'Hàng rào người' - nên hay không? - Kỳ 2: Những người trong cuộc lên tiếng

07/07/2015 05:30 GMT+7

(TNO) Bài báo Hàng rào người" - nên hay không? ghi nhận thêm nhiều ý kiến của chính những sinh viên tình nguyện từng ra đứng giữa đường làm 'hàng rào' phân luồng giao thông.

(TNO) Bài báo Hàng rào người" - nên hay không? ghi nhận thêm nhiều ý kiến của chính những sinh viên tình nguyện từng ra đứng giữa đường làm 'hàng rào' phân luồng giao thông.

Sinh viên tình nguyện tại điểm thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (số 10- 12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) đưa thí sinh qua đường sau khi được CSGT điều tiết lưu thông - Ảnh: Như LịchSinh viên tình nguyện tại điểm thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (số 10 - 12
 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) đưa thí sinh qua đường sau khi được CSGT điều tiết lưu thông - Ảnh: Như Lịch
Đã làm tình nguyện thì sẵn sàng hy sinh!
Theo Nguyễn Thị Nhị Hiến (Đội trưởng đội Tiếp sức mùa thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), tại điểm thi này có khoảng 30 - 40 sinh viên tình nguyện (SVTN) thường xuyên thay nhau làm “dải phân cách” và dẫn thí sinh qua đường.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi nên đứng như vậy, vì CSGT có hướng dẫn cho chúng tôi. Song, chỉ khi nào lượng xe đông, lượng thí sinh và phụ huynh đông, xảy ra ùn tắc thì mới làm”, Nhị Hiến cho biết.
Sinh viên tình nguyện tại điểm thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (số 10- 12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) đưa thí sinh qua đường sau khi được CSGT điều tiết lưu thông - 2
Xoay quanh sự kiện sinh viên tình nguyện làm "dải phân cách sống" có 2 luồng ý kiến trái chiều; đó là: Có ý kiến thì ủng hộ hành động cống hiến sức mình cho xã hội của những người trẻ...
Hiến nhận xét: “Phần lớn người đi đường tuân thủ theo sự phân luồng, chỉ có một số người ý thức kém mới gây nên một số ca trầy xước cho SVTN. Thậm chí, có người còn quay lại nạt nộ, chửi tục. Nhưng, bên cạnh đó có những người đi đường xót lòng khi thấy chúng tôi phải dầm mưa dãi nắng và nhiều thí sinh, phụ huynh động viên, cảm ơn…
"Chúng tôi lấy những điều động viên này cộng với ý nghĩa công việc của mình là nhằm đảm bảo an toàn cho thí sinh và phụ huynh để làm niềm vui, để bù đắp lại những lời xúc phạm. Tôi cho rằng, nguy hiểm chỉ có thể xảy ra khi một số người đi đường thiếu ý thức và một số phụ huynh đậu xe lấn lòng lề đường” - Hiến chia sẻ. 
SVTN Danh Phố (người dân tộc Khmer) bộc bạch: “Khi tôi cùng đồng đội tham gia điều tiết lưu thông giữa đường thì bánh xe của một phụ huynh đè lên mấy ngón chân của tôi. Sau đó, người này quẹo ngược lại, chân chống của ông lại va quẹt trúng ngón chân cái của tôi. Khi làm xong nhiệm vụ, tôi mới để ý đến vết thương và thấy máu chảy ri rỉ. Tôi hy vọng ông ấy chỉ là vô tình thôi”.
Trần Ngụy Quỳnh Dao (SVTN Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Ban đầu đứng giữa đường tôi cũng thấy sợ lắm, nhưng sau đó tôi thấy quen. Đã làm tình nguyện thì sẵn sàng hy sinh”.
Hai năm liên tiếp làm “dải phân cách” điều tiết giao thông, tình nguyện viên D.K (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khẳng định: “Khi cần, mình sẽ tiếp tục làm công việc này dù biết là nguy hiểm, dù có những người không thích bằng cách nặng lời hoặc cố ý tông vào”.
SVTN Lê Quốc Trí cũng khẳng định: “Theo tôi, việc làm này là rất cần thiết, vì lúc đó lưu lượng thí sinh và phụ huynh rất đông, có những người muốn chạy ngược chiều gây ách tắc giao thông... Chúng tôi bị một số người đi đường la quá trời, nhưng điều đó không ngăn được nhiệt huyết của chúng tôi luôn chấp nhận gian khó, sẵn sàng đội mưa đội nắng hỗ trợ thí sinh”.
