Hải quân Liên Xô suýt ‘bỏ quên’ ngư lôi hạt nhân ở Cam Ranh?

19/03/2021 20:14 GMT+7

Trong cuốn sách vừa xuất bản viết về thời gian phục vụ ở Cam Ranh cuối những năm 1980, tác giả vốn là cựu quân nhân tàu ngầm Liên Xô kể lại một chuyện hy hữu: một ngư lôi hạt nhân trên tàu ngầm suýt bị “bỏ quên” khi tháo dỡ vũ khí tại quân cảng này.

Theo tuần báo Argumenty Nedeli (Moscow, Nga), ông Yuri Krutskikh, cựu quân nhân tàu ngầm thuộc Hạm đội Liên Xô (đã nghỉ hưu, hiện ở Vladivostok, Nga) đầu tháng 3.2021 vừa ra mắt cuốn sách thứ hai viết về những sự kiện thời ông đóng quân tại căn cứ Cam Ranh (Việt Nam) cuối những năm 1980. Cuốn sách này mang tên Cam Ranh hay là chiếc tàu ngầm lớp Foxtrot cuối cùng.

Căn cứ của Liên Xô tại Cam Ranh những năm 1980

Tư liệu

Cuốn sách được giới thiệu là viết về những sự việc qua hồi ức của cựu quân nhân tàu ngầm này, tuy không phải là dạng hồi ký, một số tên nhân vật có thay đổi cho phù hợp. Đáng chú ý, tuần báo Argumenty Nedeli trích dẫn một đoạn trong cuốn sách này về sự kiện (chưa kiểm chứng) lực lượng hải quân Xô viết đóng tại Cam Ranh suýt “để mất” 1 quả ngư lôi hạt nhân trên chiếc tàu ngầm diesel - điện lớp Foxtrot (Dự án 641) mà tác giả phục vụ.

Tàu ngầm Liên Xô giám sát hải quân Mỹ ở Biển Đông đến eo biển Malacca

Theo trích đoạn từ cuốn sách, tác giả vốn là quân nhân phụ trách khâu vũ khí trên một tàu ngầm điện - diesel lớp Dự án 641 (NATO định danh là lớp tàu Foxtrot), thuộc trung đoàn tàu ngầm điện - diesel số 19 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Cuối những năm 1980, ông Krutskikh cùng tàu ngầm được đưa đến căn cứ Cam Ranh để tuần tra Biển Đông.

Thời gian ông Krutskikh phục vụ tại Cam Ranh khoảng 7 tháng. Nhiệm vụ của đơn vị ông là giám sát hoạt động của các tàu sân bay và căn cứ hải quân của Mỹ ở Biển Đông, giám sát tuyến hàng hải qua eo biển Malacca.

Tàu ngầm lớp Foxtrot tại Cam Ranh những năm 1980

deepstorm.ru

Tàu ngầm lớp Foxtrot được đóng từ cuối những năm 1950, đến thời ông Krutskikh phục vụ là cũng đã hơn 30 năm tuổi nhưng vẫn còn rất bền bỉ, dù điều kiện sinh hoạt trên tàu rất vất vả. Mỗi khi ra khơi, tàu ngầm của ông luôn mang theo 22 quả ngư lôi, trong đó có 2 quả gắn đầu đạn hạt nhân mà theo ước tính, mỗi quả đủ sức đánh chìm một tàu sân bay hạt nhân của Mỹ.

Sự cố khi tháo dỡ ngư lôi hạt nhân

Theo đoạn trích từ cuốn sách, thủy thủ và sĩ quan trên tàu ngầm có tiêu chuẩn riêng về khẩu phần rượu. Thợ máy khoảng 20 lít/tháng, trưởng đài vô tuyến là 15 lít, hoa tiêu 10 lít, và lính phụ trách vũ khí là 3 lít/tháng. Vũ khí mà tàu ngầm mang theo khi tuần tra gồm ngư lôi, mìn biển, súng trường, súng ngắn, và đắt tiền nhất là ngư lôi, nhất là ngư lôi hạt nhân.

