâm tư của nhân dân của thành phố Hải Phòng thì cũng chỉ tương đối.
Về mặt pháp lý thì Hội đồng nhân dân là đại diện cho dân thật, nhưng dân là khái niệm rộng chứ không phải hạn hẹp trong ý kiến của một số người. Do đó, một quyết định ảnh hưởng tới nhiều tầng lớp nhân dân thì cần phải được thăm dò, tìm hiểu cho thật kỹ.
Ta thoát ly thực tiễn, xa nguyện vọng của nhân dân mà cứ nói đại diện cho dân thế không ổn lắm. Bằng chứng rõ nhất là chính người dân Hải Phòng cũng ý kiến về việc này. Rõ ràng, đây là việc làm với mục đích rất tốt nhưng cách làm thì chưa ổn.
Có thể việc tặng quà là ý tưởng tốt, nhưng rõ ràng là chưa phù hợp với ý chí, nguyện vọng của người dân như lãnh đạo Hải Phòng khẳng định, nên mới có tranh luận?
Quốc hội thông qua luật Trưng cầu dân ý rồi. Các hình thức lấy ý kiến nhân dân trong luật cũng quy định cụ thể rồi, nhưng chính quyền các cấp từ trung ương đến cơ sở gần như không dùng đến. Cứ áp đặt ý chí chủ quan của mình, cho rằng ý kiến của mình là anh minh, sáng suốt lắm, nhưng đến lúc đưa ra ngoài thì bị nhân dân phản ứng.
Cần phải có hình thức lấy ý kiến nhân dân phù hợp chứ không thể tự nhân danh. Cái nào tác động đến nhiều đối tượng, đặc biệt là nhiều tầng lớp nhân dân, thì cần phải lấy ý kiến nhân dân rộng rãi.
Qua sự việc của Hải Phòng cũng thể hiện cách thức mà chúng ta tiếp cận với ý chí nguyện vọng của nhân dân là chưa phù hợp. Những người tự mình cho rằng là đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cần phải xem lại mình. Chưa gần dân, chưa sát với dân nên chưa phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân.
"Phải tham khảo thực chất nguyện vọng của nhân dân là gì"
Lãnh đạo Hải Phòng cũng cho rằng, thành phố Hải Phòng trong những năm qua có sự phát triển, thu ngân sách cao nên đây là dịp để tri ân người dân, chứ không phải là tặng quà thì quên những việc khác, thưa ông?
Ở nhiều nước phát triển, như Nhật Bản chẳng hạn, chính quyền vẫn chia phúc lợi cho toàn dân. Vừa rồi, để phòng, chống dịch Covid-19, chính quyền Hồng Kông cũng phát tiền cho người dân. Vấn đề đặt ra là phân phối lại đó vào hoàn cảnh nào, sự việc gì?
|
Theo tôi, không thiếu gì cách để tặng quà người dân, thể hiện sự tri ân. Phải nói rõ, đây là lo cho dân chứ không phải là cho, tặng cho dân, vì ngân sách là tiền thuế của dân. Do đó, Thành phố hoàn toàn có thể xây dựng một công trình công cộng cho cả thành phố, để người dân nào cũng được hưởng thụ.
Ở các nước phát triển, chính quyền lo cho dân bằng cách xây dựng công trình công cộng cho một khu vực người dân nào đó, để người ta ra người ta hưởng thụ chung.
Cách phát quà của Hải Phòng cũng mới xuất hiện nên không tránh khỏi ý kiến này khác. Cái này cũng chia sẻ với chính quyền nhưng tôi đánh giá đây là ý tưởng tốt. Thế nhưng so sánh đối chiếu, giá cả món quà, phương thức và tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong sự việc này thì tôi cho rằng Hải Phòng rất cần rút kinh nghiệm, nhất là trong cách làm.
Vậy theo ông, để món quà mà chính quyền Hải Phòng tặng cho người dân nhận được sự đồng thuận thì nên làm thế nào?
Trong cuộc họp báo Chính phủ tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có ý kiến là Hải Phòng nên rà soát, cân nhắc lại việc chi 269 tỉ đồng tặng ấm chén toàn dân. Tôi cũng cho rằng, lãnh đạo Hải Phòng nên xem xét kỹ hơn vấn đề này.
Cách làm tốt nhất là phải có tham khảo thực chất nguyện vọng của nhân dân là gì. Cần có nghiên thật kỹ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân Thành phố. Tôi tin là họ không phải vì bộ ấm chén đâu. Phải đi sâu đời sống của nhân dân nhiều tầng lớp để thấy được tiếng nói chung, vì chắc chắn không thể có tiếng nói tuyệt đối đúng được. Vì nhân dân nhiều tầng lớp, nhiều khu vực, song phải có một chỉ số chung nhất là họ cần cái gì, cho nó cân bằng, khả dĩ nhất.
Nếu như thấy chưa chín muồi, thì lãnh đạo Hải Phòng cũng cần mạnh dạn có thông điệp với nhân dân để rút lại chủ trương tặng ấm chén và xin lỗi người dân. Giải quyết vấn đề này cứ dựa vào ý chí nguyện vọng thực chất của nhân dân là giải quyết đơn giản thôi.
Nếu làm đúng thì phải để dân bàn
Vấn đề là mỗi người dân có nhu cầu khác nhau. Các anh nói đã bàn rất kỹ trong cấp ủy, chính quyền nhưng chưa lấy ý dân. Vì đây là quà tặng dân, dân được hưởng thì nên do người dân quyết định.
Như bộ ấm chén thì đối với những gia đình có rất nhiều bộ ấm chén rồi thì họ không cần thiết; cũng có gia đình, người ta cần 500.000 đồng đó làm việc khác, lo chuyện học hành, giấy bút cho con chẳng hạn.
Lãnh đạo chính quyền nói việc tặng quà phù hợp ý chí, nguyện vọng của người dân nhưng chính người dân lại có ý kiến ngược lại như thế thì thế nào? Chính dân Hải Phòng đề xuất, thắc mắc chứ có phải ai đâu? Tôi thấy, nếu chính quyền tốt thì đưa ra dân bàn. Nếu được đăng ký thì sẽ có nhều người dân không muốn nhận quà. Nhà nào cũng có ấm chén, nhà nào cũng có cờ thì lấy làm gì.
(Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)
|
Bình luận (0)