Hầm chưa làm, phí đã thu

08/03/2014 09:00 GMT+7

Nhiều người dân, doanh nghiệp có xe lưu thông qua Tuy Hòa, Phú Yên đang bức xúc vì hằng ngày phải đóng phí lưu thông cho hầm Đèo Cả, dù dự án này còn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đến năm 2016 mới hoàn thành.

Hầm chưa làm, phí đã thu
Trạm thu phí Bàn Thạch (Phú Yên) thu phí trước để làm dự án - Ảnh: Đức Huy

Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả do Công ty CP đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư, khởi công tháng 11.2012 với tổng vốn đầu tư 15.603 tỉ đồng, theo hình thức BOT và BT. Tổng chiều dài dự án hơn 13,4 km, qua đèo Cả trên QL1A (giáp ranh Khánh Hòa và Phú Yên), thời gian khai thác hoàn vốn 28 năm (từ năm 2016 - 2044).

Trước khi khởi công dự án, tháng 7.2012 Bộ GTVT đã bàn giao Trạm thu phí Ninh An (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, cách chân đèo Cả hơn 10 km) cho Công ty CP đầu tư Đèo Cả thu phí. Đến tháng 8.2012, Công ty này mua lại Trạm thu phí Bàn Thạch (xã Hòa Xuân Nam, H.Đông Hòa, Phú Yên) từ Công ty thương mại điện máy Việt Long đang thu phí QL1 (nằm ngoài phạm vi dự án đèo Cả), để tiếp tục thu phí. Theo quy định, sau khi quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, cả 2 trạm thu phí Ninh An và Bàn Thạch phải bãi bỏ, nhưng cơ quan chức năng vẫn đồng ý cho 2 trạm thu phí này tiếp tục tồn tại để Công ty CP đầu tư đèo Cả thu phí phục vụ cho dự án hầm đường bộ qua đèo Cả.

Phương án xe bồn chạy ngoài hầm

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Trường, chưa có quy định nào cấm xe bồn qua hầm Đèo Cả, thiết kế của hầm hiện nay xử lý cho tất cả các xe đi qua. “Đang có một số chuyên gia kinh tế tham mưu cho Bộ, nếu làm hệ thống chống cháy cho xe bồn chở xăng đi qua hầm sẽ rất tốn, nâng tổng mức đầu tư dự án lớn hơn, nên có phương án cho xe bồn chở xăng chạy bên ngoài hầm. Bộ đang nghiên cứu, chưa có quyết định chính thức”, ông Trường nói.

Không đi cũng phải đóng tiền

Việc phí chồng phí đã khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải, tài xế bức xúc. Từ ngày 5.2.2014, Công ty CP đầu tư Đèo Cả đã tăng mức thu phí đường bộ qua 2 trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An lên gấp 1,5 lần so với trước khiến các DN vận tải càng bức xúc hơn.

Theo ông Trình Quang Nam, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Nam Thiên Long ở TP.Tuy Hòa (Phú Yên), công ty của ông có 6 đầu xe bồn chở xăng dầu chạy trên tuyến TP.Tuy Hòa và cảng Vũng Rô (H.Đông Hòa, Phú Yên), không liên quan gì đến dự án hầm đường bộ qua đèo Cả. “Sau này hầm có làm xong thì xe chúng tôi cũng không đi qua vì không nằm trên tuyến qua hầm. Hơn nữa, theo quy định thì xe chở xăng, dầu không được đi vào hầm. Như vậy, công ty không được hưởng lợi gì từ dự án hầm qua đèo Cả, nhưng hằng ngày vẫn phải chịu phí phục vụ cho dự án. Hiện giá vé qua Trạm thu phí Bàn Thạch là 60.000 đồng/lượt đối với xe bồn, bình quân mỗi tháng 1 xe chạy khoảng 20 chuyến thì cả 6 đầu xe của chúng tôi phải đóng thêm phí 14,4 triệu đồng (2 lượt ra vào). Trong khi hằng tháng, công ty đã đóng phí bảo trì đường bộ cho 6 đầu xe là 6,3 triệu đồng”, ông Nam nói và cho biết “sẽ làm đơn kiến nghị gửi Bộ GVVT để làm rõ sự bất hợp lý này”.

