Hàng triệu tấn bùn thải đổ đi đâu?

24/10/2011 03:43 GMT+7

Hàng triệu tấn bùn thải công nghiệp, kênh rạch tại TP.HCM đang được đổ mà chưa qua xử lý hoặc không biết đổ đi đâu, tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và đe dọa sức khỏe con người.

Bốn năm trước, tình trạng bí chỗ đổ bùn thải tại TP.HCM đã ở mức báo động, dù vào thời điểm đó, mỗi ngày chỉ có khoảng 2.000 tấn bùn. Đến nay, trong khi mặt bằng đổ bùn thải ngày càng khan hiếm thì lượng bùn thải tại TP.HCM đã vượt con số 4.000 tấn/ngày, chủ yếu từ hệ thống cống rãnh, bùn hầm cầu, các hoạt động xây dựng, các khu công nghiệp (KCN), cơ sở sản xuất… Ngoài ra, đang và sẽ phát sinh thêm hàng triệu tấn bùn thải từ các dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, các tuyến metro, hầm Thủ Thiêm…


Nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Nguy cơ ô nhiễm

Đáng nói, khối lượng bùn thải khổng lồ này phần lớn được đổ trực tiếp tại các bãi đổ ở ngoại thành mà chưa qua quá trình loại bỏ chất độc hại, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm không khí, nguồn nước… Trong đó, hàng trăm tấn bùn thải công nghiệp mỗi ngày, nhất là từ các hoạt động sản xuất thuộc da, kim loại, xi mạ… nếu không được xử lý đến nơi đến chốn sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nếu không xử lý bùn thải mà đổ trực tiếp ra môi trường như cách TP.HCM đang làm chỉ là chuyển ô nhiễm từ điểm này sang điểm khác

GS-TSKH Lê Huy Bá
Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường TP.HCM

Kết quả nghiên cứu của ĐH Bách khoa TP.HCM cho thấy, dịch chiết từ bùn thải trên có hàm lượng chất hữu cơ trong nước, kim loại nhôm, sắt, crôm, niken, kẽm và đồng cao. Do đó, việc sử dụng bùn thải sản xuất để bón cho cây xanh như thời gian qua sẽ khiến các chất thải nguy hại trong bùn khi gặp nước mưa sẽ ảnh hưởng đến nước mặt, nước ngầm và chất lượng đất.

Chưa kể, trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ở TP.HCM, nhiều kênh rạch bị bồi lắng và ô nhiễm trầm trọng. Trong bùn lắng đọng, có tồn tích lâu ngày các chất thải trên kênh rạch, ngoài các chất thải rắn, rác, mùn bã hữu cơ, còn có các chất ô nhiễm độc hại có thể gây ra những hậu quả môi trường trong khi nạo vét, đổ bỏ. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, hiện các kênh rạch nội thành TP.HCM đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các chỉ tiêu về chất hữu cơ, chất thải rắn lơ lửng, kim loại, vi sinh luôn ở tình trạng vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 9 lần.

GS-TSKH Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường TP.HCM nhận xét, nếu không xử lý bùn thải mà đổ trực tiếp ra môi trường như cách TP.HCM đang làm chỉ là chuyển ô nhiễm từ điểm này sang điểm khác. Bởi thực trạng ô nhiễm đã biến các tuyến kênh tại TP thành kênh “chết”, hầu như không còn sinh vật nào có thể sinh sống. Do đó, nếu đổ bùn thải ra môi trường xung quanh thì cũng không cây cối nào sống được và còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Hiện nay, bùn sau khi thu gom được vận chuyển đến đổ bỏ tại các khu đất trống cách xa khu dân cư hoặc tại các ao nuôi thủy sản cần được san lấp, thậm chí đổ vào bất cứ khu vực nào có thể. Chính việc đổ bùn tràn lan và hoàn toàn không được xử lý như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là việc tích tụ các kim loại, gây tình trạng mất vệ sinh, mùi hôi thối. Nghiêm trọng hơn, bùn thải đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề do được đổ bỏ, chôn lấp không có lớp lót chống thấm nên các chất ô nhiễm thấm xuống nguồn nước ngầm và nước mặt làm cho chất lượng nguồn nước bị suy giảm.


Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM sẽ nạo vét hơn 1 triệu tấn bùn dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Ảnh: Diệp Đức Minh)

 

Thiếu nhà máy xử lý bùn thải

Vấn đề thiếu bãi đổ bùn thải tại TP.HCM hiện rất nan giải. Thời gian qua, bùn thải được đổ khắp nơi có thể, chủ yếu tập trung ở ngoại thành như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, quận 9, Thủ Đức… Vừa qua, bổ sung thêm bãi đổ ở Q.Bình Tân song vị trí này cũng sẽ sớm quá tải trong thời gian tới. Theo GS Bá, nếu cứ giải quyết bùn thải bằng cách tận dụng các bãi đất trống để đổ bùn tạm, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao và cũng không mặt bằng nào kham nổi. Với một đô thị lớn như TP.HCM, để giải quyết bền vững bài toán môi trường, việc quy hoạch, xây dựng một nhà máy xử lý bùn thải đúng tiêu chuẩn là hết sức cần thiết. Đến nay, TP.HCM vẫn chưa có nhà máy xử lý chất thải nguy hại nào dành cho bùn thải. Thậm chí, đối với chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đang rất khó khăn trong việc xử lý vì thiếu nhà máy.

TS Nguyễn Hồng Bỉnh - Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM cho rằng, việc đổ trực tiếp bùn thải ra môi trường như hiện nay không chỉ gây ô nhiễm mà còn lãng phí tài nguyên môi trường. “Bởi thực tế, sau khi được xử lý hết các thành phần độc hại, bùn thải hoàn toàn có thể được tận dụng làm vật liệu xây dựng (bê tông, gạch..) và san nền, giúp hạn chế đáng kể tình trạng khai thác đất mặt tại các quận, huyện ngoại thành để phục vụ việc san lấp. Cần nhấn mạnh rằng, việc quy hoạch và xây dựng ngay hệ thống quản lý lượng bùn nói trên bao gồm cả các nhà máy xử lý, tái chế và tái sử dụng bùn là vấn đề cấp thiết và cấp bách trước mắt, trước khi vấn đề ô nhiễm bùn tại TP ngày càng nghiêm trọng hơn”, TS Bỉnh nói.

Có dự án xử lý bùn thải nhưng chưa thể triển khai

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, hiện đồ án quy hoạch bãi đổ bùn thải trên địa bàn TP chỉ dừng lại ở việc quản lý đối với bùn nạo vét cống rãnh, kênh rạch. Còn lại rất nhiều loại bùn thải phát sinh từ hoạt động xây dựng, rút hầm cầu, các nhà máy xử lý nước thải trong các KCN... vẫn chưa được định hướng quản lý, áp dụng công nghệ xử lý phù hợp. Từ năm 2002, Công ty thoát nước đô thị TP được giao lên kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý bùn thải hơn 40 ha tại Bình Chánh. Tuy nhiên, đến năm 2007 công ty mới chính thức được giao đất và đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai vì chưa hoàn tất bồi thường giải tỏa.

Bạ đâu đổ đó

Cuối tháng 9 vừa qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện 40 tấn bùn thải chứa thuốc sát trùng chưa qua xử lý được chôn lấp sơ sài tại bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn). Lượng bùn thải nói trên được xác định là của Công ty CP thuốc sát trùng VN - Xí nghiệp Bình Triệu được vận chuyển về đây chôn lấp mà chưa qua xử lý. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, thực trạng thiếu chỗ đổ bùn thải tại TP.HCM tồn tại gần 30 năm qua, và đang có tình trạng các đơn vị sản xuất, nạo vét đổ bùn thải rất tùy tiện, thậm chí bạ đâu đổ đó.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.