Hàng vạn người đổ về cố đô Hoa Lư ngày nghỉ lễ

06/04/2017 13:01 GMT+7

Sáng 6.4 (nhằm ngày 10.3 âm lịch), dù trời mưa phùn nhưng hàng vạn du khách thập phương đã đổ về cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) tham dự lễ hội Hoa Lư năm 2017.

Lễ hội Hoa Lư 2017, kỷ niệm 1049 năm Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên của Việt Nam. Lễ hội diễn ra từ ngày 5 - 7.4, sau khi khai mạc (tối 5.4), các ngày 6 - 7.4 liên tục diễn ra các hoạt động văn hóa với các trò chơi, trò diễn độc đáo, như: đua thuyền, chọi gà, cờ tướng, tổ tôm, hội vật, kéo co, múa rối nước, cắm trại…
Sôi nổi hội đua thuyền thu hút hàng nghìn người xem Ảnh Minh Hải
Sử sách xưa ghi lại, mùa xuân năm Mậu Thìn 968, cách đây 1.049 năm, trên mảnh đất Trường Yên, Đinh Bộ Lĩnh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thống nhất 12 sứ quân - lên ngôi hoàng đế, lập nên nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, chọn Hoa Lư làm kinh đô, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.
Hội chọi gà được tổ chức quy mô và nghiêm túc Ảnh Minh Hải
Kế tục sự nghiệp huy hoàng của nhà Đinh, vua Lê Đại Hành và triều đại nhà Lê đã cùng quân dân cả nước phá Tống, bình Chiêm, xây dựng nước Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh.
Tổ tôm, tổ điếm thu hút cả người trẻ tham gia Ảnh Minh Hải
Cũng tại mảnh đất cố đô này, năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ đã tuyên Chiếu dời đô về Đại La, tạo vận hội mới cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Từ đây, Kinh đô Hoa Lư hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, là nơi phát tích của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Rất đông người xem múa rối nước Ảnh Minh Hải
Qua bao nhiêu biến thiên của thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, kinh thành Hoa Lư xưa với cung vàng, điện ngọc tuy chỉ còn lưu lại dấu tích của tường thành cùng những cổ vật quý giá được khai quật từ lòng đất - nhưng linh khí chốn kinh kỳ vẫn còn đây - làm nên nét văn hóa đặc sắc trong đời sống, sinh hoạt, trong nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng đất Cố đô.
Du khách nước ngoài hứng thú với nghệ thuật múa rối nước Ảnh Minh Hải
Lễ hội Hoa Lư đã trở thành hoạt động văn hóa được người dân Trường Yên - Ninh Bình tổ chức hằng năm, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng đế và các bậc tiền nhân. Lễ hội Hoa Lư được các vương triều phong kiến Việt Nam coi như lễ trọng. Ngày diễn ra lễ hội, triều đình Thăng Long hay triều đình Huế đều cử các vị quan đại thần về Cố đô dự lễ và làm chủ tế. Trải qua thời gian, lễ hội trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Triển lãm hình ảnh và hội trại tại lễ hội Hoa Lư Ảnh Minh Hải
Cố đô Hoa Lư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt; lễ hội Hoa Lư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Cố đô Hoa Lư còn là một trong 3 khu vực hợp thành quần thể danh thắng Tràng An, đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản hỗn hợp đầu tiên ở Đông Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.