Hàng giả phủ từ chợ vùng sâu đến siêu thị cao cấp

11/11/2017 11:43 GMT+7

'Hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức sản xuất lại diễn ra trong bóng tối, nên những nỗ lực ngăn chặn vẫn chưa triệt để, các giải pháp chính sách chỉ mới cắt phần ngọn của vấn nạn…'.

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó tổng biên tập Báo Công an Nhân dân, đã đưa ra nhận định trên tại tọa đàm về vấn đề này do Báo Công an Nhân dân phối hợp Đài truyền hình VN (VTV9) tổ chức tại TP.HCM sáng 10.11.
Tem chống giả cũng bị làm giả
Ông Thẩm ví vấn nạn hàng giả, hàng nhái như một “ngành công nghiệp đen tối”, gây mục ruỗng nền kinh tế đất nước và tàn phá sức khỏe, quyền lợi của nhân dân. Hàng loạt vụ sản xuất và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả lớn được phát hiện gần đây như phân bón giả của Công ty Thuận Phong, thuốc điều trị ung thư giả của Công ty dược VN Pharma, tráo mác xuất xứ của Khaisilk, mỹ phẩm giả của T’S Group… Ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch CLB kết nối doanh nhân Saigon - ASEAN, cho biết ngay cả cà phê Trung Nguyên cũng bị làm giả để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), nhận xét: “Hàng giả, hàng nhái có từ các “mẹt” hàng ở các phiên chợ vùng sâu, vùng xa tràn lên hè phố các đô thị, len lỏi vào cả những siêu thị cao cấp. Hầu hết các nhãn hàng có uy tín, có thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Thậm chí tem chống giả gắn trên sản phẩm cũng bị làm giả”.
Là nạn nhân của hàng giả, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty thời trang nón Sơn, thông tin nhiều sản phẩm giả nón Sơn gắn cả tem giả tem chống giả.
Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, hàng nhái, hàng giả còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Quản lý đông nhưng chưa mạnh
Hầu hết các nhãn hàng có uy tín, có thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái
Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ
Trực tiếp tham gia vào nhiều vụ đấu tranh bắt giữ hàng nhái, hàng giả tại TP.HCM, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7 - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM, cho biết tại TP.HCM xuất hiện nhiều “nhà” sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả các nhãn mác uy tín trên thị trường; sản xuất các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng gắn mác Úc, Mỹ, châu Âu. Thậm chí nhãn hiệu của nhà phân phối độc quyền tại VN cũng bị làm giả rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.
“Thường đối tượng tổ chức sản xuất hàng giả ở nhiều nơi, mỗi nơi một khâu, sau đó chuyển đến nơi tập kết để lắp ráp hoàn chỉnh rồi đưa đến nơi tiêu thụ”, đại diện PC46 cho hay và thừa nhận công tác quản lý kinh tế, quản lý thị trường trên địa bàn TP.HCM còn bộc lộ sự yếu kém như không theo kịp những biến đổi của nền kinh tế, sự gia tăng ồ ạt của các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…
Theo phản ánh của luật sư Đỗ Hải Bình, Văn phòng luật sư Quốc Anh (Đoàn luật sư TP.HCM), việc cấp sở hữu trí tuệ cho một số nhãn hàng nhái hàng ngoại với cái tên na ná khiến công tác chống hàng nhái, hàng giả càng khó khăn hơn. Kế đến, mức xử phạt hành chính, mức phạt cho hành vi làm hàng giả hiện nay chưa đủ sức răn đe, thậm chí bỏ tù vẫn chưa có tác dụng. Hầu hết các đối tượng đã có tiền án, tiền sự liên quan đến hành vi làm hàng giả sau khi ra tù vẫn tiếp tục hành nghề này bởi sức hút siêu lợi nhuận.
Đặc biệt, có đến 5 cơ quan hành chính gồm quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành, cảnh sát kinh tế, UBND các cấp và hải quan kiểm soát nhập khẩu có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, lực lượng này đông nhưng chưa mạnh do hoạt động rời rạc, thiếu phối hợp và nhiều vụ bị “tắc” ngay khâu giám định vì không có sản phẩm để so sánh hoặc hàng hóa không có ai xác nhận là giả, không có cơ quan đại diện tại VN…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.