Sự vận động, đấu tranh để game, và những người chơi game, có được cái nhìn tích cực từ xã hội, là một điều trăn trở của biết bao game thủ cũng như các nhà làm game. Trong bài viết này, Thanh Niên Game xin gửi đến bạn đọc trường hợp của Hàn Quốc, đất nước được xem là "thiên đường game online và thể thao điện tử". Nhưng thực sự, đây có phải là nơi có thể được xem là "thiên đường cho game"?
Sự dịch chuyển từ game console sang game PC, rồi online và eSports
Những thăng trầm mà ngành game đã trải qua ở Hàn Quốc hệt như một cuốn tiểu thuyết. Trong những năm 1990, khi mà những máy chơi game console thế hệ cũ đã từng rất phổ biến nhưng game của nó lại bị cấm khá mạnh tay thì những game bạo lực của PC lại vượt qua ải này khá dễ dàng.
Lý do không chỉ là game console bị cho là bạo lực mà là vì chúng mang đậm phong cách... Nhật Bản. Năm 1994, chính phủ Hàn Quốc đã cấm giới truyền thông sử dụng tiếng Nhật và việc nhập lậu hoặc sao chép những game JRPG (game nhập vai Nhật Bản), dù cho đây là những tựa game nổi tiếng nhất trên console bấy giờ ở Hàn Quốc thì cũng chẳng được bán.
Final Fantasy chính là thể loại game JRPG nổi tiếng (Nguồn: Arcade Sushi)
Trong lúc console bị "dần cho tơi tả", game PC đã vươn lên và bắt kịp khoảng cách nhờ vào khoản tiền đầu tư khổng lồ của chính phủ Hàn Quốc vào truyền thông và Internet. Nhờ có sự đầu tư này, giờ đây Hàn Quốc đã sở hữu cơ sở hạ tầng Internet thuộc loại tốt nhất thế giới. Đó chính là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của game online tại đất nước này. Tiếp theo đó là trào lưu eSports, với những kênh truyền hình riêng, những sân vận động eSports riêng cùng những khoản tiền thưởng khổng lồ. Esports Hàn Quốc nhờ đó, đã vươn tầm trở thành số một thế giới.
Thể thao điện tử tại Hàn Quốc rất thịnh vượng và tiềm năng. Đúng không?
Thế nhưng, dù đã đạt tầm như vậy, để được chấp nhận rộng rãi trong xã hội Hàn, vẫn là điều hết sức khó khăn cho game và thể thao điện tử. Hàn Quốc, cũng như nhiều nước Á Đông khác, rất xem trọng giáo dục truyền thống. Với trẻ em, học tập là ưu tiên hàng đầu, và game bị xem là một cản trở việc tiến bộ trong học tập. Đạo luật Bảo vệ Trẻ em thông qua năm 2011, đã cấm tất cả trẻ em dưới 16 tuổi chơi game từ lúc giữa khuya đến 6 giờ sáng.
Đạo luật này còn được biết đến với cái tên là "Luật Lọ Lem": khi đồng hồ điểm 12 giờ khuya, các game thủ phải tắt máy đi ngủ. Mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc có sáng lập nên tổ chức KeSPA (Korean eSports Association - Liên đoàn thể thao điện tử) game vẫn bị chính phủ và truyền thông liệt vào "thành phần không khuyến khính", không khác gì những nước khác, hoặc tiêu biểu, tại Việt Nam.
Logo của liên đoàn KeSPA (Ảnh: Esport Times)
Tại Hàn Quốc, có một sự thật là: thể thao điện tử thu hút rất nhiều khán giả. Nhưng dù lớn, đây vẫn chỉ được xem là thị trường ngách. Vì sao? Nếu, lượng khán giả xem eSports tại Hàn Quốc chẳng là gì nếu so sánh với những khán giả trung thành của trào lưu làm video "mukbang", những video tự quay cảnh... tác giả ngồi ăn đủ thứ thực phẩm và chém gió. Một trào lưu kỳ lạ chắc chỉ có tại xứ sở kim chi.
Máy PS4 khổng lồ trong Minecraft. (Ảnh: Trusted Reviews)
Bạn có thể giải thích ý nghĩa của game cho những ai không hiểu hoặc chưa từng chơi game bằng câu nói "Game cũng giống như thể thao vậy", nhưng về lâu dài nó sẽ không nói lên ý nghĩa thực sự của game. Chỉ có bấy nhiêu bạn sẽ không thể thuyết phục phần đông xã hội có cái nhìn tích cục và xem trọng nó. Vì khi cha mẹ còn lo lắng con mình mải chơi game gì, vô bổ đến đâu; khi chính phủ còn mải kiểm duyệt game gắt gao; và giới truyền thông luôn lấy "nghiện game" ra làm đề tài câu khách..., thì con đường để game trở thành một chủ thể được nhìn nhận tích cực vẫn còn rất chông gai, ngay cả tại nơi tưởng chừng như là "thiên đường cho game online và thể thao điện tử" như Hàn Quốc.
Bình luận (0)