Khi về căn cứ, ngư lôi hạt nhân sẽ được tháo dỡ từ tàu ngầm, đưa lên bờ cất vào kho.

Một lần có sự kiện hy hữu xảy ra với việc này. Sau một chuyến công tác, tàu quay về căn cứ và thủy thủ phải đưa 2 quả ngư lôi hạt nhân lên bờ.

“Mọi thứ đều bình thường. Chúng tôi đo tốc độ gió bảo đảm ở mức bình thường rồi đưa ngư lôi ra, báo cho bộ phận trên bờ. Họ đến, kiểm tra mọi thứ và cho phép tiến hành.

Ông Yuri Krutskikh khi còn là quân nhân tàu ngầm

Yuri Krutskikh

Quả ngư lôi hạt nhân đầu tiên được đưa khỏi tàu ngầm. Bạn có bao giờ giữ một quả ngư lôi hạt nhân trong tay? Nó là một điếu xì gà khổng lồ màu xanh đen, không có dấu hiệu phân biệt gì với những quả ngư lôi khác cả về màu sắc lẫn kích cỡ. Cũng chẳng có những dấu hiệu cảnh báo như ký hiệu phóng xạ hay đầu lâu và xương chéo...”, theo trích đoạn.

Thế rồi, chậm rãi nhích từng milimét, quả ngư lôi được chuyển từ trong khoang tàu lên. Rồi một xe cần cẩu đến, cẩn thận nhấc quả ngư lôi lên “như ông bố nâng niu đứa con đầu lòng” rồi hạ nó xuống thùng một xe tải Kamaz đặc chủng đậu gần đó.

Tiếp theo, quả ngư lôi hạt nhân thứ hai cũng được thủy thủ cẩn thận, chậm rãi đưa lên boong tàu, chờ cần cẩu đưa lên bờ. Bất ngờ người phụ trách bốc dỡ ngư lôi trên bờ tuyên bố dừng tiếp nhận ngư lôi do lúc này tốc độ gió vượt mức cho phép là 1 m/giây, theo máy đo gió của ông ta. Thế là xe cần cẩu ngừng bốc dỡ, quay về gara. Người phụ trách tiến về phía ông Krutskikh, giao biên bản bàn giao vũ khí và vui sướng được quay về nhà sớm với vợ con.

Tranh vẽ tàu ngầm lớp Foxtrot tại Cam Ranh trong một cuốn sách của ông Yuri Krutskikh

Yuri Krutskikh

“Bạn không thể để quả ngư lôi hạt nhân nằm trên boong tàu, lỡ trời mưa và có thể nó sẽ bị đánh cắp. Và rồi chậm rãi từng milimet, chúng tôi lại đưa quả ngư lôi xuống khoang tàu, cho vào ống phóng và đậy nắp lại... Sáng hôm sau mọi thứ có vẻ yên tĩnh... Nhưng chẳng ai vội vã với việc mang quả ngư lôi hạt nhân còn lại khỏi tàu chúng tôi.

Sau bữa trưa, tôi lo lắng và gọi điện cho bộ phận vũ khí của căn cứ. Một giọng ngái ngủ trả lời là không biết gì cả, xin đừng quấy rầy (?). Nửa giờ sau, tôi gọi lại và hỏi khi nào thì cần cẩu đến để bốc dỡ ngư lôi. Giọng nói hồi nãy trả lời với vẻ bực mình rằng ngư lôi đã được bốc dỡ xong hôm qua, có biên bản giao nhận đủ 2 quả trên bàn anh ta. “Ngư lôi đã ở trong kho, đừng có hỏi ngốc nghếch nữa”, rồi anh ta dập máy”, theo đoạn trích.

Giấc mơ triệu phú tan biến

Thế là ông Krutskikh liền xem lại biên bản mình đang giữ một bản và nhận ra trong đó ghi đã nhận 2 quả chứ không phải 1, có chữ ký của người phụ trách bốc dỡ vũ khí.

