Hàng trộm cắp đầy rẫy ! - Bài 2: Không để người gian thoát tội

08/10/2009 00:40 GMT+7

Điều 250 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có...” là phạm tội hình sự. Tuy nhiên, để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này bắt buộc người đó phải biết rõ tài sản mình chứa chấp, mua bán là do cướp, trộm, lừa đảo, tham ô... Quy định này đã giúp người tham “lách luật”...

Tiêu thụ đồ gian vẫn “thoát” tội

Vào khoảng giữa năm 2006, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện một băng cướp giật hoạt động khá táo tợn, đã gây ra nhiều vụ trên nhiều quận, huyện trong địa bàn thành phố. Băng cướp bị phá, 7 bị cáo sau đó cũng phải hầu tòa và nhận lãnh các mức án khác nhau. Điều đáng nói là hàng chục sợi dây chuyền bị đứt mà chúng cướp được đều đem bán tại tiệm vàng S. (Q.6) nhưng chủ tiệm vàng vẫn vô can do khai rằng không hề biết mua phải đồ gian.

Ông Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện phúc thẩm 3 Viện KSND Tối cao, phân tích: "Tài sản mua bán chia làm nhiều loại. Loại phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu như xe cộ, bất động sản chẳng hạn, mà khi mua bán giao dịch không có giấy tờ thì coi như tiêu thụ đồ gian, phải xử lý hình sự không có gì phải bàn. Những loại tài sản có giá trị lớn khác như vàng, hột xoàn, máy móc..., khi mua, bán cũng đều phải có nguồn gốc xuất xứ. Đơn giản khi anh đi mua tài sản này bất cứ cửa hàng nào cũng có giấy tờ, ít nhất cũng là hóa đơn do cửa hàng cấp, nên không khó khăn gì để chứng minh nguồn gốc. Với loại không có giấy tờ sở hữu nhưng khi mua bán có dấu hiệu bất thường như dây chuyền bị đứt, kiếng xe có dấu bị bẻ, người lôi thôi lếch thếch đến bán đồng hồ hoặc điện thoại xịn... thì bắt buộc người mua phải biết tài sản đó có "vấn đề", mà biết vẫn hám lợi mua là có dấu hiệu phạm tội hình sự". Ông Dương đúc kết: "Vấn đề quan trọng ở đây là cơ quan điều tra đã làm đến nơi đến chốn chưa chứ không phải luật pháp bó tay".

Những vụ án như vậy không phải là ngoại lệ. Cách đây không lâu, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử băng cướp do Trần Hiệp Hải (20 tuổi) cầm đầu, dưới trướng là 5 đồng phạm khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, băng cướp này đã thực hiện 9 vụ giật dây chuyền và điện thoại di động trên một số tuyến đường thuộc các quận 6, 11, Bình Tân, Tân Phú. Tài sản cướp giật đều được tiêu thụ trót lọt. Tuy nhiên, cũng giống như những phiên tòa khác, chỉ có kẻ trộm, cướp phải hầu tòa; còn những cửa hàng, người tiêu thụ tiếp tay cho tội phạm có “đầu ra” đều ung dung tiếp tục kinh doanh ở đâu đó.

Giữa năm 2008, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử các bị cáo Trần Thiện Phú (tức Bo, 22 tuổi) và Nguyễn Tấn Công (tức Mèo, 20 tuổi) bị truy tố về tội “cướp giật tài sản”; Trần Triệu Bình (tức Tý, 34 tuổi) bị truy tố về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Đây là vụ án điển hình liên quan đến rất nhiều tiệm vàng vì số nữ trang chiếm đoạt được rất lớn. Tại tòa các bị cáo khai: Sau khi bàn bạc, tối ngày 13.6.2007, Phú chở Công lưu thông đến đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (P.Đa Kao, Q.1) thì phát hiện anh Châu Thanh Hãn và chị Đào Thị Thu Vân (chủ tiệm vàng ở Cần Thơ) đi ô tô đang tấp vào lề đường. Anh Hãn xuống xe đi trước, chị Vân đi sau trên tay cầm chiếc túi xách. Trong tích tắc, Phú điều khiển ép sát xe vào người chị Vân để Công ngồi sau giật túi xách. Sau đó Phú chia cho Công 26.000.000 đồng và một số USD, số còn lại (có số lớn nữ trang) Phú giữ và nhờ Trần Triệu Bình, Cao Thị Kim Chi (bạn gái Phú) mang đi tiêu thụ. Điều đặc biệt là chỉ có Bình bị truy tố về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, còn các chủ tiệm vàng khác mua đồ gian đều vô can. Bởi lẽ tại tòa, Bình thừa nhận biết đây là số tài sản vừa cướp giật được mà có; còn các chủ tiệm vàng đều có lời khai “không biết đồ gian” nên chẳng ai bị vướng vòng tố tụng. Trong khi đó, số nữ trang cướp được không có giấy tờ, sau khi vào tiệm vàng nghiễm nhiên thành tài sản hợp pháp, được bán qua tay người khác với giá trị cao hơn gấp nhiều lần.

