Hạnh phúc đơn sơ

18/06/2007 10:11 GMT+7

Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã bước sang năm thứ 23. Hai chúng tôi đều là cán bộ của một cơ quan Nhà nước có thu nhập ổn định. Kinh tế gia đình vừa phải. Con trai đầu của chúng tôi là sinh viên đại học năm thứ 4, con gái thứ hai là sinh viên năm thứ nhất. Ai cũng nói tôi khéo chọn chồng, khéo đẻ con.

Con tôi đều ngoan và học giỏi. Các cháu đã lớn nhưng cứ mỗi buổi tối hôm nào được nghỉ là cả nhà chúng tôi lại đi dạo cùng nhau, cười đùa bên nhau và cùng gọi nhau là “ấy” và “tớ”.

Có thực là tôi đã khéo chọn chồng và khéo đẻ con hay không?

Tốt nghiệp công nhân kỹ thuật, được nhận công tác, tôi gặp anh và chúng tôi phải lòng nhau từ buổi gặp đầu tiên. Tình yêu đến, với sự vun vén của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, sau một năm chúng tôi cưới nhau trong thời kinh tế bao cấp. Được phân một nửa căn hộ cách cơ quan 12 km, hằng ngày chúng tôi cùng nhau đạp xe đi làm, chiều tranh thủ đi trồng rau nuôi lợn. Một năm sau cháu trai chào đời. Con nhỏ, bố mẹ già ốm đau, quê xa (tôi quê ở Hà Tĩnh, ông xã Nghệ An), không nhờ vả vào ai được. Một quả trứng vịt, một lạng đậu xanh ngâm với nước, giã nhỏ, trộn hai thứ vào rán chả để làm thức ăn trong một ngày. Không đủ sữa cho con bú, chồng tôi phải đạp xe mấy cây số, bỏ ra nửa tháng lương mua 1 hộp sữa Similac của Liên Xô về cho cháu ăn thêm. Khó khăn chồng chất khi con trai vừa được hai tuổi rưỡi tôi lại bị “vỡ kế hoạch” vì không có kiến thức về kế hoạch hóa gia đinh. Phụ nữ thời chúng tôi “lên thớt” là cứ xoành xoạch. Tôi sợ, không dám phá thai. Cháu gái thứ hai ra đời trong cảnh nheo nhóc.

Tình yêu bắt đầu chuyển màu. Sao ông xã nhà mình bảo thủ thế, bất tài thế, lại còn luộm thuộm nữa chứ? Trong nhà xuất hiện chiến tranh: ầm ĩ, rồi chiến tranh lạnh. Nhiều lúc tôi muốn bỏ chồng, bỏ con, bỏ công việc mà đi đến một nơi xa, thật xa. Nhưng rồi nhìn những đứa con tội nghiệp, nhìn lại chồng mình, có thể anh còn nhiều mặt chưa được nhưng điều cơ bản nhất là anh vẫn thương yêu vợ con.

Các con lớn hơn một chút, xã hội cũng đổi thay từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, đời sống chúng tôi có phần đỡ hơn. Tôi tranh thủ ngoài giờ, thay vì nuôi lợn thì đi lấy hàng về đổ buôn. Ông xã cũng tranh thủ đi làm thêm ở các xưởng cơ khí. Bố mẹ đi làm vất vả, các cháu tự quản và bảo ban nhau học hành. Tôi học thuộc chân lý: “Khi lấy chồng, bạn hãy chọn một người hợp với mình. Nếu lấy phải người không hợp hãy làm cho người ấy thay đổi để hợp với mình. Nếu họ không thay đổi thì bạn phải tự thay đổi mình để hợp với người ấy”. Còn một điều nữa: “Hãy biết vươn lên để xây dựng cuộc sống nhưng đừng vượt quá sức mình, ham muốn ngoài khả năng cũng sẽ dẫn đến hạnh phúc tan vỡ”.

Các cháu lớn hơn, tôi cũng đi theo sát sao hơn. Có hôm vừa lên cơ quan, gọi điện về nhà không ai thưa máy, phi xe về tìm con khắp khu tập thể, cuối cùng túm được anh chàng ngồi trong quán điện tử mê mải đến mức mẹ đứng sau lưng 30 phút không hề hay biết. Bố mẹ mải làm ăn, cháu trai đang học trường cấp 2 chuyên vậy mà lên lớp 10 xếp loại học lực trung bình. Hoảng quá, tôi bỏ cả mối làm ăn bao nhiêu năm để về làm bạn học của con. Sáng gọi con dậy học bài, mẹ nấu bữa sáng cả nhà cùng ăn, trưa hai vợ chồng từ cơ quan về nhà ăn với các con, chiều cả nhà lại quây quần bên mâm cơm mặc dầu chồng tôi đã có công ty. Chồng và các con tôi có thói quen không thích ăn cơm hàng quán, cũng không thích ăn cơm một mình.

Sau 23 năm chung sống, điều hạnh phúc nhất đối với tôi đó là: mỗi lần ngồi vào mâm cơm, bố - con có thể nói: “Cơm mẹ ngon lắm”, khi tôi đi đâu xa các cháu đều nói: “Con có cảm giác như bố trực bên điện thoại để chờ mẹ gọi về”.

Hạnh phúc thật đơn sơ, có phải không các bạn.

V.T.T.H (Hà Nội)


XEM THỂ LỆ CUỘC THI

XEM TẤT CẢ BÀI VIẾT THAM DỰ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.