Hành trình cuối cùng của Nữ hoàng Elizabeth II

13/09/2022 07:10 GMT+7

Cuộc hành trình cuối cùng của Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã bắt đầu từ lâu đài Balmoral đến Edinburgh, thủ phủ Scotland, trước khi linh cữu được đưa về London và chôn cất tại Nhà nguyện St George ở Lâu đài Windsor.

Chiều 11.9 (giờ VN), đoàn xe chở linh cữu được phủ cờ hoàng gia Scotland của Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã khởi hành từ lâu đài Balmoral ở vùng nông thôn Scotland đến Edinburgh. Cuộc hành trình kéo dài 6 giờ, đi qua những làng mạc, thị trấn nhỏ và thành phố của Scotland. Hàng chục ngàn người đứng dọc trên đường để bày tỏ lòng kính trọng và tiễn đưa vị quân chủ quá cố. Công chúa Anne, con gái duy nhất của Nữ hoàng và Hoàng thân Philip, hộ tống linh cữu suốt chặng đường đầu tiên của cuộc hành trình đưa di hài Nữ hoàng về London, theo báo The Guardian.

Đám đông đứng dọc theo con đường nơi đoàn xe chở linh cữu đi qua ở Edinburgh

Reuters

Đến đêm 11.9, linh cữu đến Edinburgh, thủ phủ xứ Scotland, trong sự tập trung đông đảo người dân và được đưa vào cung điện Holyroodhouse để qua đêm tại đây. “Tôi không nghĩ rằng Nữ hoàng có thể băng hà. Tôi từng nghĩ rằng bà ấy sẽ sống vĩnh viễn với con dân”, Reuters dẫn lời cô Rachel Lindsay, 24 tuổi.

Chiều qua 12.9, Vua Charles III và Vương hậu Camilla đã đến nghị viện Anh trong chuyến đi chính thức trên ngai vàng xứ Anh. Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle và Chủ tịch Thượng viện John McFall đại diện lưỡng viện quốc hội Anh bày tỏ sự chia buồn trước sự mất mát to lớn của nhà vua. Nghi thức truyền thống này diễn ra tại Westminster Hall, khu vực cổ xưa nhất của tòa nhà quốc hội Anh.

Linh cữu Nữ hoàng Elizabeth được đưa đến Cung điện Holyroodhouse ở Scotland

Sau đó, Vua Charles III và Vương hậu Camilla bay đến Edinburgh, tham dự sự kiện tang lễ của Nữ hoàng tại Scotland. Đến đêm qua (giờ VN), lễ rước linh cữu được bắt đầu từ cung điện Holyroodhouse đến Vương cung thánh đường St Giles. Vua Charles III dẫn đầu đoàn gồm các thành viên của hoàng gia đi bộ sau linh cữu. Đúng 20 giờ 55, linh cữu được đưa vào nhà thờ, và vương miện Scotland được đặt bên trên linh cữu. Thủ tướng Anh Liz Truss cũng có mặt tại sự kiện nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với nhà vua. Lễ viếng trong vòng 24 giờ cũng được bắt đầu sau khi các thành viên hoàng gia hoàn tất nghi thức tại đây.

Sau đó, Vua Charles III quay lại cung điện Holyroodhouse để gặp Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon. Đến nửa đêm, Vua Charles III và Vương hậu Camilla tham dự nghi thức chia buồn truyền thống ở nghị viện Scotland. Kế tiếp, lễ vọng tại Vương cung thánh đường St Giles cũng được tổ chức vào rạng sáng 13.9.

Hôm nay, linh cữu sẽ được đưa lên máy bay về London cho tang lễ tại đây. Theo thông tin chính thức về tang lễ, linh cữu của Nữ hoàng sẽ được đặt ở Westminster Hall thuộc tòa nhà quốc hội Anh, cho phép người dân đến viếng từ 22 giờ ngày 13.9. Đến ngày 19.9, Vương quốc Anh chính thức tổ chức quốc tang cho Nữ hoàng Elizabeth II tại Tu viện Westminster. Sau đó, Nữ hoàng Anh sẽ được an nghỉ bên cạnh cha mẹ bà tại Nhà nguyện St George ở Lâu đài Windsor. Mộ phần của cố Hoàng thân Philip, phu quân của Nữ hoàng, cũng được chuyển đến đó.

Người Việt trẻ tại Anh: Lo lắng về những thay đổi sau khi Nữ hoàng Anh qua đời

Truyền cảm hứng cho các thế hệ

Sinh ngày 21.4.1926, Nữ hoàng Elizabeth II trị vì Vương quốc Anh từ ngày 6.2.1952 cho đến khi bà qua đời vào ngày 8.9 vừa qua. Bà trị vì trong 70 năm 214 ngày, là thời gian trị vì lâu nhất so với bất kỳ vị vua nào của Anh. Đồng hành với người bạn đời Hoàng tế Philip, bà đã tận dụng ảnh hưởng của hoàng gia để góp phần phát triển nước Anh từ một cường quốc suy giảm trở thành một quốc gia đa văn hóa tiến bước về phía trước. Một điều mà ít người biết là phần quan trọng trong lễ đăng quang ngày trước, Nữ hoàng Elizabeth II thực hiện nghi thức thời trung cổ là khỏa thân để xức dầu. Đây là một đặc trưng cho thấy đối với Nữ hoàng thì việc bà đăng quang không chỉ đến từ việc thừa kế của dòng tộc mà là một chọn lựa của bề trên. Trong tâm trí của Nữ hoàng Elizabeth II, vương quyền là một nghĩa vụ thiêng liêng và vĩnh viễn. Khi bà đăng quang, thủ tướng lúc đó của Anh quốc là Winston Churchill. Trong các nhiệm vụ sau cùng đối với chính quyền Anh, bà đã tiếp nhận đơn từ chức của ông Boris Johnson, rồi sau đó là bổ nhiệm bà Liz Truss làm người kế nhiệm. Trong suốt 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã tư vấn cho 15 đời thủ tướng Anh, gặp gỡ 12 tổng thống Mỹ, cho phép hơn 600 tổ chức từ thiện mượn tên của bà để hoạt động và nuôi hơn 40 chú chó Pembrokeshire Welsh Corgi yêu quý. Giờ đây, Nữ hoàng Elizabeth II khiến nhiều người đau buồn. Đồng thời, thông qua sự thể hiện uy quyền đầy cuốn hút nhưng cũng rất khiêm tốn, cũng đã truyền cảm hứng cho các thế hệ sau bằng phẩm giá, sự khôn ngoan, tính kiềm chế, sự cam kết với đất nước và ý thức kiên định về nghĩa vụ của từng cá nhân.

TS C.J.Jenner (Học giả về lịch sử quốc tế, Đại học Oxford, Anh) (Hoàng Đình thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.