Chủ DN vận tải hành khách Thành Ban (ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết hằng tháng ông đã đóng phí bảo trì đường bộ, nhưng hằng ngày các đầu xe của DN qua trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An đều phải mua vé với giá 33.000 đồng/lượt/trạm. “DN của tôi có 6 đầu xe vận chuyển hành khách chạy tuyến TP.Tuy Hòa - TP.HCM. Chúng tôi đã gánh nhiều loại phí, nhưng giờ mỗi chuyến phải trả thêm 132.000 đồng/xe (cả lượt đi và về qua 2 trạm). Trong khi đó, phí đường bộ đã đóng hằng tháng, dù xe nghỉ nằm nhà nhưng vẫn trả phí”, chủ DN vận tải hành khách Thành Ban bức xúc: “Vốn BOT tức là vốn của các DN, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm dự án để sau này thu lợi nhuận từ dự án. Tại sao chúng tôi chưa hưởng dịch vụ nhưng lại bắt đóng phí? Không có tiền thì huy động bằng cách phát hành cổ phiếu, lấy đó mà làm chứ tại sao lại lấy trước tiền phí của chúng tôi để đầu tư vào dự án?”.

Tại Khánh Hòa, Công ty xăng dầu Phú Khánh (trực thuộc Tập đoàn xăng dầu VN) có nhiệm vụ cung ứng xăng dầu cho 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận. Hiện công ty này có 14 xe bồn thường xuyên chuyên chở xăng dầu đi cung ứng cho các trạm xăng ở Phú Yên. Theo ông Hoàng Trung Thành, Đội trưởng đội xe của công ty, việc thu phí tại các trạm Bàn Thạch và Ninh An là không hợp lý. “Hệ thống xuyên hầm đèo Cả đang thi công nhưng mỗi tháng công ty đã phải đóng phí trên 50 triệu đồng tiền phí, khoản phí này nếu đóng đến khi dự án hầm đường bộ đèo Cả làm xong thì con số sẽ rất lớn, công ty chịu thiệt rất nhiều. Đáng nói là đèo Cả sau khi xây dựng hoàn thành, chúng tôi cũng không được đi qua hầm. Đó là cái bất hợp lý nhất. Sắp tới chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị lên công ty để có ý kiến về vấn đề này”, ông Thành cho biết.

 

Vốn BOT tức là vốn của các DN, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm dự án để sau này thu lợi nhuận từ dự án. Tại sao chúng tôi chưa hưởng dịch vụ nhưng lại bắt đóng phí?

Chủ DN vận tải hành khách Thành Ban

Ông Võ Minh Tuấn, Phó giám đốc Công ty TNHH vận tải và sửa chữa ô tô Trang Tuấn (Nha Trang), bức xúc: “Nhiều công ty vận tải hiện có xe phải đóng phí, nhưng khi hầm đi vào sử dụng có những xe đã hết niên hạn rồi, thành ra đóng phí mà không được hưởng. Đã thế, từ đầu tháng 2.2014, khi qua các trạm thu phí, xe còn phải nộp mức phí gấp rưỡi so với trước. Trung bình mỗi ngày, công ty có trên 50 lượt xe qua các trạm này, chúng tôi phải đóng một khoản phí không nhỏ".

