Hàng chục người chết vì nhiễm độc từ nhà máy hóa chất Trung Quốc

01/08/2013 14:10 GMT+7

(TNO) Ít nhất 26 người thiệt mạng do ngộ độc cadmium và hàng trăm người khác đổ bệnh kể từ năm 2009 khi sống gần một nhà máy hóa chất bỏ hoang ở miền trung Trung Quốc.

(TNO) Ít nhất 26 người thiệt mạng do ngộ độc cadmium và hàng trăm người khác đổ bệnh kể từ năm 2009 khi sống gần một nhà máy hóa chất bỏ hoang ở miền trung Trung Quốc.

Tờ China Youth Daily (Trung Quốc) ngày 31.7 đưa tin cho biết mẫu đất tại làng Song Kiều, thuộc tỉnh Hồ Nam, có hàm lượng chất kịch độc cadmium cao gấp 300 lần mức cho phép.

Ngoài ra, các cuộc xét nghiệm sức khỏe của các cơ quan y tế cũng cho thấy hàm lượng chất độc này có trong cơ thể của 500 trong tổng số 3.000 người dân sinh sống trong làng cũng cao quá mức quy định.

China Youth Daily thống kê cho biết đã có 26 người chết vì ngộ độc cadmium trong bốn năm qua, trong đó có 8 người dưới 60 tuổi.


Công nhân Trung Quốc xét nghiệm một đường ống dẫn nước bị nghi là nguồn xả chất độc gây ung thư cadmium tại thị xã Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) - Ảnh: AFP 

Được biết, một nhà máy hóa chất lớn đã hoạt động trong làng cho đến năm 2009, bỏ lại một đống chất thải công nghiệp “khổng lồ” hiện vẫn đang nằm trong sân của nhà máy, nhật báo Trung Quốc cho hay.

Tờ China Youth Daily cũng nói thêm rằng vụ việc tại làng Song Kiều là “một trong 10 vụ ô nhiễm lớn nhất nước”.

Do lo sợ về tình trạng đất bị ô nhiễm, chính phủ Trung Quốc gần đây đã tiến hành một cuộc khảo sát đất đai trên toàn quốc kéo dài trong 5 năm, với kinh phí lên đến 160 triệu USD, theo AFP.

Tuy nhiên, đầu năm 2013, Bắc Kinh tuyên bố kết quả thu được từ cuộc khảo sát là “một bí mật quốc gia”, AFP cho hay.

Bộ Môi trường Trung Quốc trong năm 2013 cũng đã lần đầu tiên thừa nhận sự tồn tại của “những ngôi làng ung thư”.

Cadium là gì?

Cadmium là kim loại có ký hiệu là Cd, tương đối hiếm, mềm, màu trắng ánh xanh và có độc tính, thường tồn tại trong các quặng kẽm và được sử dụng chủ yếu trong các loại pin. Cd và các dung dịch, các hợp chất của nó là những chất cực độc, thậm chí chỉ với nồng độ thấp, chúng cũng sẽ tích lũy và gây hại cho cơ thể. Khi đất trồng bị nhiễm Cd thì các loại cây trồng cũng dễ dàng bị nhiễm lây và xâm nhập vào cơ thể người qua ăn uống.

Tiếp xúc dài ngày trong môi trường có chứa Cd hoặc ăn loại thực phẩm có chứa lượng Cd cao sẽ gây nhiễm độc mạn tính. Nếu nhiễm Cd qua đường hô hấp, trong vòng 4-20 giờ sẽ cảm thấy đau thắt ngực, khó thở, tím tái, sốt cao, nhịp tim chậm... Ngoài ra, khi hít phải bụi có chứa Cd sẽ nhanh chóng dẫn đến các vấn đề đối với hệ hô hấp và thận, có thể dẫn đến tử vong (thông thường là do hỏng thận).

Nếu nhiễm Cd qua đường tiêu hóa sẽ gây buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài. Thậm chí, chỉ cần nuốt phải một lượng nhỏ Cd cũng có thể phát sinh ngộ độc tức thì, đồng thời, còn gây tổn thương cho gan và thận. Riêng nhiễm độc Cd mạn tính có thể gây vàng men răng, tăng men gan, đau xương, xanh xao, thiếu máu, tăng huyết áp. Đặc biệt, khi phụ nữ có thai bị nhiễm độc Cd sẽ làm tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi.

Các hợp chất chứa Cd thường cũng là các chất gây ung thư. Ngoài tổn thương thận, người bệnh còn chịu các chứng loãng xương và nhuyễn xương. Hiện nay, chưa có phương pháp giải độc Cd hữu hiệu. Do đó phòng ngừa nhiễm độc Cd là chủ yếu, không nên ăn các thực phẩm nghi ngờ có Cd. Nếu phải tiếp xúc với Cd cần có biện pháp bảo đảm an toàn.

Hà Thanh (tổng hợp)

Hoàng Uy

>> Nổ lớn tại nhà máy hóa chất ở Louisiana
>> Nổ nhà máy hóa chất Mỹ, 73 người bị thương
>> Nổ nhà máy hóa chất ở Trung Quốc, 20.000 người sơ tán
>> Nổ nhà máy hóa chất ở Trung Quốc và Hàn Quốc, 4 người chết
>> Nổ nhà máy hóa chất ở Trung Quốc, 13 người chết
>> Nổ ở nhà máy hóa chất, 14 người chết
>> Cháy nhà máy hóa chất tại Texas
>> Cháy lớn tại nhà máy hóa chất Mỹ, hàng trăm người sơ tán
>> Cháy lớn tại nhà máy hóa chất Úc
>> Bão Muifa đe dọa nhà máy hóa chất Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.