Sinh viên Nguyễn Thị Kim Tiền (tình nguyện viên tại Hội đồng thi Trường ĐH Sài Gòn, đường An Dương Vương, quận 5), nói: “Cá nhân tôi nghĩ SVTN nên làm như vậy, cho thí sinh được an toàn. Chúng tôi mặc áo xanh nên người đi đường dễ nhận thấy, họ sẽ chạy cách ra. Có thể có nguy hiểm nên đòi hỏi tình nguyện viên phải cẩn thận hơn một chút”...
“Không phải là nhiệm vụ của sinh viên tình nguyện”?
Trong khi đó, có các ý kiến trái chiều giữa những bạn trẻ. Họ cũng là những SVTN chương trình Tiếp sức mùa thi, dù không thuộc đội hình tham gia điều phối giao thông.
Sinh viên tình nguyện tại điểm thi Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (số 10- 12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) đưa thí sinh qua đường sau khi được CSGT điều tiết lưu thông - 3
... nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc đó phải nên hoàn toàn là trách nhiệm của những người được đào tạo bài bản, đó là cảnh sát giao thông, công an
Trần Minh Trường (sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM) cảm kích: “Việc SVTN đứng thành hàng dài giữa đường vì sự an toàn của thí sinh là hành động rất đẹp. Phụ huynh năm nào cũng đông, nên các bạn ấy cần phải phân luồng cho giao thông được thuận tiện hơn. Tôi cũng thấy điều đó tiềm ẩn nguy hiểm, vì đông quá có thể va quẹt nhau. Tuy nhiên, nếu có bị gì thì họ cũng xem là bình thường thôi. Vì họ là những người trẻ, muốn cống hiến sức mình cho xã hội. Họ đã từng đi thi ĐH, họ thấy những anh chị SVTN đi trước làm vậy nên giờ họ làm theo. Nói tóm lại, họ không ngại nguy hiểm, gian khổ để làm tình nguyện”.
Khác với Trường, SVTN Nguyễn Hoàng Quân (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) dứt khoát phản đối: “Không nên lấy tính mạng của mình để làm như vậy và đó không phải là nhiệm vụ của SVTN. Việc điều tiết, phân luồng giao thông phải do những người đã được học bài bản đứng ra thực hiện - tức là cảnh sát giao thông, công an... Không có luật nào lấy người ra làm vật cản đường cả. SVTN mình không được học nghiệp vụ chuyên môn ở lĩnh vực này một cách kỹ càng, do đó không nên làm vì rất nguy hiểm. Lỡ có chuyện gì xảy ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Tôi không ủng hộ!”...
Chỉ làm tạm thời “dải phân cách” 
Trước khi kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, chúng tôi có phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM tập huấn một buổi cho khoảng 200 sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi nòng cốt về kiến thức, kỹ năng thiết yếu khi tham gia điều phối giao thông. Những thành viên nòng cốt này sau đó về phổ biến lại cho những sinh viên khác.
Chúng tôi chỉ cho SVTN làm tạm thời “dải phân cách sống” ở những nơi lưu lượng xe đông đúc, lộn xộn, có nguy cơ cao về ùn tắc trước một số hội đồng thi mà thôi. Tại những nơi đó, luôn có CSGT phối hợp với lực lượng tình nguyện viên để điều tiết giao thông.
Theo tôi, đây là một trong những hoạt động xã hội hữu ích, thể hiện tinh thần người đi trước giúp người đi sau. Hành động đó cho thấy tinh thần tình nguyện và nghĩa hiệp, có giá trị nhân văn của không chỉ sinh viên mà còn của nhiều người dân thành phố, toàn xã hội chung tay thực hiện trong việc hỗ trợ về nhiều mặt cho thí sinh và phụ huynh.
(Quách Hải Đạt, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên TP.HCM)
Như Lịch (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.