Hàng loạt dự án bất hợp lý về quy hoạch tại TP.HCM

01/03/2006 23:31 GMT+7

Sáng 1.3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) về vấn đề lập và quản lý QH trên địa bàn TP. Khác với các lần trước, cuộc họp này đã "mổ xẻ" cụ thể hàng loạt công trình bất hợp lý về QH.

Không thể hy sinh lá phổi thành phố

Tại cuộc họp, vấn đề quy hoạch xây dựng một tòa cao ốc 54 tầng ở Công viên 23.9 (Q.1) đã được các đại biểu (ĐB) đưa ra chất vấn khá gay gắt. ĐB Lê Nguyễn Minh Quang bức xúc: "Thành phố đang rất cần có những khoảng xanh nhưng tại sao ở Công viên 23.9 sẽ mọc lên tòa nhà 54 tầng? Chúng ta đang rất thiếu cây xanh nên không thể hy sinh lá phổi của mình để đi mua bán vài ba tấm áo". ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu: "Dù với lý do nào, khu vực này cũng chỉ có thể cho xây cao ốc văn phòng chứ không nên cho xây cao ốc căn hộ, sẽ gây áp lực về nhiều mặt cho khu vực trung tâm TP".

Giám đốc Sở QH-KT - ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết: "Khu vực Công viên 23.9 có tổng diện tích là 9,86 ha. Theo dự án cũ đã cấp cho Liên doanh JinWen, diện tích xây dựng tại đây là 6,6 ha. Sau khi dự án này phá sản, TP đã giao cho Hội Kiến trúc TP và Sở QH-KT quy hoạch để Công ty LG xây một cao ốc ở đây trên diện tích 1,2 ha, như vậy so với dự án trước của JinWen thì diện tích công viên vẫn còn đến 8,6 ha. Sở QH-KT cũng đã có tờ trình lên TP là chỉ nên xây từ 20 - 25 tầng, chỉ sử dụng làm văn phòng chứ không bố trí căn hộ để ở. Ngày mai (2.3), TP sẽ tiếp tục họp bàn thêm về việc QH công trình này". Ông Hòa cũng cho biết thêm, việc cho LG xây dựng tòa nhà này và thỏa thuận giao đất cho LG xây một khu dân cư ở xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) là để đổi lại việc LG sẽ đầu tư xây dựng cho TP con đường cao tốc Tân Sơn Nhất - Bình Lợi.

Đem đất dành cho công viên ra đấu giá?


Dự án xây một cao ốc 54 tầng tại Công viên 23.9 đang bị dư luận phản ứng - Ảnh chụp tại Công viên 23.9

Ông Nguyễn Minh Hoàng chất vấn: "Vụ xây dựng trái phép, phá vỡ QH tại các xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với quy mô hàng ngàn căn nhà từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được. Công tác quản lý QH như vậy có phải là quá yếu kém hay không?". Ông Trần Chí Dũng - Phó giám đốc Sở QH-KT trả lời rất chung chung: "Việc xây dựng trái phép là do địa phương quản lý không chặt chẽ". Ông Dũng cũng thừa nhận số lượng đồ án QH do Sở thẩm định chuyển về cho quận huyện phê duyệt mới chỉ đạt 26% là quá chậm. Điều này đang gây ra sự lúng túng rất lớn cho chính quyền cũng như người dân địa phương.

Ông Hoàng cũng nêu ra trường hợp nhiều người dân bức xúc tại dự án Khu công viên văn hóa lịch sử ở quận 9. Dự án này có quy mô hơn 400 ha, khi đền bù cho dân thì nói để xây dựng Công viên văn hóa lịch sử nhưng lại đem đất ra đấu giá. Hỏi cơ quan quản lý đất đai của TP thì cơ quan này cũng không biết. Ông Hoàng nói: "Coi chừng lại xảy ra một vụ như Khu công nghiệp Bình Hòa thì rắc rối. Dự án Công viên văn hóa lịch sử do Thủ tướng ký nhưng chưa được điều chỉnh QH lại đem kinh doanh. Tại sao lại làm như vậy?". Ông Hoàng cũng đưa ra rất nhiều trường hợp bất cập trong công tác QH như dự án tuyến cấp nước Hoàng Hoa Thám - Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh) bị lãng phí hơn 2 tỉ đồng do QH chậm, tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa sau khi giải tỏa lại xây dựng quá lộn xộn, việc mở rộng Khu công nghiệp Tân Bình ở ngay trong lòng thành phố là quá bất hợp lý...

Ông Nguyễn Trọng Hòa hứa: "Tất cả những vấn đề Ban Kinh tế - Ngân sách  đưa ra cũng sẽ là những vấn đề được đưa ra "mổ xẻ" trong hội nghị về công tác QH của TP.HCM vào ngày 22.3 sắp tới".

Lộ giới hẻm vẫn là chuyện phiền hà lớn nhất

"Tôi cũng là nạn nhân của việc QH lộ giới hẻm bất hợp lý. Tôi không hiểu sao rất nhiều lần cử tri và HĐND đưa vấn đề này ra và yêu cầu TP phải có sự điều chỉnh mà vẫn không có thay đổi gì. Tôi cho rằng bây giờ không nên giải thích QH "treo" là cần thiết hay không cần thiết nữa, mà phải xác định rằng QH nào không khả thi, không phù hợp là phải bỏ ngay. QH lộ giới hẻm cũng là một dạng QH hoàn toàn không khả thi, không phù hợp. Cần tính toán lại cho sát hợp với thực tế trong khi QH đụng chạm đến cuộc sống của hàng triệu người dân". (ĐB Phạm Minh Trí)

Ai quản lý chất lượng nhà cao tầng?

"Hiện nay, xu hướng xây dựng nhà cao tầng ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa ai dám trả lời rằng là nhà đó xây dựng theo tiêu chuẩn chất lượng nào. Các chủ đầu tư chỉ cung cấp cho khách hàng về chất lượng vật tư chứ không bao giờ cung cấp về mô tả kỹ thuật để chứng minh tuổi thọ của tòa nhà. Ai dám chắc rằng các chủ đầu tư không lợi dụng những sơ hở về quản lý chất lượng để lừa người tiêu dùng? Đây là điều Nhà nước phải hết sức quan tâm và có cơ chế buộc các chủ đầu tư phải cam kết với khách hàng về chất lượng của nhà cao tầng". (ĐB Trương Trọng Nghĩa)

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.