img

Chỉ nửa năm sau sự kiện rung chuông lịch sử trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ), hãng xe điện VN đã có một hành trình ngoạn mục tới Mỹ, Canada và châu Âu; Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan...

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 1.

Những ngày đầu năm 2024, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới VN, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thăm tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện hàng đầu thế giới của VinFast tại Hải Phòng. Ngồi bên cạnh tay lái của Tổng giám đốc VinFast Toàn cầu Phạm Nhật Vượng, Tổng thống Indonesia bày tỏ rất ấn tượng với chất lượng, đẳng cấp của các dòng xe VinFast, đồng thời cho biết sẽ tạo điều kiện để VinFast sớm hoàn tất các thủ tục đầu tư sản xuất, kinh doanh tại thị trường Indonesia.

Một tháng sau, ngày 15.2, VinFast Auto lần đầu tiên giới thiệu đến thị trường dải xe điện tay lái nghịch trong khuôn khổ sự kiện Triển lãm Ô tô quốc tế Indonesia (IIMS) 2024. Tại sự kiện, đích thân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tham quan và ký tặng lên mẫu xe VinFast VF 5 trưng bày tại gian hàng của VinFast. Biên bản ghi nhớ về việc cung cấp 600 xe điện cho 3 doanh nghiệp (DN) Indonesia cũng chính thức được ký kết. Hãng xe điện VN đã nhận hàng trăm đơn đặt cọc từ nhóm khách hàng cá nhân. Theo kế hoạch, VinFast sẽ đầu tư tối thiểu 1,2 tỉ USD vào Indonesia trong dài hạn. Song song với việc phân phối các dòng xe nhập khẩu từ VN trong giai đoạn đầu, VinFast sẽ đầu tư 200 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện với sản lượng dự kiến lên đến 30.000 - 50.000 xe/năm tại Indonesia. Nguồn tin từ báo giới nước này cho biết nhà máy 200 triệu USD đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng, dự kiến khởi công ngay trong năm 2024.

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 2.

VinFast chính thức động thổ nhà máy xe điện tại Ấn Độ vào 2.2024

Độ "chịu chơi" của tỉ phú Phạm Nhật Vượng thực sự khiến không ít các "ông lớn" trên thế giới phải kiêng dè, bởi chỉ trước đó chưa đầy nửa năm, VinFast đã chính thức khởi công nhà máy đầu tiên tại hạt Chatham, bang Bắc Carolina (Mỹ) với quy mô 733 ha, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỉ USD. Màn chào sân ấn tượng tại Mỹ cùng bước đà quan trọng tại Indonesia chưa kịp hạ nhiệt, hãng xe điện Việt lại tiếp tục làm "dậy sóng" đất nước tỉ dân khi chính thức động thổ nhà máy xe điện tích hợp đầu tiên tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Sự kiện diễn ra vào ngày 25.2, nghĩa là đúng ngày cuối cùng kết thúc IIMS 2024. Nhà máy sản xuất xe điện tích hợp tại Ấn Độ có quy mô 160 ha, tọa lạc tại khu công nghiệp của Tổng công ty Xúc tiến công nghiệp Tamil Nadu (SIPCOT) ở Thoothukudi, miền nam bang Tamil Nadu. Dự án có tổng đầu tư ban đầu 500 triệu USD trong vòng 5 năm, công suất dự kiến 150.000 xe/năm, tạo cơ hội việc làm cho 3.000 - 3.500 người dân. Ấn Độ là thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới. Vì thế, việc đầu tư xây dựng nhà máy tại bang Tamil Nadu không chỉ mở ra cơ hội lớn cho VinFast trên trường quốc tế mà còn khẳng định tầm vóc toàn cầu của hãng xe điện này.