“Như vậy quả ngư lôi đang ở trên tàu là của chúng tôi! Tôi liền báo cho chỉ huy tàu, chỉ huy tỏ ra vui sướng. Chúng tôi nhất trí nên chuyển giao quả ngư lôi hạt nhân này cho Saddam Hussein. Một cuộc tranh cãi nhỏ đã xảy ra chỉ vì câu hỏi cần lấy của Saddam bao nhiêu tiền. Chỉ huy nói rằng anh ta sẽ không chiến đấu với một người bạn, chỉ cần một triệu USD là đủ, và tôi muốn đến 10 triệu USD cũng không phải là chuyện vặt”.

Căn cứ Cam Ranh những năm cuối thập niên 1980

Yuri Krutskikh

Tuy nhiên giấc mơ triệu phú của các quân nhân tàu ngầm chỉ tồn tại được... 2 giờ. Ngay trước bữa trưa, một xe cẩu cùng các đại diện của kho vũ khí đến nơi tàu ngầm đang đậu. Tốc độ gió lúc này bình thường. Và nửa giờ sau, quả ngư lôi hạt nhân còn lại được chậm rãi, cẩn thận đưa từ dưới tàu lên, để cho cần cẩn cẩu lấy và đặt vào thùng xe tải Kamaz chuyên dụng chở ngư lôi. Và rồi quả ngư lôi được đưa về cất giữ ở kho vũ khí bên dưới lòng đất.

“Thật đáng tiếc, lẽ ra đã có cơ hội vào cuối những năm 1980 để thay đổi toàn bộ lịch sử thế giới: cứu Saddam Hussein khỏi phòng tra tấn và giá treo cổ, và Iraq khỏi sự sỉ nhục và cướp phá. Cũng sẽ không có xuất hiện bọn IS, không có khủng bố, sẽ không có gì xảy ra...”, theo kết luận hài hước của đoạn trích.

Nhưng ông Krutskikh không buồn lâu. Vài tháng sau, tàu ngầm lại nhận ngư lôi hạt nhân đi tuần tra tiếp, và sau khi quay về căn cứ, khẩu phần rượu của ông được tăng gấp đôi.

Trước đó, hồi năm 2019, ông Yuri Krutskikh đã cho ra mắt cuốn sách đầu tiên cũng về Cam Ranh có tên Cam Ranh hay những cuộc phiêu lưu chưa từng có của lính tàu ngầm tại Việt Nam.

Tác giả và cuốn Cam Ranh hay những cuộc phiêu lưu chưa từng có của lính tàu ngầm tại Việt Nam

RG

Bên trái: Cuốn Cam Ranh hay những cuộc phiêu lưu chưa từng có của lính tàu ngầm tại Việt Nam. Bên phải: Cuốn Cam Ranh hay là chiếc tàu ngầm lớp Foxtrot cuối cùng

Tàu ngầm lớp Foxtrot dài 90 m, ngang rộng nhất 7,4 m, lượng choán nước 1.983 tấn (khi nổi), và 2.500 tấn (khi lặn). Tàu chạy bằng động cơ điện - diesel, có thể mang theo 78 thủy thủ và sĩ quan. Tầm hoạt động của tàu khi nổi là hơn 20.000 km và khi lặn là khoảng 700 km. Tàu trang bị 10 ống phóng ngư lôi, gồm 6 ống phóng đằng mũi và 4 ống phóng phía đuôi, cho phép tàu có thể phóng ngư lôi vào mục tiêu ở phía sau tàu mà không cần quay đầu.

Liên Xô đã đóng tổng cộng 74 chiếc, sản xuất đến năm 1983 thì ngưng. Thay thế lớp tàu này là tàu ngầm điện - diesel lớp Kilo.

Một tàu ngầm lớp Foxtrot (Dự án 641) dùng làm bảo tàng tại Kaliningrad, Nga

RIA

Tàu ngầm lớp Foxtrot từng tham gia cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962. Khi đó Liên Xô đưa 4 chiếc đến Cuba, và Hải quân Mỹ đã thả chất nổ xuống lòng biển gần Cuba để buộc các tàu này nổi lên để nhận dạng. Có 3 chiếc nổi lên và di chuyển về phía Cuba, chiếc còn lại tránh được sự truy lùng của tàu chiến Mỹ và tiếp tục hành trình dưới lòng biển đến Cuba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.