Hàng ngàn giáo viên đột ngột bị ngừng phụ cấp thâm niên

20/07/2020 08:50 GMT+7

Từ đầu tháng 7, hàng ngàn giáo viên bị ngừng chi phụ cấp thâm niên mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể về việc hưởng lương mới theo luật Giáo dục 2019 . Việc này đúng hay sai?

Cắt phụ cấp trước khi có hướng dẫn

Khoảng hơn 2.000 giáo viên (GV) toàn H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế từ 1.7 đã bị ngừng chi phụ cấp thâm niên khiến không ít người tâm tư.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, sở dĩ xảy ra sự việc trên là luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 có nhiều sửa đổi, bổ sung, trong đó có vấn đề tiền lương, phụ cấp thâm niên của GV. Cụ thể, luật Giáo dục 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”. Còn theo quy định tại điều 1, Thông tư liên tịch 68 thì nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm được tính thêm 1%.
Tuy nhiên, từ ngày 1.7.2020, tại điều 76 luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”. Với quy định này thì GV sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề, mà sẽ được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề - loại phụ cấp áp dụng với người vừa dạy lý thuyết vừa dạy thực hành là nghệ nhân ưu tú trở lên… Mặc dù quy định của luật là như vậy nhưng việc này vẫn còn chờ những chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng, hướng dẫn của bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, trước khi những hướng dẫn được ban hành thì H.Phú Lộc đã tạm ngừng chi phụ cấp thâm niên cho GV toàn huyện.

“Hướng dẫn miệng qua trao đổi điện thoại”

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Mỹ Xuân, Phó phòng Tài chính - kế hoạch H.Phú Lộc, thừa nhận là phòng đã hướng dẫn, thông báo tạm ngừng chi phụ cấp thâm niên cho GV. Hiện với hơn 2.000 GV toàn huyện, mỗi tháng khoản chi này khoảng 2 tỉ đồng. Lý giải việc này, bà Xuân dẫn một công văn của Bộ GD-ĐT ngày 6.7.2020 về việc xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ liên quan vấn đề thực hiện phụ cấp thâm niên cho GV và việc này đang chờ ý kiến của Thủ tướng, bộ ngành liên quan; cùng việc phòng đã “điện thoại” xin ý kiến của Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên-Huế, qua đó Sở hướng dẫn việc tạm ngừng chi (phụ cấp thâm niên cho GV). “Nếu sau khi có văn bản hướng dẫn tiếp tục chi thì GV sẽ truy lĩnh. Còn nếu chúng ta chi trước mà sau này có văn bản dừng chi luôn thì truy thu rất là khó”, bà Xuân lý giải.
Cũng theo bà Xuân, Sở Tài chính Thừa Thiên-Huế (cụ thể là Phòng Quản lý ngân sách) hướng dẫn như trên không có văn bản chính thức mà là hướng dẫn miệng qua trao đổi điện thoại.

Giảm gần 500.000 - 2 triệu đồng/GV

Hầu hết các trường tại TP.HCM cũng tạm ngưng chi trả phụ cấp thâm niên khi trả lương tháng 7 cho GV. Tính ra, tùy theo số năm công tác và bậc lương đang hưởng, thu nhập của mỗi GV trong tháng này giảm từ gần 500.000 - 2 triệu đồng.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8, cho hay phòng hướng dẫn các trường sao cho GV đồng thuận thực hiện cách tạm ngưng phần phụ cấp thâm niên. Khi có những hướng dẫn chính thức của các bộ ban ngành phụ trách thì các trường có điều chỉnh tương ứng, kịp thời.
Tương tự, tại Q.Tân Bình, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT, cho biết tạm thời ngưng trả phần phụ cấp thâm niên cho GV trong tháng 7. Theo ông Huy, các thầy cô cũng hiểu rằng đây là quy định thực hiện theo luật Giáo dục mới áp dụng từ đầu tháng mà chưa có hướng dẫn nên sử dụng phương án này. “Khi có hướng dẫn của cơ quan quản lý, nếu Chính phủ tiếp tục chính sách hỗ trợ nhà giáo thì các trường sẽ thực hiện truy lĩnh cho GV”, ông Huy cho hay.
Hiện tại, dù luật Giáo dục 2019 đã áp dụng nhưng các trường chưa nhận được bất cứ hướng dẫn nào về việc thực hiện chi trả lương cho GV. Người đứng đầu các quận, huyện, các trường đều cho biết khá lúng túng, nếu tiếp tục chi trả thì sai luật mà tạm ngưng thì phải trao đổi với GV để nắm thông tin… Một vị trưởng phòng GD-ĐT nói, lẽ ra trước thời điểm luật Giáo dục có hiệu lực thì các bộ ngành có liên quan cần họp bàn, tham mưu, ban hành thông tư hướng dẫn để các địa phương, các trường có cơ sở thực hiên. Có như vậy mới tránh tình trạng lúng túng như hiện nay, tự tìm cách giải quyết, khiến GV hoang mang.
Được biết ngày 6.7, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT về việc thực hiện phụ cấp thâm niên theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Trong văn bản chỉ rõ những khác biệt về tiền lương của nhà giáo, thay đổi cơ cấu tiền lương khi luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. Sở GD-ĐT nêu rõ thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của các cấp có thẩm quyền. Để có cơ sở chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng quy trình, Sở GD-ĐT xin ý kiến chỉ đạo của Bộ về nội dung nêu trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.