Mới nhất, VinFast Auto tiếp tục công bố sẽ tham dự Triển lãm Ô tô quốc tế Bangkok lần thứ 45 (BIMS 2024) từ ngày 26.3 tới, đánh dấu cột mốc chinh phục thị trường xe điện hàng đầu Đông Nam Á. Đây được đánh giá là bước đi đầy thách thức của tỉ phú Phạm Nhật Vượng bởi Thái Lan được mệnh danh là "kinh đô ô tô - Detroit của châu Á", nằm trong top 10 quốc gia sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Lăn bánh tới Thái Lan, những chiếc xe VinFast sẽ phải chạm trán với đối thủ cực mạnh là các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc lớn như BYD và Great Wall Motor. Các hãng Trung Quốc chiếm tới 80% thị phần xe điện nước này với các mẫu xe phổ biến đến từ NETA, BYD, Wuling, MG, GWM…

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 3.

Đại diện VinFast và các đối tác tại triển lãm IIMS 2024

Tuy nhiên, bà Vũ Đặng Yến Hằng, Tổng giám đốc VinFast Thái Lan, khẳng định đây là thị trường đầy tiềm năng bởi nhu cầu phát triển xe điện đang gia tăng mạnh mẽ và được thúc đẩy bởi hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Theo dự báo của Hiệp hội Xe điện Thái Lan, doanh số xe điện tại thị trường này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay và VinFast sẽ nắm bắt cơ hội từ làn sóng chuyển đổi nhanh chóng này.

Cũng trong những ngày nóng bỏng cuối tháng 3, thương hiệu xe điện đầu tiên của VN đã ký kết thỏa thuận với Jospong Group of Companies, tập đoàn đa ngành hàng đầu Ghana, để phân phối ô tô điện, xe máy điện, xe đạp điện và cả xe buýt điện khu vực Châu Phi.

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 4.

Nhà máy VinFast tại Mỹ

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 5.

Không chỉ đưa thương hiệu xe điện Việt vươn tầm quốc tế, VN còn trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xuất khẩu dịch vụ di chuyển xanh khi Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh GSM (Green & Smart Mobility) khai trương dịch vụ taxi điện đầu tiên tại Lào. Còn nhớ ngày 14.4.2023, những chiếc taxi điện thương hiệu Xanh SM đồng loạt "đổ bộ" đường phố Hà Nội, đánh dấu sự gia nhập chính thức của GSM vào thị trường taxi quy mô hơn 440 triệu USD đã gây tò mò xen lẫn sự tự hào kỳ vọng của nhiều người dân thủ đô. Không lâu sau đó, taxi xanh đã tiến vào miền Nam, miền Trung… Vị thế của taxi Xanh SM ngày càng rõ nét khi cán mốc 6 triệu khách hàng chỉ sau 5 tháng "trình làng", đạt tốc độ tăng trưởng hiếm có. Đây cũng được coi là tiền đề vững chắc để taxi xanh tiến quân ra Đông Nam Á, khởi đầu công cuộc chinh phục thế giới.

Cũng thần tốc như tại VN, những chiếc taxi xanh nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân xứ triệu voi. Ngay trong tháng đầu tiên, ứng dụng Xanh SM Laos đã thu hút hơn 200.000 lượt tải, đồng thời nhanh chóng vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng "app miễn phí", hạng mục App du lịch trên App Store và Google Play. Đại diện DN này cho biết Xanh SM Lào sẽ tiếp tục nối dài "hành trình xanh" tới các tỉnh, thành phố khác như Luang Prabang, Champasak... trong các giai đoạn tiếp theo.

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 6.

GSM vừa ra mắt nền tảng Xanh SM Platform dành cho các tài xế xe điện VinFast vào ngày 6/3/2024

Thực tế, chiến lược quốc tế hóa đã được GSM thai nghén ngay từ những ngày đầu thành lập. Chia sẻ với báo chí hồi tháng 5.2023, ông Nguyễn Văn Thanh, CEO GSM, tiết lộ nền tảng gọi xe do tỉ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư sẽ sớm hiện diện tại Lào, Campuchia, Philippines, Malaysia và Singapore. Trong "cuộc viễn chinh" này, GSM có một lợi thế độc quyền khi là hãng gọi xe thuần điện duy nhất trong khu vực. Nghiên cứu do Mordor Intelligence công bố cuối năm 2022 cho thấy, châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là thị trường lớn nhất cho taxi điện. GSM sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhóm khách hàng cấp tiến, theo đuổi lối sống xanh.