Tiện cho nhà đầu tư, thiệt cho dân

Theo lý giải của ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả, chủ dự án hầm đường bộ qua đèo Cả, việc trạm thu phí Bàn Thạch, Ninh An triển khai thu phí để sử dụng vào làm đường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… là do nhà nước không có tiền nên thu phí trước để trừ dần vào vốn đối ứng của nhà nước đóng góp vào dự án. “Hầm xong sẽ có một trạm thu phí nữa. Nếu đi qua hầm thì thu phí, còn đi qua đèo Cả thì không thu phí. Việc thu phí hiện nay không liên quan gì đến hầm đường bộ qua đèo Cả”, ông Hoàng giải thích.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo quy định với các dự án BOT, nhà nước chịu chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư (NĐT). Nhưng do kinh phí từ vốn ngân sách hạn chế, nên Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đưa phương án chi phí GPMB vào trong tổng mức đầu tư xây dựng của dự án. Các dự án BOT khác cũng đều áp dụng cơ chế này.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải chủ đầu tư dự án BOT nào cũng được hưởng ưu ái thu phí trước khi hoàn thành như dự án hầm Đèo Cả. Các dự án BOT mở rộng QL1 khác đều áp dụng theo hình thức thu phí sau khi dự án hoàn thành. Khẳng định dự án hầm Đèo Cả có sự khác biệt, theo ông Trường, do khối lượng GPMB cho dự án này quá lớn (chi phí GPMB tái định cư dự án theo phê duyệt khoảng 540 tỉ đồng trên tổng mức đầu tư 15.600 tỉ đồng của cả dự án - PV), nên Chính phủ cho cơ chế thu phí trước để lấy vốn GPMB và hỗ trợ một phần cho NĐT thực hiện dự án. Sau khi dự án hoàn thành, sẽ trừ lại thời gian hoàn vốn, đảm bảo tổng thời gian hoàn vốn không thay đổi (28 năm từ năm 2016 - 2044).

Trả lời câu hỏi tại sao phải cho thu phí sớm để hỗ trợ vốn NĐT, ông Trường cho rằng khối lượng chi cho dự án là quá lớn, NĐT không thể huy động vốn hết, nên có cơ chế thu phí để hỗ trợ vốn một phần. “Không NĐT nào có phương án vốn lớn như thế ngay từ đầu, và hỗ trợ thu rồi thì thời gian sau này thu phí sẽ ngắn lại”, ông Trường khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, nhà nước thiếu kinh phí cho GPMB. “Lý giải của Bộ GTVT là thu rồi trừ bớt thời gian hoàn vốn, nhưng người dân thấy không thỏa đáng. Đây đều là các trạm thu phí được xây dựng từ trước đó, khi thực hiện quỹ Bảo trì đường bộ thì phải tháo dỡ, nhưng vì tháo dỡ xong sẽ phải xây trạm mới nên Bộ lại biến luôn thành trạm thu phí phục vụ dự án BOT. Làm vậy chỉ tính đơn thuần về mặt kinh tế mà chưa tính đến lợi ích kinh tế, lưu thông của người dân”, ông Thanh nói.

Khó minh bạch

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, tiền thu phí dành cho GPMB phải được hội đồng GPMB của tỉnh, huyện duyệt, được kiểm toán qua soát vé, một năm chi bao nhiêu cho GPMB. Tuy nhiên, do việc thu phí đang do chính Công ty CP đầu tư Đèo Cả đảm nhận, nên nhiều ý kiến lo ngại cho rằng như vậy sẽ rất khó minh bạch trong việc bóc tách đâu là chi phí phục vụ GPMB, đâu là chi phí dành cho NĐT xây dựng dự án. Một chuyên gia cho rằng, nếu nhà nước không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tách bạch rõ mục đích chi cho hai khoản này, thì phần lợi hơn sẽ thuộc về NĐT. Bởi nếu không minh bạch số tiền đã chi cho NĐT từ lúc bắt đầu thu phí đến khi dự án hoàn thiện, NĐT vẫn sẽ được thu phí thêm để đảm bảo hoàn vốn. Đặc biệt, thay vì tạo cơ chế đặc thù cho một vài NĐT, với những dự án giá trị đầu tư lớn, cần phải lựa chọn liên danh NĐT đủ mạnh, có phương án tự đảm bảo vốn hợp lý, để tạo công bằng với các dự án khác.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.