Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện TP.HCM có hơn 1.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập, bao gồm 90 trường tư thục có vốn đầu tư trong nước, 21 trường phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài, 27 trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, có 760 trung tâm ngoại ngữ, tin học và 122 đơn vị tham gia tổ chức hoạt động kỹ năng sống, 584 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học…
Trong báo cáo tổng kết của Phòng Quản lý các cơ sở giáo dục ngoài công lập, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập còn gặp khó khăn về pháp lý đất đai, thẩm định hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy nên việc quản lý còn gặp một số khó khăn nhất định, Phòng Quản lý các cơ sở ngoài công lập sẽ tiếp tục phối hợp với sở ngành liên quan hướng dẫn, xử lý, tháo gỡ.
Một số trung tâm ngoại ngữ, kỹ năng sống tổ chức bán trú vệ tinh, tổ chức giữ trẻ mầm non, dạy thêm học thêm, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tiếp tục giám sát xử lý.
Một số đơn vị chưa tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và trường học như thực hiện các hợp đồng góp vốn đầu tư, hoạt động công đoàn cơ sở…
Phụ huynh đòi nợ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN): Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo điều gì?
Từ sự việc phụ huynh học sinh căng băng rôn đòi Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) thanh toán hợp đồng vay vốn xảy ra trong những ngày gần đây, tại hội nghị tổng kết khối các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu chỉ đạo:
Một số cơ sở giáo dục đã không tách bạch hoạt động của doanh nghiệp với hoạt động của trường học; hợp đồng, chứng từ giữa phụ huynh học sinh với chủ trường, chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư cần tách ra khỏi hoạt động của trường học.
Theo quy định của nhà nước, trường học tổ chức thu học phí định kỳ, không tổ chức, ký kết hùn vốn, góp vốn, huy động vốn vì những hoạt động này gây ra những tiềm ẩn, nguy cơ gây khó khăn trong quản lý. Thời gian ổn định một chu kỳ học của học sinh khá dài, từ 12 đến 15 năm, khoảng thời gian đó có nhiều biến động cho nên các hợp đồng, hợp tác có thể cũng có nhiều thay đổi dẫn đến khó khăn cho phụ huynh cũng như các cơ sở giáo dục.
Ông Hiếu đồng thời đề nghị các trường phải tổ chức hoạt động sao cho nhà trường gắn với hoạt động chuyên môn, phụ huynh học sinh phải gắn với hoạt động dạy và học trong nhà trường để đảm bảo được định hướng hoạt động, ổn định của các trường ngoài công lập.
Tại hội nghị tổng kết, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá các trường ngoài công lập vốn trong nước và vốn đầu tư nước ngoài cũng ngày càng mạnh dạn hơn trong việc chủ động, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp dạy-học, kiểm tra-đánh giá, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng các yêu cầu đổi mới theo chương trình GDPT 2018 và các chương trình quốc tế.
Các cơ sở giáo dục ngắn hạn ngoài công lập như trung tâm ngoại ngữ, tin học, đơn vị tham gia tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố với trọng tâm trang bị cho người học kỹ năng ngoại ngữ-tin học, kỹ năng tự học, các kỹ năng mềm cần thiết để hội nhập, làm chủ công nghệ...
Cũng theo bà Châu, trong năm học 2022-2023, bên cạnh những kết quả tích cực của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, vẫn còn những hạn chế nhất định. Sở GD-ĐT đề nghị các đơn vị phải nhìn thẳng vào những hạn chế để đưa ra giải pháp khắc phục, tuân thủ pháp luật trong mọi hoạt động, làm đúng và làm tốt chức năng làm nhiệm vụ giáo dục được quy định. Trong đó cần nghiêm túc thực hiện kê khai giá đối với các trường tư thục và công khai giá đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Thực hiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định hiện hành và các công ước quốc tế…
Bên cạnh đó, bà Mỵ Châu yêu cầu nhà trường thực hiện nội dung giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, chương trình tiếng Việt, chương trình Việt Nam học đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, tính tới thời điểm này, các cơ sở giáo dục có khá đủ hệ thống văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ và Sở GD-ĐT làm căn cứ để tổ chức hoạt động, trong đó có văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động sau cấp phép và các văn bản chấn chỉnh sau kiểm tra của từng loại hình cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Vì vậy, theo bà Mỵ Châu, các đơn vị cần nghiên cứu để thực hiện đúng quy định. Riêng đối với Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, bà Châu cũng chỉ đạo, cần tăng cường nắm bắt tình hình tổ chức hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục để có biện pháp xử lý, chấn chỉnh kịp thời đối với đơn vị có dấu hiệu vi phạm các quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, song song đó khuyến khích, động viên, tạo điều kiện hỗ trợ để các đơn vị thực hiện tốt theo quy định.
Bình luận (0)