Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế - Kỳ 2: Không thể nhân nhượng

16/04/2014 02:53 GMT+7

Xác định hành vi và thủ thuật chuyển giá là không hề đơn giản, nên các chuyên gia đề xuất phải có một hệ thống giải pháp toàn diện nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.

Xác định hành vi và thủ thuật chuyển giá là không hề đơn giản, nên các chuyên gia đề xuất phải có một hệ thống giải pháp toàn diện nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.

Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế - Kỳ 2: Không thể nhân nhượng
Tiếp tục thanh tra, xử lý các doanh nghiệp FDI chuyển giá - Ảnh: Ngọc Thắng

Trả lời Thanh Niên ngay sau bài Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế, lãnh đạo Tổng cục thuế cho biết, khi thanh tra vào cuộc nhiều doanh nghiệp (DN) đã biết sợ khi tự chuyển lỗ thành lãi, buộc giảm lỗ, nộp lại tiền thuế. Sắp tới, “cuộc chiến” này sẽ quyết liệt hơn và tập trung vào các đối tượng đã phát hiện gần như chắc chắn chuyển giá để xử lý.

Tiếp tục thanh tra

Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Bùi Văn Nam cho biết trong số 2.110 DN bị thanh, kiểm tra trong năm 2013 thì phần lớn đều phải chấp nhận giảm lỗ, đồng tình để thanh tra ấn định số tiền thuế truy thu, truy hoàn và phạt. Hiện tại, ngành thuế đã chọn được một danh sách các DN có khả năng chuyển giá cao nhất để tiếp tục làm rõ.

Trước câu hỏi: “Vì sao ngành thuế không công bố danh tính các đơn vị liên tiếp kêu lỗ nhưng vẫn mở rộng kinh doanh bị phát hiện vi phạm và xử lý?”, ông Nam trả lời: “Ngành thuế chịu áp lực rất lớn từ dư luận về việc phải công khai. Tuy nhiên, do quy định của luật Thanh tra cũng như thông lệ quốc tế nên chưa thể công bố. Nhưng chúng tôi đang làm hết sức quyết tâm việc này”.

Nếu không làm mạnh tay, để các doanh nghiệp FDI thao túng, thị trường trong nước sẽ phải chịu mức cao bất hợp lý. Bên cạnh đó, mức giá nhập khẩu cao sẽ thủ tiêu lợi ích về giá từ hoạt động nhập khẩu, làm cho mặt bằng giá cao giả tạo

TS Lưu Bích Hồ

Để xác định hành vi, thủ thuật chuyển giá, theo ông Nam là không hề đơn giản. Đó không chỉ đơn thuần thông qua việc kiểm soát giá nguyên, nhiên liệu đầu vào mà cần phải được thực hiện, đánh giá qua nhiều bước nhiều khâu. Lực lượng thanh tra phải mất nhiều thời gian để tổng hợp, phân tích cho ra các dữ liệu so sánh độc lập. Sau khi tìm ra được các mức giá phi lý, không đúng với thị trường rồi áp mức giá mới vào và buộc DN phải chấp nhận. Khâu quan trọng nhất hiện nay được ông Nam đánh giá chính ở hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn phải thực sự đầy đủ. Có như vậy, các cán bộ thuế mới đủ căn cứ, cơ sở để buộc các DN có hành vi chuyển giá phải nhận lỗi và chịu áp đặt mức giá mới cũng như bị truy thu, nộp lại tiền thuế.

Cần hệ thống dữ liệu đa dạng

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long cho rằng mức độ quan trọng của FDI không nói ai cũng hiểu, nhưng “cuộc chơi” nào cũng phải sòng phẳng và phải theo luật. “Tất cả DN FDI vi phạm thì phải bị xử lý theo pháp luật, không thể có sự nhân nhượng. Làm vậy để bảo vệ môi trường đầu tư bình đằng, công bằng với các DN trong nước”, TS Long đề nghị.

Theo ông, vừa qua luật Quản lý thuế bổ sung cơ chế thỏa thuận trước về giá thị trường trong giao dịch liên kết đã được quy định có hiệu lực từ 1.7.2013. Theo đó, khi cơ quan thuế đã có thỏa thuận trước về giá thị trường trong giao dịch liên kết, các DN FDI có vi phạm sẽ không thể chối cãi và sẽ phải chịu ấn định giá của cơ quan thuế.

Dẫu vậy, việc phát hiện chống chuyển giá theo TS Ngô Trí Long vô cùng phức tạp, bởi các tập đoàn lớn của quốc tế kinh doanh xuyên quốc gia, làm ăn ở khắp thế giới đều vô cùng lọc lõi, kinh nghiệm. Ngoài ra còn có đội ngũ luật sư, chuyên gia tài chính giỏi. Trong khi đó, lực lượng thanh tra thuế còn quá mỏng, công nghệ, hệ thống dữ liệu, sự phối hợp trong chống chuyển giá giữa các bộ, ngành còn lỏng lẻo. “Chúng ta phải có một hệ thống dữ liệu đa dạng, đầy đủ để đối chiếu với mức giá mà họ liên kết với nhau trong nội bộ. Đội ngũ cán bộ thuế phải được đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn nếu không chắc chắn sẽ bị họ qua mặt”, TS Long đề xuất.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), đánh giá tình trạng này thực sự rất đáng lo ngại, báo động. “Câu chuyện chuyển giá của các DN FDI không có gì mới, chỉ mới ở chỗ nó không dừng lại mà đang diễn biến theo chiều hướng tăng lên, phức tạp hơn đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm dứt khoát, rõ ràng trong xử lý”, TS Hồ nói. Ông cũng cảnh báo nếu không làm mạnh tay, để các DN FDI thao túng, thị trường trong nước sẽ phải chịu mức cao bất hợp lý. Bên cạnh đó, mức giá nhập khẩu cao sẽ thủ tiêu lợi ích về giá từ hoạt động nhập khẩu, làm cho mặt bằng giá cao giả tạo. Thậm chí, có một số hàng hóa dịch vụ có mức giá tại VN cao hơn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt hàng hóa dịch vụ do nhà cung cấp nước ngoài độc quyền gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trong nước.

“Biện pháp quan trọng nhất để chống chuyển giá không phải chỉ trông chờ vào sự kiểm soát giá nhập khẩu của cơ quan hải quan mà phải kết hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc quản lý kiểm soát giá máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu để chống chuyển giá ngay từ khâu kêu gọi đầu tư, xét duyệt thẩm định dự án, cấp phép cho dự án đến quá trình thực hiện và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thu thuế thực hiện dự án”, TS Hồ kiến nghị.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.