Huân chương Sao Vàng mà Đảng, Nhà nước tặng thưởng cho Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), như một minh chứng khẳng định thành quả đóng góp của ngành. VRG là tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 4 toàn cầu, đứng thứ 3 về xuất khẩu cao su thiên nhiên và năng suất vườn cây đứng đầu trong các nước sản xuất cao su thiên nhiên. Các thế hệ cán bộ, người lao động ngành cao su đã xây dựng và cống hiến, vượt qua khó khăn và gian khổ, hồi sinh những vùng đất hoang vu, đầy bom đạn bởi chiến tranh thành những cánh rừng cao su bạt ngàn trải rộng ở 34 tỉnh, thành từ miền Đông Nam bộ, Tây nguyên, Duyên hải miền Trung, khu vực miền núi phía Bắc và 2 nước bạn Lào, Campuchia. Hoạt động của ngành cao su không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần giữ gìn an ninh quốc phòng và đảm bảo an sinh xã hội, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa…
Điểm sáng xuyên suốt
Riêng ở Campuchia, VRG có 16 đơn vị thành viên trồng, quản lý, khai thác khoảng 90.000 ha cao su, mà trước đó bắt đầu trồng từ năm 2007. Hầu hết địa bàn phát triển dự án cao su thiên nhiên ở Campuchia đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nước bạn giáp với Việt Nam. Trong hành trình cao su Việt ở Campuchia, có những giai đoạn, nói như lời Đại sứ Nguyễn Huy Tăng, là rất gian nan, vất vả và gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền 2 nước, mọi khó khăn từng bước được tháo gỡ và gặt hái thành công, khi có gần 100% diện tích cao su ở Campuchia đã cho thu hoạch, năng suất tốt, có lợi nhuận chuyển về nước.
Từ những ngày đầu khai phá, dựng xây, phát triển các vùng đất mới ở Campuchia, VRG thành lập văn phòng đại diện tại Phnom Penh (hiện nay do Oknha Leng Rithy làm trưởng văn phòng) và thành lập Ban chỉ đạo cao su VRG tại Campuchia. Trưởng ban chỉ đạo này hiện nay là ông Trương Minh Trung, Phó tổng giám đốc VRG.
Hội nghị giao ban kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của các dự án cao su tại Vương quốc Campuchia, được VRG tổ chức ở trụ sở Công ty cao su Chư Sê Kampong Thom (tỉnh Kampong Thom) vào cuối tháng 7.2023. Tại hội nghị này, ông Trương Minh Trung đánh giá các đơn vị thành viên VRG triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm trong điều kiện nền kinh tế Campuchia giữ vững ổn định vĩ mô; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao khiến cho giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, gây khó khăn cho chuỗi tiêu thụ toàn cầu dẫn đến giá bán mủ cao su giảm sâu (có thời điểm giảm dưới 30 triệu đồng/tấn mủ cao su), không thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh. Đây là khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các đơn vị trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch được giao.
Trước tình hình đó, VRG, Thường trực Ban chỉ đạo cao su VRG tại Campuchia đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí không cần thiết để giảm giá thành, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi. Theo đó, ước sản lượng khai thác cả năm 2023 khoảng 136.454 tấn (đạt 103,96% kế hoạch năm 2023); ước giá bán bình quân 32,56 triệu đồng/tấn (đạt 90,44% giá bán kế hoạch năm); ước tổng lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 khoảng 586 tỉ đồng...
Một điểm sáng xuyên suốt trong hành trình cao su Việt ở Campuchia, là trong bất kỳ bối cảnh nào, các đơn vị thành viên VRG đều đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho công nhân lao động. Theo quy định của nước sở tại, với các dự án phát triển cao su, 100% công nhân lao động đều là người tại chỗ. Ở nhiều đơn vị, có lao động nước sở tại tham gia cấp quản lý.
Tổng số lao động của các đơn vị tính đến ngày 30.6.2023 hơn 17.000 người (nhiều hơn 1.500 người so với cùng kỳ năm 2022), trong đó lao động trực tiếp 15.906 người, lao động gián tiếp 1.280 người. Các đơn vị thành viên đã chủ động trong thu tuyển, đào tạo lao động để đảm bảo phục vụ mùa cạo mới, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản lượng VRG giao năm 2023. Các đơn vị thực hiện chi trả lương đầy đủ, kịp thời cho người lao động, thu nhập bình quân của công nhân cao su 6 tháng đầu năm đạt khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Mức lương này sẽ tăng tỷ lệ thuận trong những tháng cuối năm khi sản lượng khai thác mủ cao su bước vào cao điểm.
Đảm bảo công tác tổ chức hoạt động lâu dài
Theo Thường trực Ban chỉ đạo cao su VRG tại Campuchia, các đơn vị thành viên tiếp tục thực hiện rà soát, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp công ty xuống nông trường phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị và trên tinh thần tiết giảm định biên, tinh gọn, hoạt động bộ máy hiệu quả.
Một số đơn vị thành viên có việc điều động, bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc như Phước Hòa K, Tây Ninh Siem Reap, Hoàng Anh Mang Yang K đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Trong đó, Phước Hòa K tiếp tục thực hiện sắp xếp củng cố tổ chức bộ máy tổ đội tại các đơn vị trực thuộc phù hợp với điều kiện sản xuất của đơn vị. Thực hiện điều động, bổ nhiệm cán bộ để phù hợp hơn với công việc chuyên môn. Kiên quyết chấm dứt hợp đồng lao động đối với các công nhân vi phạm nghiêm trọng nội quy lao động.
Công ty Tây Ninh Siem Riep: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đơn vị chú trọng nâng cao. Tuy đơn vị đang trú đóng ở nước bạn Campuchia với vị trí cách khá xa Việt Nam, nhưng luôn tạo mọi điều kiện cho cán bộ, công nhân viên, lao động về Việt Nam học tập, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị khi các đơn vị cấp trên tổ chức phát động.
"Lãnh đạo nước bạn ghi nhận và đánh giá rất cao"
"Cho đến hôm nay thì các doanh nghiệp cao su chúng ta đều đã có những thành công nhất định. Nhiều doanh nghiệp cũng đã thu hoạch được sản lượng cao su tương đối cao, có những doanh nghiệp thì gần như đã trả xong nợ vay" - Đại sứ Nguyễn Huy Tăng khẳng định: "Như vậy, các doanh nghiệp chúng ta nhìn lại là đã đi đúng hướng và chúng ta đã bảo đảm được lợi ích của doanh nghiệp nói chung và của đất nước chúng ta, góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội nước sở tại, cũng như quan hệ của 2 nước Việt Nam - Campuchia".
Theo đánh giá của đại sứ Nguyễn Huy Tăng, trong 16 năm phát triển cao su thiên nhiên ở Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam (chủ lực là VRG) bên cạnh bảo đảm lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng đã thực hiện nghiêm túc các chính sách đóng thuế cho nhà nước Campuchia, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, lãnh đạo Campuchia đều nhìn nhận và ghi nhận, cũng như đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp cao su của Việt Nam. Lãnh đạo nước bạn đều nhìn nhận rằng, nhờ các doanh nghiệp cao su như vậy ở các địa phương, mà ở những vùng sâu, vùng xa đã tạo ra được những cơ hội cũng như nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội.
"Phải nói là lãnh đạo nước bạn cũng ghi nhận và đánh giá rất cao đến sự đóng góp của các doanh nghiệp cao su chúng ta vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước Campuchia trong những năm vừa rồi", Đại sứ Nguyễn Huy Tăng chia sẻ.
(còn tiếp)
Bình luận (0)