|
Giữa năm 2013, cô gái dân tộc H’rê Y Ngọc Trinh (26 tuổi) được UBND thị trấn Đăk Rờ Ve cử đi học nghề tin học văn phòng 3 tháng tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Tại đây, Trinh đã gặp Trần Chí Tâm (30 tuổi, quê ở H.Thoại Sơn, An Giang). Tâm cũng là học sinh lớp tin học ngắn hạn và cũng là người khuyết tật như Trinh. Hai người khuyết tật gặp nhau, họ đã trở thành đôi bạn trẻ giúp đỡ nhau trong những ngày xa quê.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu khi kết thúc khóa học, đôi bạn trẻ khuyết tật Tâm và Trinh mỗi người một quê trở về sinh sống. Nhưng, sự đời không phải vậy. Kể từ ngày đầu gặp Trinh, Tâm đã đem lòng yêu mến và đôi lúc thương thầm cô bé hay cười, ít nói này. Nhưng để nói lên lời yêu thương đối với Trinh là một việc làm khiến Tâm phải bao ngày suy nghĩ vì biết rằng mình sẽ bị từ chối bởi sau thời gian làm bạn với nhau anh nhận ra rằng “Trinh là cô gái nhân từ nhưng đôi lúc suy nghĩ lệch lạc vì luôn cho mình là gánh nặng trong xã hội”. Cuối cùng, chính tình yêu chân thành từ tận trái tim mình, Tâm quyết định ngỏ lời yêu Trinh.
Còn đối với Trinh, từ khi ý thức được bệnh tật của mình, cô chưa bao giờ dám nghĩ sau này sẽ gặp một ai đó yêu và lấy làm chồng. Cho đến khi gặp Tâm, kết bạn và cùng nhau chia sẻ khó khăn, từ trong sâu thẳm trái tim Trinh vẫn luôn mặc cảm về bản thân mình. Ngay cả ngày Tâm ngỏ lời yêu và hứa sẽ lấy cô làm vợ, Trinh vẫn nhất mực từ chối, bởi nếu kết bạn trăm năm với Tâm, Trinh nghĩ mình sẽ là gánh nặng trên đôi chân khuyết tật của chồng. Nhưng, với tình yêu chân thành, Tâm đã dần thay đổi được suy nghĩ của cô gái mộc mạc, chân chất nét Tây nguyên này và quyết định theo Trinh về Kon Tum xây dựng cuộc sống mới.
Chưa có tiền tổ chức đám cưới, Trinh và Tâm đã làm một bữa cơm thân mật để ra mắt hai gia đình. Đấy cũng chính là bước ngoặt để chàng trai miền Tây và cô gái H’rê vùng sơn cước thành vợ thành chồng.
Sau khi đã trở thành bạn đời của nhau, Trinh đã bàn bạc với Tâm sử dụng một triệu đồng ít ỏi do Trinh tiết kiệm và dành dụm được để mở cửa hàng tạp hóa buôn bán nhỏ trong làng. Nhận thấy hai vợ chồng khuyết tật khó khăn trong việc di chuyển, một số người trong làng đã giúp đỡ vợ chồng Trinh bằng cách mỗi lần xuống TP.Kon Tum, họ lại lấy sỉ các loại mì tôm, dầu ăn, bột ngọt, đường, muối, bánh kẹo, bột giặt… mang về giúp để hai vợ chồng bán lẻ kiếm lời.
Đối với Tâm, do thuận lợi hơn khi di chuyển nhờ đôi chân khuyết tật chưa đến nỗi của mình, hàng ngày anh đã giúp vợ dọn dẹp cửa hàng, giặt giũ quần áo, cơm nước, đẩy xe lăn cho vợ... Đến nay, mỗi ngày vợ chồng Trinh - Tâm và cửa hàng hàng tạp hóa nhỏ này cũng kiếm được từ 100 đến 120 ngàn đồng tiền lời mỗi ngày, đủ lo cuộc sống trong ngày.
Từ ngày Tâm cùng Trinh về làng sinh sống, bà con trong làng ai cũng quý mến anh, bởi tính nết hiền lành, chịu thương chịu khó. Đặc biệt là tình yêu thương hết mực dành cho người vợ của mình. Với bà con nhân dân ở thị trấn Đăk Rờ Ve nói riêng, huyện Kon Rẫy nói chung, đôi vợ chồng khuyết tật Trinh - Tâm đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường nơi miền sơn cước.
Khi được hỏi: Ước mơ lớn nhất hiện nay của hai vợ chồng là gì? “Chúng em chỉ mong sao có được số vốn khoảng 5 triệu đồng để mở rộng quy mô hàng tạp hóa” - Trinh chia sẻ.
Gia Hương
>> Vinh danh những đóng góp vì người khuyết tật
>> Người khuyết tật được học bổng
>> Giúp trẻ khuyết tật học nghề
>> Ưu tiên sử dụng lao động khuyết tật
Bình luận (0)