Mở cửa rồi... đóng lại!
Năm 2002, NVH xã Thiện Mỹ (H.Trà Ôn, Vĩnh Long) được xây dựng trên khuôn viên rộng 2.000m2 với tổng kinh phí lên đến 1,2 tỉ đồng. Đây được xem là một trong những NVH xã hoành tráng nhất tỉnh. NVH có diện tích xây dựng khoảng 200m2, được phân thành các phòng chức năng như: hội trường, phòng đọc sách, phòng truyền thống, phòng truyền thanh... với đầy đủ các trang thiết bị hoạt động. Bên cạnh đó là phần sân khá rộng, được tráng xi măng sạch sẽ, có thể làm sân chơi và sinh hoạt tập thể. Thế nhưng, theo lời người dân quanh đây thì từ khi hoàn thành đến nay, NVH này thường xuyên đóng cửa, “lâu lâu mới thấy có người đến mở cửa họp hội, ca hát gì đó”.
Ông Phùng Tấn Phương, Phó chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ, giãi bày: “NVH cách trung tâm xã đến 3 km, cán bộ phụ trách lại là cán bộ kiêm nhiệm nên chuyện phải thường xuyên đóng cửa NVH để lo việc của Ủy ban xã là điều không tránh khỏi”. Sau nhiều năm xây dựng nhưng ít hoạt động, lại thiếu người chăm sóc nên NVH xã Thiện Mỹ đã xuống cấp trầm trọng, phải thường xuyên sửa chữa.
Không đóng cửa im ỉm như NVH xã Thiện Mỹ, NVH xã Tích Thiện ở gần đó lại mở cửa hằng ngày trong suốt hơn 2 năm qua. Nhưng lý do NVH này mở cửa thường xuyên vì đây chính là nơi làm việc của nhiều cơ quan đoàn thể cấp xã. Theo ông Nguyễn Văn Ngọt, Phó chủ tịch UBND xã này thì NVH được xây dựng từ năm 2000, với kinh phí trên 300 triệu đồng. Sau một thời gian hoạt động ì ạch, trong khi trụ sở UBND xã thì chật chội nên lãnh đạo xã đã quyết định đưa các cơ quan đoàn thể về hoạt động chung với NVH. “Đoàn tụ” trong ngôi NVH này có: Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Mặt trận Tổ quốc, Trung tâm học tập công đồng...
Trong khi đó, NVH xã Thành Lợi (H.Bình Tân, Vĩnh Long) cũng được cho Ban chỉ huy quân sự huyện mượn để làm trụ sở trong suốt hơn 2 năm qua. Còn “NVH” thì dời về ở chung trong trụ sở UBND xã với một cái phòng đọc sách rộng chưa tới 20m2, thỉnh thoảng đón một vài em học sinh đến xem truyện tranh. Nhiều NVH xã ở huyện Bình Tân như: Tân Bình, Tân Lược... cũng thường xuyên khóa cửa vì những lý do tương tự.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa- Sở VH-TT-DL Vĩnh Long, cho biết toàn tỉnh hiện có 33 NVH xã, nhưng có đến hơn 65% đang cố gắng duy trì các hoạt động định kỳ; trong đó có một số NVH hầu như không tổ chức được hoạt động gì thu hút người dân trong xã.
NVH thành trạm tiếp sóng
NVH xã Bình Hòa (H.Châu Thành, An Giang) được xây dựng cách đây khoảng 5 năm với kinh phí gần 800 triệu đồng. Thực tế, nó chỉ là một căn nhà tiền chế nằm trong khuôn viên của UBND xã. NVH này chỉ vỏn vẹn có một sân khấu và 4 phòng nhỏ chừng 15m2 ở hai bên cánh gà dùng làm kho chứa máy phát thanh và các loại băng-rôn, cờ phướn của xã. Hai năm nay, NVH đã xuống cấp nhưng xã chưa có kinh phí để tu sửa. Anh Nguyễn Phước Hậu, cán bộ phụ trách NVH cho biết, hoạt động chính của NVH là làm nhiệm vụ tiếp sóng Đài truyền thanh huyện mỗi ngày 3 lần (sáng, trưa, chiều). Sau một thời gian, do ồn quá nên người dân đề nghị giảm xuống còn 2 lần/ngày và hiện đang có ý kiến đề xuất ngừng tiếp sóng truyền thanh vào chủ nhật. “Trước đây, NVH cũng có tổ chức đờn ca tài tử, “hát với nhau” vào ban đêm, nhưng... số lượng khán giả cứ thưa dần nên cuối cùng phải dẹp bỏ. Do NVH không có phòng chức năng, không có hội trường nên chúng tôi không thể tổ chức thêm hoạt động nào khác để thu hút người dân đến sinh hoạt”, anh Hậu nói.
An Giang được xem là một trong số những địa phương có phong trào xây dựng NVH xã phát triển khá mạnh ở ĐBSCL. Hiện tỉnh này có 67 NVH, tức gần phân nửa số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có NVH. Những NVH này được xây dựng với kinh phí từ 500 triệu đến khoảng 1 tỉ đồng. Thế nhưng, theo ông Ngô Quang Láng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL An Giang, có đến 1/3 số NVH hoạt động không hiệu quả, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng.
Lãng phí
Theo một cán bộ công tác lâu năm trong ngành văn hóa, có thời gian ở ĐBSCL rộ lên phong trào xây dựng NVH xã do một số địa phương xem NVH là một trong những tiêu chí để xét công nhận xã, phường đạt tiêu chuẩn văn hóa. Số lượng NVH xã, vì thế, tăng lên rất nhanh, có tỉnh xây dựng được gần 70 cái. Kinh phí xây dựng mỗi NVH xã bình quân từ 500 triệu đến cả tỉ đồng, có nơi kinh phí xây dựng NVH xã lên đến 3 - 4 tỉ đồng. Như vậy, tính chung cả khu vực ĐBSCL, số tiền đầu tư xây dựng NVH xã lên đến hàng trăm tỉ đồng. Ngoài số tiền đầu tư xây dựng ban đầu, nhiều tỉnh thành đã hỗ trợ kinh phí hoạt động từ 20 - 30 triệu/năm/NVH xã. Đây là một khoản tiền không nhỏ đối với nhiều xã nghèo.
Phòng truyền thống ở NVH xã Thiện Mỹ với vỏn vẹn vài bức ảnh |
Điều đáng nói, tuy đầu tư tốn kém là thế nhưng hoạt động của các NVH xã lại không được như mong muốn. Các hoạt động phổ biến là tổ chức đờn ca tài tử (thường thì chỉ có người ca mà không có người nghe) từ 1 - 2 lần/tháng và phòng đọc chỉ chừng 300 - 400 quyển sách với số lượng độc giả bình quân 5 - 7 lượt/ngày. Ngoài 2 hoạt động chính này, hầu như chưa có NVH nào nêu lên được hoạt động cụ thể nào khác.
Ở TP Cần Thơ, theo một báo cáo gần đây của ngành chức năng, có tới 40% NVH xã, phường không hoạt động hoặc hoạt động không thường xuyên. Số còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng, đối phó để không bị trừ điểm mỗi dịp thành phố kiểm tra, phân loại xã, phường văn hóa! Nhiều tỉnh như Vĩnh Long, An Giang... cũng đã nỗ lực tìm kiếm mô hình để giúp các NVH xã hoạt động hiệu quả hơn, song đến thời điểm này vẫn chưa tìm được một mô hình thích hợp...
Chí Nhân
Bình luận (0)