Theo Ban tổ chức, VFF tập trung 200 gian hàng của 80 doanh nghiệp. Trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Mỹ, Canada, Pháp, Ý, Pakistan, Nhật... Và có đến 20 đoàn doanh nhân nước ngoài đăng ký đến tham quan hội chợ, tìm hiểu về năng lực của các công ty may mặc Việt Nam. Có lẽ kỳ vọng vào quy mô hội chợ và sự có mặt của những đoàn doanh nhân nước ngoài nên nhiều doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư, chuẩn bị tham dự VFF rất chu đáo.
Điểm nổi bật tại VFF 2005 là những gian hàng của Việt Tiến, Phương Đông, An Phước, Thành Công, Phước Long, May 10, Nhà Bè,... được thiết kế đẹp mắt, trưng bày những sản phẩm thế mạnh của mình với mục đích quảng bá cho thương hiệu một cách rõ ràng. Công ty may Phương Đông không chỉ đầu tư đến 120 triệu đồng thiết kế gian hàng, mà còn tổ chức họp báo công bố sản phẩm mới mang tính đột phá là bộ áo có chức năng chống tia cực tím, chống khuẩn và chống thấm ướt nhanh...
Nhưng, thật bất công cho những công ty đã đầu tư rất nghiêm túc trên khi tại VFF lại xuất hiện những gian hàng kinh doanh bát nháo. Chị Linh, nhân viên một tổng lãnh sự nước ngoài tại TP.HCM nhận xét: "Toàn hàng chợ!". Quả thật, những gì diễn ra ở đây khiến những ai có một chút tinh thần "màu cờ sắc áo" của ngành dệt may Việt Nam đều phải chạnh lòng. Đó là những gian hàng không có bảng hiệu, tên tuổi, địa chỉ công ty... sản phẩm bày bán chỉ toàn hàng nhái nhãn hiệu, hàng Trung Quốc, mắt kính, kẹp tóc Hàn Quốc...
“Tập đoàn của chúng tôi chưa từng mua hàng của Việt Nam nên khi nghe về VFF, tôi đã từ Thượng Hải bay sang đây tìm hiểu. Thế nhưng tôi thật sự thất vọng" - Đại diện Tập đoàn Steve&Barry's (Mỹ) tại Trung Quốc - ông Nikunj |
Xuất khẩu dệt may trong 6 tháng đầu năm không mấy sáng sủa và có nguy cơ không đạt mục tiêu đề ra cho năm nay. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu nên VFF có thể là một cơ hội cho họ nếu gặp được những đối tác đến mua hàng thật sự. Nhưng sự thật đã diễn ra không như kỳ vọng. Nhà tổ chức VFF có thể thu được một số tiền nhất định để bù cho chi phí hội chợ từ những gian hàng "chợ" kia, nhưng ngành dệt may Việt Nam sẽ mất uy tín lớn khi những nhà mua hàng chuyên nghiệp thế giới chứng kiến tình trạng hàng giả, hàng nhái công khai bày bán tại một hội chợ lớn như vậy. Khi biết chuyện này, một chủ doanh nghiệp trong ngành đã than: "Làm như vậy chẳng khác gì bôi nhọ ngành dệt may Việt Nam".
Trung Bình
Bình luận (0)