Chiếc thuyền hút cát chật chội neo ở bãi bồi ven sông Lam thuộc xóm 16 (xã Hưng Long, H.Hưng Nguyên, Nghệ An) là phương tiện làm ăn sinh sống và nơi cư ngụ của 4 thành viên trong gia đình anh Ngô Văn Lực. Vì quá chật chội và bất tiện nên vợ chồng anh phải gửi 2 đứa con cho người thân có nhà trên bờ để chúng đi học.
“Cha ông tui sống trên thuyền, đẻ tui ra, mấy thế hệ rồi vẫn chưa thoát được kiếp lênh đênh sông nước vì không có tiền mua đất lên bờ. Giờ phải cho chúng đi học, hy vọng chúng bớt khổ. Chúng tôi nghe nói mấy năm trước tỉnh có dự án đưa dân vạn chài lên bờ, nhưng đến bây chừ cũng đã thấy có ai ngó ngàng tới mô”, anh Lực nói.
Phía trên bãi bồi, cách nơi anh Lực neo thuyền chưa đầy 100 m là mấy căn nhà xây tạm, nhỏ và thấp lè tè. “Mấy nhà đó sống trên thuyền khổ quá không chịu được, phải xây tạm nhà trên đất trồng cây của người khác để ở”, anh Lực cho hay.
Gia đình anh Hoàng Tiến Dũng, một trong những hộ vạn chài tự “bơi” lên bờ, cho biết, năm 2009, vợ chồng anh và 2 đứa con sống trên thuyền quá chật chội nên đánh liều lên bờ dựng nhà trên phần đất của một người thân thuê của xã để trồng cây. Không có tiền và sợ bị giải tỏa nên anh chỉ xây căn nhà rộng hơn chục mét vuông làm chỗ trú tạm. Cạnh đó là căn nhà của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương, cũng rất tạm bợ.
“Vợ chồng tui cưới nhau rồi sống trên thuyền. Anh ấy bị sốt rét, sức khỏe yếu, không chịu được sông nước, nên chúng tui phải liều lên đây dựng tạm nhà để ở. Đây là đất doanh nghiệp thuê của xã làm bãi tập kết cát. Họ cứ đuổi suốt nhưng chúng tui phải bám trụ vì không có chỗ để đi nữa”, chị Hương nói.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Long, năm 2006, UBND huyện khảo sát, lập dự án cấp đất cho dân vạn chài của xã lên định cư trên bờ nhưng chưa được phê duyệt. Mới đây, xã quy hoạch 8 lô đất để bán cho các hộ dân vạn chài với giá 170 - 200 triệu đồng/lô nhưng không ai mua vì người dân nói không có tiền.
Dự án di dân bị "mắc cạn"
Trước đó, tháng 3.2009, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn của H.Hưng Nguyên giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến năm 2015 do UBND H.Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, với kinh phí hơn 28 tỉ đồng. Theo dự án, sẽ có 292 hộ dân (chủ yếu là dân vạn chài và một số hộ có nhà trong vùng sạt lở) ở 5 xã ven sông Lam của H.Hưng Nguyên được cấp đất để lên bờ, trong đó xã Hưng Long có 48 hộ vạn chài.
Bà Bá Thị Dung, Phó phòng NN-PTNT H.Hưng Nguyên cho biết, do nguồn vốn khó khăn nên dự án chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện di dân ở các xã Hưng Lợi, Hưng Châu, Hưng Lam và đến nay đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2 thực hiện di dân ở các xã Hưng Long, Hưng Phú và những hộ còn lại của xã Hưng Lam nhưng đang bị tắc lại, phải chờ bố trí vốn.
Không chỉ ở H.Hưng Nguyên, năm 2010, dự án đưa 120 hộ dân vạn chài sống lênh đênh dưới sông Lam thuộc xã Võ Liệt (H.Thanh Chương, Nghệ An) lên bờ được thực hiện tại xã Thanh Thủy (H.Thanh Chương) với nguồn vốn hơn 82 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào cuối năm 2011 nhưng đến nay, dù đã lỡ hẹn đến 7 năm, những hộ dân vạn chài này vẫn chưa dám mơ đến ngày được lên bờ. Sau khi hoàn thành đường vào khu tái định cư và một số hạng mục như nhà văn hóa, đường điện, dự án hết vốn và bị bỏ hoang.
Ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, dự án đang cần khoảng hơn 15 tỉ đồng để hoàn thiện nhưng chưa có vốn.
tin liên quan
Dân làng chài mòn mỏi đợi lên bờDự án đưa hơn 100 hộ dân sống trôi nổi trên sông Lam ở H.Thanh Chương, Nghệ An lên bờ thực hiện từ 5 năm trước nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu” khiến hơn 165 hộ dân vẫn phải sống cảnh lênh đênh sông nước.
“Để hoàn thiện các dự án dang dở này phải cần tới 290 tỉ đồng nhưng năm nay nghe nói tỉnh cũng chỉ rót về 15 tỉ đồng. Đây là hậu quả của việc đầu tư dàn trải của những năm trước. Chúng tôi đã có tờ trình xin T.Ư bố trí vốn để đến năm 2020 sẽ hoàn thiện các dự án này nhưng không biết có được không”, ông Lương nói.
Bình luận (0)