Hạnh phúc dưới tán rừng cao su bạt ngàn

10/11/2022 08:00 GMT+7

Dòng nhựa trắng trong những cánh rừng cao su của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) trên đất Campuchia đã mang đến cuộc sống ấm no cho nhiều người dân nước bạn. Đó là thành quả của bao năm khai phá, tạo lập thấm đẫm tình đất, tình người.

Giữa rừng cao su bạt ngàn của Công ty cao su Chư Sê - Kampong Thom, có một siêu thị hiện đại thu hút lao động Campuchia và người Việt xa quê đến mua sắm

Đình Phú

Tại buổi làm việc của lãnh đạo VRG tại Bộ Nông lâm - Ngư nghiệp Campuchia vào ngày 23.8 vừa qua, ông Veng Sakhon, Bộ trưởng Bộ Nông lâm - Ngư nghiệp Campuchia khẳng định rằng, VRG đã đóng góp lớn cho Campuchia phát triển kinh tế; đồng thời khen ngợi, đánh giá cao các đơn vị thành viên VRG đã nỗ lực đầu tư tại Campuchia và đạt được thành công nhất định trong thời gian qua.

“Việc đầu tư trồng cao su của VRG đã và đang tham gia góp phần rất nhiều cho Campuchia về việc phát triển kinh tế. Tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho gần 20.000 người dân ở vùng nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là tại các đơn vị thành viên VRG, cây cao su đã góp phần tăng độ che phủ đất rất nhanh cho diện tích đất hoang hóa, cải thiện môi trường, góp phần tích cực trong công tác xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện bộ mặt nông thôn tại Campuchia”, ông Veng Sakhon khẳng định.

Tại buổi làm việc này, ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc VRG bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc ông Veng Sakhon đã dành sự quan tâm, tình cảm cho VRG và ngành cao su. Tổng giám đốc VRG cũng đặc biệt chia sẻ lời cảm ơn sâu sắc nhất đến Thủ tướng Campuchia Hun Sen, và Bộ Nông lâm - Ngư nghiệp Campuchia đã ủng hộ, tạo điều kiện để các công ty cao su của VRG hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua tại Vương quốc Campuchia.

“Bà con cảm thấy phấn khởi, vui mừng”

Khi đến Campuchia vào giữa năm 2022, PV Thanh Niên không khỏi ngỡ ngàng trước những cánh rừng cao su mênh mông, xanh mướt. Nhìn dòng nhựa trắng đang vào độ thu hoạch, nhìn nụ cười tươi tắn của các công nhân Campuchia, có thể thấy bao năm tháng gian lao đã bắt đầu đơm hoa, kết trái.

Nhà ở công nhân giữa vùng dự án cao su của VRG tại Kampong Thom, miền Trung của Campuchia

Đình Phú

Tại xã Kraya, H.Santuk, tỉnh Kampong Thom - nơi VRG phát triển nhiều cánh rừng cao su đang kỳ thu hoạch, các công nhân người Campuchia liên hoan văn nghệ để đón một mùa vụ mới. Trời càng mưa to, anh chị em công nhân càng vui mừng vì coi mưa là điềm báo may mắn.

Trong điệu múa Apsara truyền thống của người Campuchia, anh Phùng Thế Phương, 36 tuổi, Giám đốc Nhà máy chế biến cao su Bà Rịa - Kampong Thom hào hứng nói về mục tiêu sản xuất trong những ngày đầu trở lại mùa vụ mới. Như các công nhân bản địa, anh Phương cũng tin rằng những ngày tốt đẹp hơn đang ở phía trước: “Theo nguyện vọng của công nhân người Khmer, em đã làm lễ cúng. Cúng xong, anh em sẽ nhảy múa mừng một mùa vụ mới thành công hơn nữa. Người ta nói ngày ra quân cạo mủ cao su (thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 2 năm sau, tháng 3 - 4 hằng năm là mùa cao su thay lá, không cạo mủ) càng mưa thì càng thành công hơn nữa”.

Để công nhân Campuchia yên tâm làm việc, VRG đặc biệt chú trọng công tác an sinh xã hội. Giữa rừng cao su xanh bạt ngàn, một ngôi trường đã được VRG xây dựng từ năm 2010 gồm 6 lớp tiểu học và 1 lớp mẫu giáo miễn phí cho con em công nhân. Học sinh được học theo chương trình giáo dục của Campuchia. Có 9 cô giáo trẻ tâm huyết dạy từng con chữ cho các em nhỏ. Bên cạnh mức lương theo quy định của ngành giáo dục địa phương, nhà máy Bà Rịa - Kampong Thom còn có một khoản kinh phí hỗ trợ thêm đều đặn hằng tháng để các giáo viên trẻ yên tâm công tác.

Anh Chao Việt Sa Na, nhân viên nhà máy Bà Rịa - Kampong Thom tâm tình: “Khi có trường học, bà con rất phấn khởi vì đa số công nhân xa xứ đến đây, trước đây đường sá khó khăn nữa. Khi VRG phát triển dự án cao su, và nhất là khi trường được thành lập, con em được học, bà con cảm thấy vui mừng”.

