Cảnh báo đó đã đúng. Nhiều thiên tai khắc nghiệt đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu. VN cũng đã và đang chịu ảnh hưởng lớn của nhiều loại thiên tai, mà tình trạng hạn hán khắc nghiệt hiện đang diễn ra trên diện rộng, nhất là ở Nam Bộ, nam Trung Bộ - Tây Nguyên, là một ví dụ điển hình.
Nửa cuối tháng 5 mới có mưa Chưa có dấu hiệu gì cho thấy thời tiết ở Nam Bộ sẽ có chuyển biến đáng kể. Thời kỳ nắng nóng cao điểm sẽ còn tiếp tục đến đầu tháng 5, dự báo nhiệt độ cao nhất tại bắc miền Đông, TP.HCM từ 38 – 40 độ C, các nơi khác trên 36-38 độ C. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, thời kỳ bắt đầu mùa mưa năm nay ở Nam Bộ sẽ muộn hơn trung bình nhiều năm từ 10-15 ngày. Cụ thể tại vùng núi phía bắc miền Đông Nam Bộ và ven biển phía tây (bao gồm Kiên Giang và bán đảo Cà Mau) sẽ bắt đầu mùa mưa vào nửa cuối tháng 5, riêng Cà Mau có thể sớm hơn khoảng 5 - 7 ngày; Vùng ven biển phía đông (từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Bạc Liêu) từ tuần cuối tháng 5 - đầu tháng 6; Các nơi khác của khu vực Nam Bộ khoảng từ 10 ngày cuối tháng 5. Dự báo mùa mưa năm nay ở Nam Bộ sẽ kết thúc trong tháng 11. M.V |
Vậy, El Nino còn tiếp diễn đến bao giờ?
Bản tin ngày 18.3.2010 của Viện Nghiên cứu quốc tế về khí hậu và xã hội học (IRI) dự báo, El Nino còn đang duy trì với cường độ trung bình trên khu vực xích đạo Thái Bình Dương. Đa số các mô hình thống kê và động lực cho kết quả dự báo, các điều kiện của El Nino sẽ tiếp tục duy trì trong tháng 3 - 5.2010.
Theo quan trắc của Trung tâm Khí hậu quốc gia Australia (NCC), trong hai tuần đầu tháng 4.2010 chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển (SSTA) ở khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương còn ở mức +0,8 độ C, biểu hiện của hiện tượng El Nino có cường độ yếu. Kết quả tổng hợp của NCC về các mô hình dự báo hiện tượng ENSO (gọi chung cho hiện tượng El Nino, La Nina và trạng thái trung tính) cho các tháng tới của năm 2010 từ các trung tâm dự báo lớn trên thế giới công bố ngày 14.4.2010 cho thấy, từ tháng 5 - 10.2010, El Nino sẽ yếu đi và chuyển sang trạng thái trung tính.
Theo kinh nghiệm, tác động của hiện tượng ENSO đến Việt Nam thường có độ trễ từ 1 - 3 tháng, có khi hơn 3 tháng. Giả dụ, tháng 4.2010 hiện tượng El Nino kết thúc thì ảnh hưởng của nó còn khả năng kéo dài từ 1 - 3 tháng hoặc trên 3 tháng kế tiếp. Do vậy, cần đề phòng thiên tai hạn hán khắc nghiệt hiện nay chưa có khả năng chấm dứt trong một vài tháng tới. Trạng thái trung tính, hoặc thiên dương hoặc thiên âm, đều có khả năng dẫn đến những diễn biến thời tiết thủy văn rất phức tạp trong mùa hè và mùa thu năm nay. Và sẽ rất khó khăn cho công tác dự báo khí tượng thủy văn.
“Hiện các tỉnh phía Nam đang thời kỳ nắng nóng cao điểm nhất trong năm. Đợt gió mùa đông bắc sắp tràn về sẽ không thể vượt qua được nam Trung Bộ nên các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục đối mặt với nắng nóng, khô hạn và xâm nhập mặn” - Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương |
Theo mô hình dự báo khí quyển đại dương của Australia (POAMA), từ tháng 8 trở đi, có dấu hiệu xuất hiện hiện tượng La Nina. Điều đó có nghĩa là thời tiết thủy văn ở VN có khả năng chuyển từ trạng thái khô hạn hiện nay sang mưa lớn, lũ lụt trong 4 - 5 tháng cuối năm. Nhớ lại, hiện tượng El Nino mạnh kỷ lục 1997/1998 kết thúc vào tháng 4.1998, nhưng hạn hán khốc liệt vẫn tiếp diễn đến giữa tháng 8.1998 mới kết thúc. Ngay sau đó, 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp đổ bộ vào khu vực trung và nam Trung Bộ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng về người và tài sản.
Đó là một bài học nhắc chúng ta cần hết sức cảnh giác với những bất thường của thời tiết thủy văn trong thời gian tới.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo: trong tuần cuối tháng 4, mặn xâm nhập sâu vào vùng cửa sông Vàm Cỏ, sông Cửa Tiểu và sông Hàm Luông, với độ mặn tại các cửa sông này đều ở mức xấp xỉ và vượt mức lịch sử. Độ mặn dự báo trên sông Nhà Bè tại Nhà Bè (TP.HCM) là 10,5 phần ngàn; trên sông Vàm Cỏ Đông tại Bến Lức (Long An) là 11,5 phần ngàn; trên sông Vàm Cỏ Tây tại Tân An (Long An) là 9,5 phần ngàn; trên sông Cửa Tiểu tại Hòa Bình (Tiền Giang) là 13 phần ngàn; trên sông Hàm Luông tại Phú Khánh (Bến Tre) là 19 phần ngàn; trên sông Cổ Chiên tại Trà Vinh là 8 phần ngàn; trên sông Hậu tại Đại Ngãi (Sóc Trăng) là 9,5 phần ngàn. M.V |
TS Phạm Đức Thi
(Trung tâm Khoa học công nghệ khí tượng thủy văn & môi trường)
Bình luận (0)