Ngay sau tọa đàm “Tháo treo cho đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 13.10, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản khẩn gửi UBND TP đề nghị khẩn trương sửa đổi Quyết định 60 tháo gỡ ách tắc, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình được tách thửa đất tại TP.HCM.
Sở QH-KT đá bóng tránh nhiệm?
Văn bản khẩn của HoREA bắt nguồn từ giải thích của ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý thực hiện quy hoạch (Sở QH-KT TP.HCM), đưa ra tại cuộc tọa đàm rằng, việc rà soát cần phải có con số cụ thể, tùy theo trường hợp cụ thể, vị trí cụ thể để báo cáo, mà những cái này thì... Sở không thể “vươn bàn tay dài” để rà soát từng vị trí, phải do quận huyện thực hiện, sau đó đề xuất điều chỉnh.
Trong văn bản vừa gửi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nêu rõ: UBND TP đã chỉ đạo Sở QH-KT khẩn trương rà soát các quy hoạch trên địa bàn để điều chỉnh cho phù hợp, kịp thời “xóa treo” các quy hoạch không khả thi. Đây là cơ sở pháp lý để giải quyết nhu cầu tách thửa của nhiều hộ gia đình, cá nhân đang bị “treo” quyền lợi trong các khu vực có quy hoạch “treo”. “Đúng là quận, huyện có trách nhiệm rà soát hỗ trợ nhưng vai trò chỉ đạo, phối hợp, tổng hợp kết quả để giải quyết của Sở QH-KT ở đâu? Sao có thể đổ về cho quận, huyện?”, ông Châu đặt vấn đề.
Đồng tình, luật sư Trần Minh Cường , Đoàn luật sư TP.HCM, nêu ý kiến: Tại TP.HCM, không chỉ có riêng Quyết định 60 (QĐ60) mà còn rất nhiều hộ gia đình bị vướng các loại quy hoạch “treo” từ hàng chục năm nay như mở rộng hẻm, quy hoạch đất làm công viên... khiến họ rất khổ sở, không được xây dựng, sửa chữa nhà cửa hay giao dịch mua bán. Điều này cũng cần được rà soát chỉnh sửa và bãi bỏ các quy hoạch mà trực tiếp là Sở QH-KT - đơn vị có trách nhiệm chính. Các quận, huyện chỉ là đơn vị thực hiện theo các quy hoạch và quy định từ các sở ngành tham mưu, đề xuất cho UBND TP.HCM ban hành.
Ngay trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Đô thị - HĐND TP.HCM, cũng cho rằng để gỡ vướng QĐ60, phải bắt đầu từ quy hoạch mà Sở QH-KT sẽ là nơi chịu trách nhiệm rà soát, chỉnh sửa. HĐND đã ban hành Nghị quyết 21 từ năm 2017 liên quan đến quy hoạch, xây dựng, các dự án chậm triển khai... quy định giải quyết vướng mắc về đất đai, quy định rõ các cơ quan chức năng giải quyết. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng giải quyết, sửa QĐ60.
Thực tế từ hồi tháng 4 năm nay, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở QH-KT rà soát lại các quy hoạch nào không khả thi để tháo treo theo QĐ60 và mới nhất ngày 9.9, chỉ đạo này lại tiếp tục được đưa ra. Thế nhưng đến tận thời điểm này, Sở QH-KT vẫn chưa đưa ra được danh sách các quy hoạch không khả thi. Trong khi theo thống kê của chính sở này, hiện có gần 14.000 ha đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới, chủ yếu tập trung trong 310 đồ án quy hoạch được lập, thẩm định và phê duyệt từ năm 2013 đang treo vì QĐ60. Nghĩa là hàng vạn hộ dân đang sống trong cảnh khốn khổ, có đất không thể xây nhà, sang nhượng hay cho tặng.
"Đẻ" ra thuật ngữ làm khó người dân
Đại diện Sở QH-KT tại buổi tọa đàm còn khẳng định các thuật ngữ “đất dân cư xây dựng mới” và “đất xây dựng hỗn hợp” trong QĐ60 là có cơ sở pháp lý, áp dụng Thông tư 12/2016 của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, các chuyên gia đều chỉ rõ 2 thuật ngữ “kỳ lạ” này là nút thắt chính gây ra nhiều phiền toái, thiệt hại cho người dân khi họ không được tách thửa, không được cấp phép xây dựng và cấp sổ hồng cho căn nhà của mình.
Ông Lê Hoàng Châu phân tích: Luật Đất đai 2013 không có quy định loại đất là “đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở)”. Luật Quy hoạch, luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị cũng không có quy định về “quy hoạch đất ở xây dựng mới”, hoặc “quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở)”. Đồng thời, tại điều 6, Thông tư 12/2016 về “nội dung hồ sơ đồ án quy hoạch chung đô thị”, về thành phần bản vẽ có “bản đồ đánh giá tổng hợp về đất xây dựng” mà ông Huỳnh Trịnh Phong đã dẫn ở trên không phải là căn cứ để quy định loại đất là “đất ở xây dựng mới”. Do đó, quy định: “Thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở)” tại khoản (1.a) điều 5 QĐ60 là không phù hợp với quy định của pháp luật, cần phải bãi bỏ.
Cũng theo văn bản của HoREA, không chỉ “đẻ ra” thuật ngữ làm khó người dân, nội dung hướng dẫn tại mục 2.1 Công văn 914 và tại Công văn 3771 của Sở QH-KT còn phát sinh thêm các nội dung “có tính quy phạm pháp luật”, “làm khó” cho UBND quận, huyện trong công tác giải quyết tách thửa trên địa bàn như: “UBND quận, huyện xác định các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư hiện hữu (dân cư hiện trạng); đất dân cư hiện hữu kết hợp chỉnh trang, kể cả đất dân cư xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở (có dân cư hiện hữu) thuộc các trường hợp được tách thửa đất ở theo QĐ60” và “chỉ xem xét giải quyết đối với khu đất tách thửa thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu (dân cư hiện trạng) hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang và phù hợp với quy hoạch được quy định tại điểm a, khoản 1, điều 5 QĐ60”.
Chính những quy định "cài cắm" này đang khiến người dân khổ sở vì quyền lợi bị treo suốt nhiều năm nay.
Ông Hà Minh Tân, Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND H.Nhà Bè, cho biết hiện nay đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp UBND H.Nhà Bè chưa giải quyết tách thửa nên quyền lợi của người dân bị hạn chế. Huyện mới chỉ giải quyết tách thửa dưới chuẩn cho gia đình chính sách, khó khăn nghèo hoặc cận nghèo tách cho hộ gia đình để cho con cái, thừa kế, phân chia tài sản.
Trong những năm qua, H.Nhà Bè tận dụng nguồn lực nông thôn mới kêu gọi người dân hiến đất làm đường và khi có đường sẽ tách thửa đất cho người dân dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay quy định về hai loại đất trên đang làm người dân gặp khó trong vấn đề tách thửa khiến người dân bức xúc. Người dân có sự so sánh giữa khu dân cư xây dựng mới với khu dân cư hiện hữu gần nhau vì một bên dân cư hiện hữu lại được giải quyết tách thửa nhưng khu dân cư mới lại không được giải quyết. H.Nhà Bè chỉ giải quyết được bằng cấp phép xây dựng tạm cho người dân làm nhà…
|
Bình luận (0)