Hàng quán TP.HCM gồng mình vì giá xăng tăng kỷ lục: ‘Tăng giá chắc không ai tới’

26/05/2022 12:11 GMT+7

Giữa cơn “bão” giá quét qua , mỗi ngày quán gỏi vịt Ba Chiến của bà Huyền Thanh (47 tuổi) đội lên 600.000 - 700.000 đồng chi phí. Từ 5 quán, nay chỉ còn 1 quán, bà chủ vẫn không dám tăng giá , chật vật gồng gánh chờ qua thời điểm khó khăn.

Giá xăng liên tục tăng kỷ lục trong thời gian vừa khiến hàng hóa tăng giá theo “phi mã”. Trong khi đó, các chủ hàng quán ở TP.HCM cho biết họ sắp tới ngưỡng chịu đựng vì phải gồng mình chống chọi lại với vật giá leo thang, nhưng không thể nào mãi tăng giá món ăn vì sợ mất khách.

“Gồng không nổi là vỡ nợ như chơi!”

Hay tin giá xăng lập kỷ lục gần 31.000 đồng/lít từ ngày 23.5, bà Huyền Thanh, chủ quán gỏi vịt Ba Chiến tại số 734 trên đường Trường Sa (Q.3) lại thở dài: “Lại lên nữa!”. Sáng sớm, 3 nhân viên trong quán tất bật dọn dẹp quán như thường lệ, chuẩn bị món để kịp 11 giờ trưa bắt đầu đón khách, tới hơn 22 giờ 30 phút mới đóng cửa.

Quán vịt của bà Thanh mở gần 5 năm nay
cao an biên

Bà Thanh thì ngồi buồn tâm sự với chúng tôi, rằng những ngày qua, giá xăng tăng, vật giá leo thang chính là nỗi ám ảnh lớn nhất không chỉ của riêng bà, mà còn của nhiều hàng quán quanh đây.

Chuyên về các món vịt, mấy ngày trở lại đây giá vịt tăng 7.000 - 8.000 đồng, từ hơn 60.000 đồng/ký nay lên tới 74.000 đồng. Trong khi đó, mỗi ngày bà lấy về chừng 20 con vịt, dao động từ 50 - 70kg.

“Chưa kể, tiền gia vị, tiền dầu ăn, mắm, muối nêm nếm, tiền gas… cũng tăng lên dữ dội chưa từng thấy. Nói chung là giờ mỗi ngày giá cả đội lên 600.000 - 700.000 đồng so với thời điểm trước khi giá xăng tăng. Quá kinh khủng!”, bà bày tỏ.

Nhân viên quán dọn dẹp kịp giờ mở cửa
cao an biên

Giá đội lên là vậy, nhưng từ đầu năm đến nay quán ăn chưa một lần tăng giá, vẫn giữ mức 15.000 đồng đối với món cháo huyết, 40.000 - 45.000 đồng với món cháo vịt, 100.000 - 130.000 đồng với món gỏi vịt là thương hiệu của quán. Dù vậy, khách đến ăn giảm thê thảm, từ 30 - 40%. Bà chủ nhận định thời điểm này, khách e dè trong việc chi tiêu, thêm thời tiết mưa nắng thất thường nên doanh thu của quán suy giảm nghiêm trọng.

“Vậy sao mình không tăng giá?”, nghe PV hỏi, bà chủ cười nói: “Không tăng mà khách giảm vậy rồi, tăng chắc không ai tới quá!”. Thời điểm này bà cố gồng để trụ lại, để giữ mối với nhiều khách quen cũng như duy trì công việc kinh doanh của mình, như vậy đã là đỡ lắm chứ không dám nghĩ đến chuyện kiếm lời hay làm giàu.

Giá vịt mà quán mua tăng giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg
cao an biên

Chúng tôi hỏi tiếp: “Vậy giờ chị bán có lời không?”, bà chủ cho biết: “Bán không lời thì làm sao mà duy trì được quán, nhưng đồng lời lúc này không nhiều. Xoay xở mọi chi phí, hết sạch chứ nói gì tới tiền dành dụm cho những lúc cần”.

Mọi thứ đắt đỏ, nhưng mỗi ngày bà chủ vẫn phải trả tiền công cho 3 nhân viên, mỗi người 350.000 đồng, cộng với tiền mặt bằng thuê ở đây 1 triệu đồng/ngày. Có lẽ, hiếm khi nào bà gặp phải khó khăn như lúc này.

“Trước dịch tôi có 5 quán, cũng có thương hiệu, có tiếng ở Sài Gòn chứ bộ. Mà qua dịch, rồi giờ, chỉ còn trụ một quán này để cầm chừng thôi. Mong cho bão giá sớm qua để tôi gầy dựng lại chứ đây là tâm huyết của cả đời mình mà. Còn về giá, chắc cứ giữ vậy thôi, tới ngưỡng không chịu được thì tăng chút đỉnh. Lúc này mà gồng không nổi là đổ nợ như chơi”, chủ quán tâm sự.

“Mới tăng giá đây chưa dám tăng nữa”

Trong khi đó, hơn 9 giờ sáng nay quán ăn của anh Đỗ Bá Thiêng (40 tuổi) nằm trên đường Phạm Đình Toái (Q.3) lại nhộn nhịp khách đến uống nước, ăn sáng. Bên trong quán, chục nhân viên tất bật làm việc để kịp mang món ra cho khách. Hơn 1 tháng trước, quán vừa quyết định thay đổi bán giá, tăng các món đồ ăn đồ uống lên vài ngàn đồng.

Quán anh Thiêng từng có một lần thay đổi giá vào tháng 3
cao an biên

“Bây giờ giá xăng tăng liên tục nữa, giá cũng tiếp tục tăng lên nhưng sao mà mình tăng giá được, tăng gì mà tăng hoài thì khách sao chịu nổi. Nên giờ ráng gồng rồi cân đối mọi thứ thôi”, anh nói.

Theo anh, chi phí hiện tại của quán đã đội lên 20%, từ tiền gas tăng đến đủ các chi phí phát sinh khác. Nhất là việc quán nhận dịch vụ giao hàng tận nơi cho khách miễn phí, nên giá cả cũng tăng lên nhiều.

Dù giá cả tăng nhưng chủ quán cho biết vẫn sẽ cố gắng giữ mức giá hiện tại
cao an biên
Nguyên liệu đầu vào mà quán anh Thiêng nhập về tăng 20% so với thời điểm trước khi giá xăng tăng, tuy nhiên chất lượng phần ăn vẫn không thay đổi
cao an biên

“Chẳng hạn hồi xưa đi 50.000 đồng tiền xăng, thì giờ giao hàng cho khách giá tăng lên gấp đôi. Nhưng giờ phải gắng gượng thôi, giảm đồng lời chút, san sẻ với khách một chút để qua lúc này. Tôi nghĩ giá vẫn sẽ tiếp tục tăng thôi, nhưng hiện quán vẫn còn cố gắng gồng được”, chủ quán nói thêm.

Giá xăng tăng vọt, chị kế toán đạp xe 10km mỗi ngày đi làm

Hy vọng lớn nhất của nhiều hàng quán TP.HCM lúc này là giá cả sớm được bình ổn để công việc kinh doanh của họ trở lại như trước kia…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.