Các vệ tinh, bao gồm một kính viễn vọng không gian quốc tế (IRAS) và tàu du hành thí nghiệm của Mỹ (GGSE-4), di chuyển trên hai quỹ đạo đối nghịch, và “đã lướt qua nhau mà không gây sự cố”, theo AFP hôm 30.1 dẫn phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ.
Thời điểm giao nhau diễn ra vào 6 giờ 39 hôm 30.1 (giờ Việt Nam), ở độ cao khoảng 900 km bên trên bầu trời thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania của Mỹ.
Trước đó, giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ va chạm dao động từ 1-5%, tức mức cao trong cộng đồng không gian.
Hiếm khi có các vụ tông nhau giữa các vệ tinh cỡ lớn với tốc độ cực cao, nhưng một khi xảy ra, hậu quả thật sự khó tưởng tượng nổi.
Nếu không may, vụ va chạm có thể tạo ra khoảng 1.000 mảnh vỡ lớn hơn 10 cm, và hơn 12.000 mảnh hơn 1 cm, theo AFP dẫn lời chuyên gia Dan Oltrogge. Tất cả những mảnh vụn này sẽ tạo ra một đám mây nguy hiểm, đe dọa những chuyến bay vào vũ trụ trong thời gian tới.
Kính viễn vọng IRAS nặng 1 tấn, được phóng lên không gian vào năm 1983 theo dự án chung của Mỹ (NASA), Anh và Hà Lan. Sứ mệnh của nó chỉ kéo dài 10 tháng.
Còn vệ tinh thử nghiệm GGSE-4 được không quân Mỹ phóng lên quỹ đạo vào năm 1967. Dù chỉ nặng 85 kg, nó lại có bề ngoài “bất thường”: bề ngang 60 cm nhưng dài 18m, và di chuyển theo quỹ đạo đứng.
Bình luận (0)