Tại tòa, bà Vân xót xa khi nghe lời khai của các chủ tiệm vàng: “Cũng là chủ tiệm vàng với nhau mà nói là mua nhầm đồ gian thật khó tin vì trị giá họ mua chỉ bằng 10% so với thực tế”.

Cũng tại phiên xử ấy, HĐXX và công tố viên đều đề cập đến việc tài sản là nữ trang, hột xoàn phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, việc mua bán không giấy tờ như trên là bất hợp pháp. Nhưng do không đủ căn cứ nên các cơ quan tiến hành tố tụng không thể xử lý hình sự mà chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở tại tòa.

Thời gian qua, các vụ trộm cắp tài sản được đưa ra xét xử rất nhiều nhưng người tiếp sức cho những kẻ trộm cắp có “đầu ra” bị đưa ra xét xử rất hãn hữu và chủ yếu liên quan đến xe máy, với mức án chỉ vài năm tù. Chỉ có xe gắn máy khi giao dịch mua, bán, cầm cố phải chứng minh là chủ sở hữu nên không thể “chạy” tội, còn các giao dịch "tiền trao cháo múc" khác thì hầu như chưa bị đưa ra xét xử. Thế nên, các chủ tiệm vàng, điện thoại di động, máy vi tính, phụ tùng xe hơi, xe gắn máy... tha hồ mua hàng gian, thậm chí còn thích "săn" đồ gian với giá rẻ bèo rồi bán cho người cần với giá cao để trục lợi. Đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì họ chỉ việc ra vẻ ngây thơ, bảo "mua nhầm" là thoát tội.

Không thể nói pháp luật “bó tay”

Ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TP.HCM, cho biết Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định trộm cắp tài sản giá trị dưới 2 triệu thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng người tiêu thụ món đồ trộm cắp dù chỉ vài trăm ngàn vẫn bị truy tố. Theo Bộ luật Hình sự: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến 15 năm”. Rõ ràng, luật quy định xử lý nghiêm khắc đối với những người tiêu thụ tài sản phạm tội mà có. Trách nhiệm còn lại, theo nhiều chuyên gia pháp lý, là sự quyết liệt của cơ quan chức năng.

“Hầu hết những vụ án khác xảy ra liên quan đến tài sản trộm cắp là nữ trang, vàng bạc, thậm chí hột xoàn cũng vậy, chưa có chủ tiệm vàng nào mua đồ gian bị truy tố ra tòa. Chỉ có những trường hợp mua xe gian thì bị truy tố, đơn giản vì xe có đăng ký giấy tờ sở hữu. Nếu nói những tài sản như dây chuyền, hột xoàn... không có giấy tờ kèm theo nên khó biết đâu là thật, đâu là gian thì không thuyết phục. Thực tế, hột xoàn khi mua, bán đều có bộ hồ sơ giấy tờ kèm theo, nếu anh đem bán hột xoàn mà không có hồ sơ kèm theo là tài sản bất hợp pháp rồi”, một thẩm phán phân tích.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng cho rằng: “Luật đã có nhưng quan trọng là các cơ quan tiến hành tố tụng có xử lý nghiêm minh, làm mạnh tay không. Chẳng hạn như những tài sản bắt buộc phải có hồ sơ như hột xoàn khi mua không chứng minh được nguồn gốc, dây chuyền bị đứt không giấy tờ vẫn mua, rõ ràng là cố tình tiếp tay cho tội phạm. Cần phải mạnh tay xử lý để thiết lập lại trật tự xã hội”. (Còn tiếp)

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.