Trao đổi với Báo Thanh Niên ngày 26.3, ông Hàn Quốc Diệu, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, cho biết Cơ quan Giáo dục Đài Loan vừa công bố "Chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế" (INTENSE) cho sinh viên Việt Nam, Indonesia, Philippines, tập trung đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, chip, bán dẫn... với sự kết hợp giữa 3 bên là chính quyền, doanh nghiệp và trường ĐH.
Cụ thể, Đài Loan sẽ chi trả vé máy bay, học phí và các khoản phí khác. Doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên 10.000 Đài tệ/tháng (khoảng 7,7 triệu đồng), còn trường ĐH phối hợp đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Thời gian đào tạo trong 2 năm, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc tối thiểu 2 năm cho doanh nghiệp Đài Loan đã hỗ trợ. Sau đó, sinh viên có thể chọn làm tiếp tại Đài Loan hoặc trở về Việt Nam.
Theo ông Hàn Quốc Diệu, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Song, nếu muốn thu hút các doanh nghiệp ngành bán dẫn đặt nhà máy và đầu tư vào nước ta thì trước hết cần bồi dưỡng nguồn nhân lực. Mặt khác, Đài Loan là một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất bán dẫn và thiết kế chip, công nghệ xử lý tiên tiến đứng đầu thế giới.
"Đài Loan có chuỗi cung ứng ngành bán dẫn hoàn chỉnh với 65% chip trên thế giới và 92% chip xử lý tiên tiến đều được sản xuất tại đây. Có thể thấy, cơ hội việc làm sẽ thu hút sinh viên Việt Nam đến Đài Loan học tập, tốt nghiệp và ở lại làm việc. Việc này có lợi cho cả trường ĐH và doanh nghiệp Đài Loan trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp này", ông Diệu thông tin.
Ông Trần Hòa Hiền, Tham tán giáo dục, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, cho biết thêm chương trình INTENSE nhấn mạnh đến việc định hướng theo nhu cầu của doanh nghiệp. Do vậy, nhà trường cùng doanh nghiệp tham gia thiết kế chương trình học và sắp xếp các khóa học ngoại khóa cho sinh viên trong thời gian học tập tại trường.
Cơ quan Giáo dục Đài Loan đã phê duyệt khoảng 100 lớp sinh viên Việt Nam có thể nộp hồ sơ xin học bổng này, bao gồm các lớp cử nhân 2 năm (chương trình liên kết 2+2), lớp 2 năm sau ĐH (với sinh viên tốt nghiệp CĐ), lớp thạc sĩ và tiến sĩ 2 năm (hoặc chương trình liên kết). Trong năm 2024, dự kiến tuyển sinh 2.000-2.500 sinh viên Việt Nam vào hai kỳ nhập học là mùa thu (tháng 9) và mùa xuân (tháng 2).
"Đại diện các trường ĐH Đài Loan sẽ trực tiếp phỏng vấn sinh viên tiềm năng xuất sắc hoặc ký kết chương trình liên kết với những trường ĐH Việt Nam. Tuy nhiên, để khuyến khích sinh viên chăm chỉ học tập, chỉ những em có thành tích đứng trong top 70% của lớp mới được duy trì học bổng vào năm thứ hai học tại trường", ông Hiền lưu ý.
Hội nghị và triển lãm Thành phố thông minh năm 2024: Sự kết hợp độc đáo giữa xu hướng mới và chủ đề thành phố thông minh
Tham tán Trần Hòa Hiền cho hay, thời gian tới những trường học ở Đài Loan sẽ hợp tác với các cơ sở giáo dục Việt Nam để thành lập văn phòng đại diện. Điều này nhằm cung cấp cho học sinh Việt Nam các khóa học tiếng Trung trực tiếp hoặc trực tuyến miễn phí, cũng như các khóa học trải nghiệm ngắn hạn để nâng cao nguyện vọng sang Đài Loan học tập.
"Vào 8 giờ sáng 28.3, 12 trường ĐH Đài Loan sẽ đến Trường THCS-THPT Nhân Văn tại Q.Tân Phú, TP.HCM để tổ chức hội thảo tuyển sinh chương trình INTENSE năm 2024. Các bạn quan tâm có thể đến tìm hiểu", ông Hiền nói thêm.
Bình luận (0)