Dựng nên những mái nhà

Tại các công ty cao su của VRG ở Campuchia, chủ yếu công nhân là người địa phương. Thu nhập giai đoạn 2020 - 2021 bình quân trên dưới 8 triệu đồng/công nhân/tháng. Khi công nhân có năng suất cạo mủ cao su tăng lên, thu nhập tăng hơn 10 triệu đồng/tháng.

Trường học do VRG xây dựng ở Kampong Thom

Đình Phú

Ở các vùng dự án cao su của VRG trên đất bạn Campuchia, VRG không chỉ mở đường, kéo điện, hỗ trợ xây trường học, trạm y tế, mà còn xây dựng nhà ở cho công nhân, với tinh thần “an cư lạc nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội tại nơi dự án cao su đứng chân”. Điển hình, nhà máy Bà Rịa - Kampong Thom đã xây dựng hàng chục căn nhà gỗ, mỗi căn rộng 84 m2 và hơn 200 căn nhà cấp 4, mỗi căn rộng 70 m2 với đầy đủ điện, nước sinh hoạt. Người lao động, công nhân Campuchia được ở miễn phí.

Tại xã Boeng Lavea, H.Santuk, chúng tôi gặp chị Xin Sok Rhor, 22 tuổi, là thế hệ thứ hai gắn bó với rừng cao su của Công ty cao su Phước Hòa - Kampong Thom thuộc VRG. Theo mẹ vào rừng cao su từ nhiều năm trước, chứng kiến cây cao su từ khi mới được trồng, lớn lên chị Xin Sok Rhor đã phải lòng với miền đất nơi đây. “Cách đây hơn 10 năm em đến đây với mẹ khi công ty bắt đầu trồng mới. Lúc đó chỉ có 2 mẹ con thôi. Lúc đầu vào chỉ toàn là rừng hoang, khi cây cao su lớn là lúc có đường, có điện, có trường học, em thấy thay đổi nhiều lắm”.

Trong số 16 công ty thuộc VRG đang hoạt động tại Campuchia, Công ty cao su Chư Sê - Kampong Thom có diện tích khai thác lớn nhất, với hơn 16.268 ha trên địa bàn các tỉnh Kampong Thom, Siem Reap và Preah Vihear. Công ty đặt trụ sở tại H.Stoung, tỉnh Kampong Thom cũng đầu tư xây dựng 9 khu dân cư cho công nhân Campuchia. “Ở vùng dự án cao su, nếu muốn đảm bảo được hiệu quả công tác của công nhân Campuchia, thì mình phải xây dựng nhà ở tại chỗ, đầu tư xây dựng khu dân cư”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cao su Chư Sê - Kampong Thom chia sẻ.

Anh Some Suby, 37 tuổi, cùng vợ về sinh sống ở khu dân cư do Công ty cao su Chư Sê - Kampong Thom xây dựng đã được hơn 2 năm. Công việc chính của vợ chồng anh là thu hoạch mủ cao su và làm việc trong nhà máy chế biến. Không chỉ được cấp nhà, trả lương đầy đủ, anh Suby và vợ còn được cấp 40 kg gạo mỗi tháng để đảm bảo cuộc sống ổn định. “Vào công ty, tôi được giúp đỡ nhiều lắm. Có nhà, có gạo, tiền lương tháng đầy đủ, không thiếu”, anh Some Suby vui vẻ.

Ông Keo Non, Chủ tịch xã Popok, H.Stoung, nói với PV Thanh Niên: “Dự án của Công ty cao su Chư Sê - Kampong Thom đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Trước đây nền kinh tế địa phương nghèo. Khi có dự án cao su, bộ mặt địa phương, nền kinh tế - xã hội, đời sống của người dân tại đây đã thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, dự án cao su đã tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế việc đi làm xa nhà”.

Tận mắt chứng kiến những gia đình hăng say lao động, những ngôi trường vang tiếng trẻ thơ, những ngôi chùa hành lễ thành kính…, mới thấy cả một cộng đồng người dân bản địa đang ngày một hạnh phúc hơn giữa rừng cao su xanh tốt, nơi những dòng nhựa trắng không ngừng chảy. (còn tiếp)

TẠO ĐƯỢC LÒNG TIN CỦA NGƯỜI DÂN VÀ CHÍNH QUYỀN SỞ TẠI

Cuối tháng 8.2022, ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đến thăm và làm việc tại Văn phòng đại diện VRG tại Campuchia.

Thay mặt đoàn công tác, ông Lê Hoài Trung đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các công ty cao su trực thuộc VRG tại Campuchia trong thời gian qua. Các công ty bước đầu đã đi vào ổn định, sản xuất có hiệu quả, tạo được lòng tin của người dân và chính quyền sở tại. Qua đó đã ngày một tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, tin cậy giữa doanh nghiệp và cộng đồng, mang đến lợi ích về cơ sở hạ tầng cho các vùng dự án và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.