Huyện Lộc Ninh (Bình Phước) là một trong những cửa ngõ giao thương quan trọng với Campuchia. Khu vực giáp ranh với nước bạn hiện có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống (S’tiêng, Khmer, Nùng...). Với nhiều người dân vùng biên, để kiếm mớ tôm cá và cả niềm vui, họ không ngại lặn lội đường xa và ngồi suốt hàng giờ đồng hồ buông cần.
“Hành trình” đi... câu
Kết thúc ca trực bảo vệ trong nông trường cao su, ông Vũ Duy Hải, 48 tuổi (xã Lộc Hòa, H.Lộc Ninh) lật đật về nhà “chế biến” mồi câu. Chiều nay, ông dự định sẽ cùng vài bạn câu trong xóm chạy xe ra gần đường biên giới với Campuchia.
Ông Vũ Duy Hải lùng sục khắp nơi để câu cá
|
“Mồi còn quan trọng hơn... thức ăn của tui. Mồi phải đầy đủ gia vị cá mới cắn câu”, ông Hải vừa nói, tay vừa đều đặn nhồi cục bột to bằng nắm tay. Chừng một tiếng sau mới xong, ông giơ 2 cục bột lên rồi đặt sát mũi ngửi ngửi, ra vẻ đắc ý: “Chậc chậc! Bữa nay mồi... ngon quá, coi bộ sẽ có chuyến đi thành công đây!”.
Chúng tôi tiếp tục lên đường. Xe chạy tới đâu đất bụi mịt mùng tới đó. Cây cỏ trơ trụi quanh con đường tuần tra biên giới và lâu lâu mới bắt gặp bác nông dân nào đó đang chỏng chơ giữa ruộng đồng.
Rồi cũng tới nơi. Dựng xe, ông Hải bươn hết qua rừng cao su, rồi bươn tiếp qua bụi tre già để tìm vị trí ngồi câu. “Đây là con suối chảy qua cầu Bông, nắng nôi không biết chứ mùa mưa cá nhiều lắm”, ông nói.
Nhồi mồi câu phải thật đều tay để nguyên liệu hòa lẫn vào nhau
|
Buông cần giữa một đập nước ở biên giới
|
Chui rúc một hồi, cuối cùng ông cũng “săn” được chỗ đắc địa buông cần. Nhưng sau 5 phút rồi 10 phút... đến cả tiếng trôi qua vẫn chưa được chú cá nào to ra hồn, ông Hải thờ thẩn chui ra, mặt tiu nghỉu: “Nay sao xui quá, nãy giờ được hai con cá cỡ... ngón tay cái thôi. Giờ chắc về ra đập nước gần nhà kiếm ít cá trắng cho vợ tui nấu cơm”.
Rồi ông Hải kể hiện nay người ta dùng xung điện chích cá quá nhiều khiến miếng ăn tưởng chừng dễ kiếm nhất cũng thành khó. Ngày nào ông cũng lùng sục khắp nơi để tìm chỗ câu. “Tui đi mỗi ngày chỉ đủ cho vợ chiên xù có thêm đĩa thức ăn chứ nhiều tới mức đem bán hơi bị hiếm”, ông Hải thở dài thượt một tiếng rồi tiếp tục hành trình.
|
Câu cá là thú vui và để cả những bữa cơm thêm ngon với nhiều người dân vùng biên
|
Trốn việc vì... mê câu
Ông Nguyễn Văn Hùng (59 tuổi, quê Quảng Ngãi) cùng vợ vào Bình Phước mưu sinh bằng nghề bán hủ tiếu gõ ở ấp 8C, xã Lộc Hòa (H.Lộc Ninh). Cứ trời xế chiều ông lại... trốn vợ, len lén vác cần đi câu cá.
“Vợ tui biết nhưng không la rầy gì đâu. Sống nơi xứ người, việc này dường như là niềm vui duy nhất của tui”, ông Hùng cho hay. Ông kể mình mê câu tới mức lúc nào cũng... nhớ tới cảnh giật được con cá to tướng. Hay tìm đủ mọi cách để làm mồi câu thiệt ngon dụ cá.
Khung cảnh bình yên ở biên giới vào buổi chiều
|
Tôi ghé thăm gia đình ông vào một chiều mưa. Vợ ông Hùng lúc này đang ngồi vất vưởng trước hiên nhà nghỉ mệt. Bà kể có lúc làm “hộc xì dầu” vì khách đông nhưng cũng cảm thông cho chồng mình.
“Thà ổng mê... câu cá, chứ mê cái khác chưa chắc tui chịu đâu (!?) Với lại bữa trúng cá to vợ chồng lại được bữa cơm ngon”, vợ ông Hùng nhe răng cười khì khì khi nhắc đến chồng.
Còn ông Sáu Nam (53 tuổi, ngụ H.Lộc Ninh) bình thường làm nghề thợ xây. Ngày nào ông Nam cũng xin chủ công trình về sớm vài tiếng để vác cần đi câu. “Có hôm cá ăn nhiều nên tui ngồi tới nửa đêm luôn. Bà vợ ở nhà tưởng... gặp chuyện nên gọi mười mấy cuộc mà tui không hay. Bữa đó về nhà bả la tui quá trời”, ông Nam nhớ lại kỷ niệm nhớ đời vì “tội” mê câu.
Bình luận (0)