Thời gian qua, các hộ dân sống ở khu vực đường Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Hoàng Văn Thụ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) liên tiếp được mời tham gia nhiều cuộc lấy ý kiến của UBND phường về việc điều chỉnh khu đất mà họ đang sinh sống từ lâu nay.
Khu vực này rộng hơn 2,4 ha và chỉ cách Nhà hát lớn Hải Phòng chưa đầy 100 m, được coi là "đất vàng" ở Hải Phòng.
“Xén” đất ở và đất công cộng làm dự án thương mại
Theo Quyết định 1302/QĐ-UBND của thành phố Hải Phòng ngày 24.6.2014 về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 quận Hồng Bàng và phần mở rộng đến năm 2025, trong hơn 2,4 ha đất kể trên, không có quy hoạch cho đất hỗn hợp - nhà ở thương mại.
Tuy nhiên, ngày 20.3.2019, UBND TP.Hải Phòng ra Quyết định số 582/QĐ-UBND điều chỉnh quy hoạch khu vực cơ quan và dân cư thuộc khuôn viên của 4 mặt đường Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Phan Chu Trinh.
Theo đó, mở rộng đường Phan Chu Trinh đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lê Đại Hành và đường Lê Đại Hành đoạn từ Trần Hưng Đạo đến ngã 3 Phan Chu Trinh - Lê Đại Hành; xây dựng khu nhà ở và thương mại dịch vụ, trong đó có khu nhà cao 72 tầng.
|
Theo phương án điều chỉnh này, phần diện tích đất ở hiện trạng 0,16 ha; đất ở công cộng 0,43 ha; đất cây xanh 0,47 ha vốn tồn tại từ trước tới giờ đã bị cắt bỏ; các quỹ đất ở hiện trạng và đất công cộng còn lại bị điều chỉnh giảm diện tích để nhường chỗ cho một hạng mục mới là “đất ở hỗn hợp”, với diện tích lên đến 1,26 ha, có nhà ở thương mại cao tối đa 72 tầng.
Tháng 5.2019, UBND phường Hoàng Văn Thụ lại lấy ý kiến của người dân khu vực trên để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, theo hướng chuyển đổi chức năng các lô đất trong khu đất vàng này. Cụ thể, quỹ đất công cộng (Nhà hát tháng 8) và quỹ đất ở hiện trạng (đất ở của các khu dân cư giáp đường Đinh Tiên Hoàng) sẽ được chuyển đổi thành đất hỗn hợp - nhà ở thương mại.
Điểm đáng chú ý trong đợt điều chỉnh này là đất ở của dân cư tiếp tục bị “xén” đi để nâng tổng diện tích đất hỗn hợp từ 1,26 ha lên thành 1,43 ha. Trong đó, khu đất rộng khoảng 0,8 ha vốn là trụ sở UBND quận Hồng Bàng cũ sẽ mọc lên một cao ốc có chiều cao tối đa có thể lên đến 72 tầng.
“Vi phạm quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt!”
Trước các điều chỉnh trên, dư luận ở Hải Phòng đã lên tiếng phản đối. Trong các cuộc họp, nhiều hộ dân liên quan đến khu đất trên hoặc không đến dự, hoặc bỏ về mà không cho ý kiến, số ít đến dự thì không đồng tình.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch ở Hải Phòng cũng tỏ ra bất ngờ khi biết tin này. Vì trong khu đất 2,4 ha kể trên, có những ngôi biệt thự Pháp cổ như trụ sở Thành đoàn Hải Phòng (số 22 Trần Hưng Đạo), trụ sở Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng (số 19 Trần Hưng Đạo), ngoài ra là Nhà hát tháng Tám (phố Đinh Tiên Hoàng).
|
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi bày tỏ: "Chúng ta phải lên tiếng phản đối nếu muốn giữ hồn cốt đô thị Hải Phòng. Khu vực xung quanh Nhà hát lớn là một đô thị cũ, thậm chí có thể gọi là cổ cũng được, chứa đựng giá trị lịch sử, là nhân chứng cho sự hình thành và phát triển của thành phố. Đó là một đô thị yên bình, trong lành mà rất hiếm nơi đâu có. Nhiều nơi họ bảo tồn và chỉ chỉnh trang một chút thôi, đằng này lại phá đi, không thể chấp nhận được!”.
Đồng quan điểm, ông Võ Quốc Thái, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng, cho biết thêm việc xây cao ốc ở trụ sở UBND quận Hồng Bàng cũ sẽ là “vi phạm quy hoạch mà Thủ tướng đã phê duyệt”.
Theo ông Thái, Quyết định số 1448 ngày 16.9.2009 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đã nêu rõ: khu nội thành cũ được giới hạn trong phạm vi từ đường Bạch Đằng - Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu - Lê Thánh Tông - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Chùa Vẽ và một phần trung tâm quận Kiến An là khu hạn chế phát triển, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây mới, không thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất, tránh quá tải về hạ tầng đô thị, tầng cao trung bình 3 - 5 tầng...
“Việc xây dựng một cao ốc chót vót ngay sát Nhà hát lớn, gắn với không gian cũ như thế này sẽ phá vỡ không gian đô thị, chà đạp lên giá trị lịch sử, bản sắc kiến trúc Hải Phòng, chưa nói là còn phạm vào quy hoạch chung mà Thủ tướng đã phê duyệt”, ông Võ Quốc Thái khẳng định.
Ông Thái cũng lo ngại về những hệ lụy của “đô thị nén” mà tòa cao ốc lên tới 72 tầng mang đến. “Hệ thống giao thông, thoát nước, xử lý nước thải sẽ bị quá tải với một tòa nhà cao tầng như thế, Hải Phòng có đào toàn bộ đô thị cũ để làm lại được không?", ông Thái nói thêm.
|
Ông Lê Văn Hiến, nguyên Viện phó Viện quy hoạch Hải Phòng, cũng nêu quan điểm: “Hải Phòng không nên xây nhà cao tầng trong khu vực đô thị cũ vì xã hội sẽ gánh hậu quả khủng khiếp. Giao thông, trường học, bệnh viện quá tải. Nhà nước và người dân phải gánh chịu chứ còn ai vào đây nữa".
Theo ông Hiến, muốn Hải Phòng phát triển bền vững và hợp lòng dân thì hãy xây cao ốc ở bên ngoài. "Đó có thể là những trục đường ở quận Dương Kinh; quận Hải An. Hợp lý nhất là khu đô thị Bắc sông Cấm ở H.Thủy Nguyên, nơi Hải Phòng đang đầu tư rất nhiều tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Hiển khuyến nghị.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, phần đất được quy hoạch để làm đất hỗn hợp - nhà ở thương mại có cao ốc lên tới 72 tầng này đã được UBND TP.Hải Phòng xin phép Thủ tướng giao cho Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy. Đây chính là một phần nội dung trong hợp đồng của dự án BT (xây dựng - chuyển giao) giữa doanh nghiệp này với thành phố Hải Phòng khi tiến hành Dự án cải tạo chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn TP.Hải Phòng - Công trình Goldenland 5; xây dựng 2 chung cư HH3, HH4 ở P.Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền.
Bình luận (0)