Hành hung nhà báo: Xử nghiêm

04/08/2010 10:26 GMT+7

Lập đường dây nóng và quy chế bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp.

Ngày 3-8, tại hội thảo Tác nghiệp của nhà báo trong tình huống “nóng” do báo điện tử Nhà báo và Công luận tổ chức ở Hà Nội, nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường quy định pháp luật để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp.

 
Tấn công nhà báo vẫn tiếp diễn
 
Ông Trần Đức Chính, Tổng Biên tập báo điện tử Nhà báo và Công luận, cho biết sau hội thảo Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp diễn ra vào ngày 26-4, đến nay đã có 100 bài viết cùng nhiều kiến nghị, đề xuất từ báo giới, Hội Nhà báo VN đối với các cơ quan hữu trách về việc hoàn chỉnh quy định, chính sách hữu hiệu để bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp.  

Và cũng trong chừng đó thời gian đã có thêm 8 vụ việc cản trở, đe dọa, xúc phạm và hành hung nhà báo. Gần đây nhất, phóng viên Hà Phan (cơ quan đại diện Báo Tiền Phong tại TPHCM) đã bị nhắn tin đe dọa đến tính mạng sau khi có loạt bài về tình trạng xâm hại khu di tích thắng cảnh quốc gia hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt, Lâm Đồng)...

Ông Chính cho rằng những sự kiện trên diễn ra trước thềm đại hội toàn quốc Hội Nhà báo VN một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng xâm phạm hoạt động của nhà báo.
 
Nhà báo Phạm Kiên (VTV) cho rằng thiệt hại khi nhà báo bị cản trở, tấn công là thiệt hại chung cho xã hội khi những vấn đề tiêu cực, việc làm sai trái không bị phơi bày.
 
Chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe
 

6 tháng, 359 vụ chống người thi hành công vụ

PGS-TS Nguyễn Văn Lan cho hay theo thống kê, trước năm 2007, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 400 vụ tấn công người thi hành công vụ, trong đó có nhà báo. Đến năm 2008, con số này là 542 vụ, năm 2009 là 749 vụ và 6 tháng đầu năm 2010 đã xảy ra 359 vụ. Đặc biệt, số vụ chống người thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng ngày một nhiều như phá hoại tài sản, tấn công, bắt giữ người thi hành công vụ, trong đó có nhà báo. Thậm chí có người thi hành công vụ bị thiệt mạng.

B.Trân

Theo TS Đỗ Cảnh Thìn, Tổng Biên tập tạp chí Cảnh sát phòng chống tội phạm, càng có nhiều điểm “nóng” thì nguy cơ người thi hành công vụ, trong đó có nhà báo bị tấn công, cản trở càng cao, với nhiều hình thức từ làm nhục, đến khống chế, bắt giữ thậm chí là hành hung, sát hại...
 
Việc này không những vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội mà còn tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc.
 
PGS-TS Nguyễn Văn Lan, Phó Tổng Cục trưởng tham mưu Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), khẳng định: “Nhà báo được Nhà nước giao nhiệm vụ và nhân dân ủy thác nên mọi hành vi tấn công, cản trở nhà báo khi thi hành công vụ là đạp lên pháp luật và không thể chấp nhận được”.
 
Ông Lan cũng khẳng định hành vi ngăn cản, hành hung nhà báo là ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ, việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
 
Theo ông Lan, nhiều vụ điều tra, xử lý việc cản trở, tấn công người thi hành công vụ, trong đó có nhà báo chưa nghiêm, chưa triệt để nên không đủ sức răn đe. Ông Lan kiến nghị cần xây dựng quy chế phối hợp với Bộ Công an để chuyên xử lý các vụ cản trở, tấn công nhà báo.
 
Bên cạnh đó, cần thành lập đường dây nóng giữa lực lượng công an và báo chí để phối hợp ngăn chặn các vụ gây khó dễ, cản trở, hành hung nhà báo khi tác nghiệp, phải có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với hành vi tấn công, cản trở nhà báo.
Theo Người Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.