Hàng ngàn ha nuôi tôm bị bỏ hoang

02/03/2009 23:09 GMT+7

Hiện đang vào vụ nuôi tôm chính của năm 2009 nhưng tại nhiều tỉnh ở ĐBSCL, hàng ngàn ha diện tích nuôi tôm đang bị “treo”, thậm chí có khả năng bỏ hoang.

"Treo" ao

So với mọi năm, không khí trên những đồng tôm năm nay vắng lặng hẳn. Nhiều nông dân vốn gắn bó với con tôm nay bỏ phế vuông tôm, mặc cho cây cỏ mọc um tùm... Tại các xã Hòa Tú 1, Hòa Tú 2, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), vào thời điểm này năm 2008 người dân đã thả tôm nuôi được từ 1 - 2 tháng, nay cả vùng nuôi tôm rộng lớn vẫn bỏ hoang. Ông Trần Tấn Lực, ngụ xã Hòa Tú 1, nói: “Không riêng tôi mà hầu hết các hộ nuôi tôm ở khu vực này chưa chuẩn bị gì để thả tôm nuôi. Mọi người cứ ngóng cổ chờ giá tôm sú có nhích lên, giá thức ăn có giảm không?”. Năm 2008, vuông tôm 1,5 ha của ông Lực bị thất trắng, lỗ hàng chục triệu đồng. Thế là ông bỏ vuông tôm từ đầu vụ năm 2008 đến nay.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định xuất khẩu thủy sản năm 2009 sẽ gặp nhiều khó khăn. Do tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên sản lượng xuất khẩu sẽ giảm nhiều so với năm qua. Bên cạnh đó, tình trạng bà con "treo" vuông tôm sẽ gây thiếu nguyên liệu trầm trọng cho các nhà máy. Theo ông Hải, vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao để giá thức ăn nuôi tôm, thuốc thú y thủy sản giảm bớt, tạo điều kiện cho người nuôi tôm ở ĐBSCL cải tạo ao đầm, tiếp tục thả tôm.

Năm qua, xã Hòa Tú 1 có đến 90% diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, do vậy vụ này nhiều hộ không còn vốn để tái đầu tư sản xuất. Ông Mã Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1, cho biết toàn xã có đến 2.400 ha đất nuôi tôm, nhưng đến bây giờ mới có 6 hộ thả nuôi được 2 ha và cũng chỉ có khoảng 30% diện tích được cải tạo qua loa. Hiện Sóc Trăng vẫn chưa thống kê được toàn tỉnh đã thả tôm nuôi được bao nhiêu ha, song theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh, diện tích thả tôm nuôi rất thấp. Tỉnh cũng không khuyến cáo bà con thả tôm sớm, bởi năm 2008 tôm nuôi thiệt hại nặng nề.

Còn ở tỉnh Bạc Liêu, mặc dù đã vào mùa vụ nhưng không khí trên đầm tôm cũng rất vắng vẻ. Theo ông Trần Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình), toàn xã có 1.100 ha nuôi tôm, trong đó có 758 ha nuôi tôm công nghiệp nhưng đến nay chỉ có 6 hộ thả tôm nuôi với diện tích 8,6 ha, còn lại vẫn chưa có gì chuyển biến. Ông Thống dự báo, nếu như tình hình không có gì cải thiện thì năm nay nhiều ha đất nuôi tôm sẽ bị bỏ hoang do người dân không còn vốn để sản xuất. Tương tự, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình có diện tích nuôi tôm công nghiệp là 500 ha nhưng phần lớn chưa cải tạo ao đầm, thả tôm.

Chuyển sang làm muối, nuôi cá kèo

Ông Võ Hồng Ngoãn, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu - người được gọi là “vua tôm” ở đây - cho rằng, nông dân hiện không còn tha thiết với con tôm do giá tôm nguyên liệu bán ra quá thấp, không bù nổi chi phí. Giá tôm năm 2008 giảm 20 - 30% so với năm 2007, trong khi giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản, con giống... lại tăng 15 - 30%.

Do nuôi tôm tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nhiều hộ đã bỏ, chuyển sang làm muối hoặc nuôi cá kèo, cua biển. Ông Cổ Tân Xuyên, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, bộc bạch: “Năm nay tôi quyết định chuyển 2 ha nuôi tôm sang làm muối, kết hợp nuôi cá kèo vì sản xuất muối đầu tư vốn thấp lại bán được giá, còn cá kèo nuôi ít rủi ro, giá cũng ổn định”. Ông Lê Minh Đầy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình cho biết: Toàn xã có 150 ha đất nuôi tôm công nghiệp chuyển sang sản xuất muối. Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu xác nhận, nhiều xã ven biển bà con đã chuyển đất nuôi tôm sang làm muối, thả nuôi cá kèo hoặc nuôi tôm thả thưa kết hợp với nuôi cua biển.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.