Trang Russia Beyond The Headline (RBTH) dẫn nguồn tin quốc phòng tiết lộ hải quân Mỹ đang đặt mục tiêu trang bị rộng rãi vũ khí laser (LaWS) thế hệ mới trên tàu chiến ngay trong năm 2017.
Từ năm 2014, Mỹ đã cho thử nghiệm thực địa với ống phóng lắp đặt trên tàu vận tải đổ bộ USS Ponce và chỉ trong vòng 2 giây, chùm tia laser vô hình từ tàu USS Ponce đã bắn cháy một máy bay không người lái (UAV) do thám loại nhỏ và tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu là 100%. Tuy nhiên, tia laser của tàu USS Ponce chỉ có công suất 30 kW và vẫn chưa thể chặn được tên lửa đối hạm, cũng như chỉ đủ “gãi ngứa” cho chiến đấu cơ và chiến hạm thực thụ.
“Giới tướng lĩnh hải quân Mỹ không hài lòng với vũ khí laser công suất 30 kW và đã có thêm một số bên khác được mời tham gia dự án”, RBTH dẫn lời chuyên gia Mikhail Khodarenok cho biết.
Chuẩn đô đốc Ronald Boxall, lãnh đạo Cục Chỉ huy tác chiến mặt nước hải quân Mỹ, cũng xác nhận LaWS thế hệ mới đang được hoàn chỉnh theo hướng tăng tính sát thương, độ chính xác và đảm bảo nguồn điện. “Chúng tôi đang thực hiện rất nhiều thứ với vũ khí laser”, ông nói với trang Scout Warrior.
tin liên quan
Binh lực Mỹ xung quanh Biển ĐôngNhằm ứng phó tình trạng Trung Quốc phô diễn sức mạnh ở Biển Đông,
Mỹ thường xuyên triển khai khí tài quân sự tới khu vực và những vùng lân
cận.
Theo kế hoạch, LaWS thế hệ mới sẽ có công suất lên đến 150 kW, gấp 5 lần đời cũ, đủ sức bắn chặn ngư lôi lẫn các đội tàu cao tốc cỡ nhỏ, thậm chí cả máy bay tiêm kích lẫn tên lửa hành trình. Mặt khác, kích thước và trọng lượng của hệ thống cũng được thu gọn rõ rệt, có thể được sử dụng trên các tàu khu trục gắn tên lửa dẫn đường và chiến đấu cơ.
Mặt khác, một trong những điểm yếu của vũ khí laser là tiêu thụ rất nhiều năng lượng. “Cần thiết bị nguồn có công suất ít nhất là 450 kW cho mỗi lần bắn”, chuyên gia Khodarenok ước tính. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng phải được duy trì đủ lâu để có thể đương đầu với máy bay và tàu chiến đối phương trong một cuộc chiến kéo dài.
Tuy nhiên, vấn đề có thể sớm được giải quyết khi Lầu Năm Góc đặt hàng Công ty DRS phát triển bộ nguồn chuyên dụng có khả năng sạc liên tục. Scout Warrior dẫn lời ông Donald Klick, Giám đốc phát triển kinh doanh của DRS, cho biết bộ nguồn mà công ty đang nghiên cứu gồm 54 khoang nhỏ, mỗi khoang nhỏ chứa 480 viên pin li-ion phosphate, cung cấp năng lượng đủ để khai hỏa 100 lần mới cần sạc lại.
Tuy vậy, theo RBTH, các chuyên gia Nga tỏ ra nghi ngờ về thông tin của ông Klick: “Liên Xô từng thử nghiệm vũ khí laser và phải dùng đến nguồn năng lượng từ một nhà máy điện hạt nhân mới có thể bắn nổ tên lửa hành trình cũng như tiêm kích. Cho đến nay, chưa có bộ trữ điện nào có thể cung cấp đủ cho vũ khí laser để đạt công suất mạnh cỡ đó”, một nhà phân tích giấu tên cho biết.
Mặt khác, Nga được cho là cũng đang phát triển LaWS trong một dự án tuyệt mật. Theo cựu đại tá Viktor Litovkin, nhà bình luận quân sự của Hãng thông tấn TASS, vũ khí laser Nga sẽ không phải là hệ thống độc lập mà kết hợp với các hệ thống vũ khí khác nhằm định vị mục tiêu và hỗ trợ tác chiến. Ông nhận định thêm nhược điểm căn bản của vũ khí laser là chỉ có thể phát huy trong điều kiện thời tiết lý tưởng. “Hiện nay, vũ khí laser của Mỹ có thể vận hành trong điều kiện trời quang và không có mưa, sương mù hay bụi. Chưa kể điều kiện hỗn loạn trong các cuộc chiến khi đạn pháo bay khắp nơi”, ông Litovkin nhận xét.
Bình luận (0)