Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, ký hợp đồng giáo viên đảm bảo các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình xét tuyển hợp đồng lao động đối với giáo viên khối mầm non và giáo viên tiếng Anh khối tiểu học, THCS để tuyển dụng được những giáo viên có trình độ, năng lực tốt nhất; trong đó ưu tiên những giáo viên bị các địa phương đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Đây là tin vui đối với rất nhiều giáo viên bị các địa phương đơn phương chấm dứt hợp hợp đồng lao động, đang phải bươn trải mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau. Năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương rà soát, chấm dứt hợp đồng với những giáo viên do huyện, xã hợp đồng không đúng quy định, không báo cáo cấp có thẩm quyền. Huyện Yên Định sau đó đơn phương chấm dứt hợp đồng với 647 giáo viên, huyện Vĩnh Lộc chấm dứt hợp đồng với 376 giáo viên…
tin liên quan
Tranh luận việc chỉ ký hợp đồng 9 tháng/năm đối với giáo viên mầm nonViệc ký hợp đồng 9 tháng/năm đối với giáo viên mầm non, nhân viên nuôi dưỡng tạo sự tranh luận của đại biểu tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM.
Chị Tạ Thị Huyền (ngụ tại xã Yên Giang, H.Yên Định) được UBND H.Yên Định ký hợp đồng lao động dài hạn từ năm 2007 để dạy môn văn tại Trường THCS Yên Giang nhưng bị chấm dứt hợp đồng vào cuối năm 2016. Cuộc sống vốn đã vất vả với đồng lương ít ỏi nay càng thêm khó khăn. “Tôi rất yêu nghề giáo, lúc nào cũng mong muốn được cống hiến cho nghề. Gần 10 năm đứng trên bục giảng, đã gắn với nhiều thế hệ học sinh, đột nhiên bị cắt hợp đồng khiến tôi hụt hẫng vô cùng. Cái sai không phải do chúng tôi nhưng hậu quả chúng tôi phải chịu thì thiệt thòi quá. Nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn được tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục”, chị Huyền chia sẻ.
Vợ chồng anh Lê Văn Dũng (ngụ tại xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc) được UBND huyện Vĩnh Lộc ký hợp đồng dạy cấp 2 nhưng cũng bị chấm dứt hợp đồng vào cuối năm 2016. Từ những giáo viên có gần 10 năm tâm huyết với nghề, hiện anh Dũng đang phải làm nhân viên thị trường cho một công ty, còn vợ anh làm công nhân nhà máy may. “Được biết, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản cho phép tuyển dụng, hợp đồng lại giáo viên nên vợ chồng tôi đang rất mong được tuyển chọn”, anh Dũng nói.
Trên thực tế, theo các quy định của nhà nước và định mức biên chế UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho ngành giáo dục thì khối mầm non ở tỉnh này đang thiếu 4.556 giáo viên, tiểu học thiếu 997 giáo viên dạy tất cả các môn, THPT thiếu 344 giáo viên. Riêng cấp THCS thừa 2.211 giáo viên các môn toán, vật lý, sử… nhưng lại thiếu giáo viên tin học.
Bình luận (0)