Xuất ngoại chỉ sau 6 tháng ra mắt, GSM đang cho thấy bản lĩnh cũng như dáng dấp của một start-up gọi xe quốc tế, đồng thời sở hữu nhiều lợi thế khi cạnh tranh sòng phẳng với những tên tuổi lớn như Grab, Gojek để định hình lại thị trường gọi xe tại Đông Nam Á.

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 7.

Taxi điện VinFast lăn bánh tại Lào

Quan sát hành trình của VinFast, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận xét: Đây là DN dám làm, dám chấp nhận rủi ro của người tiên phong để khẳng định thương hiệu cũng như hình ảnh đất nước, hình ảnh VN. Ngành công nghiệp ô tô của VN, so với thế giới, đã đi sau rất dài. Ngay cả với thị trường Lào, văn hóa sử dụng ô tô cũng đã đi trước VN. Xe VinFast cùng dịch vụ taxi Xanh SM mới ra đời, không chọn cách theo sau, cạnh tranh cùng phân khúc mà "đánh" luôn vào thị trường mới nhất, vào công nghệ đẳng cấp nhất của loài người là xe điện, dịch vụ xanh. Điều này chứng tỏ DN rất tự tin vào thực lực, vào xu hướng xanh của thế giới, cũng như đã phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện cho các cuộc đấu này. Những yếu tố này hợp lại với nhau thì có thể tạo nên chiến thắng.

"Xe điện, dịch vụ taxi điện là xu hướng của thời đại, cực kỳ có triển vọng trên toàn thế giới. Xu hướng này sẽ phát triển rất nhanh, rất mạnh. Tại khu vực Đông Nam Á, GSM đang là DN đi đầu trong lĩnh vực dịch vụ này nên nếu đi được nhanh, đón đầu được xu thế thì sẽ có ưu thế rất tốt trong tương lai. Với những lợi ích thiết thực, to lớn, những DN như GSM, VinFast cần sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt tinh thần của người tiêu dùng, theo sau là sự hỗ trợ về mặt chính sách. Đây không chỉ là thương hiệu của một DN mà còn là hình ảnh đại diện của VN đi ra thế giới", PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 8.

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 9.

Mới đây, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã được vinh danh trong Top 50 người có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, do Tạp chí MotorTrend, một trong những tạp chí về ô tô uy tín của Mỹ, công bố. Danh sách MotorTrend Power List được tạp chí Mỹ công bố hằng năm, vinh danh những nhân vật có ảnh hưởng đặc biệt tới ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. MotorTrend cho rằng Top 50 nhân vật trong danh sách "Power List" có tác động lớn tới những thay đổi trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu 2023.

Theo đánh giá của tạp chí ô tô hơn 70 năm tuổi và có uy tín hàng đầu thế giới, VinFast, nhà sản xuất xe điện VN, đang mở rộng nhanh chóng trên thị trường toàn cầu, bao gồm thị trường Mỹ - nơi có tính cạnh tranh cực cao. Tỉ phú Phạm Nhật Vượng thể hiện rõ sự quyết liệt khi đảm nhận vai trò CEO, đẩy mạnh sản xuất dải xe điện toàn diện và mở rộng mạng lưới đại lý tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

VinFast cũng thể hiện rõ tham vọng toàn cầu khi đang xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina (Mỹ). Ngoài ra, nhà sản xuất xe điện VN vừa tổ chức lễ động thổ nhà máy tại Tamil Nadu (Ấn Độ) và công bố kế hoạch xây nhà máy tại Indonesia. "Ông Phạm Nhật Vượng không tỏ dấu hiệu nào cho thấy ông muốn giảm đầu tư vào xe điện", MotorTrend nhận định về Chủ tịch Vingroup và CEO VinFast.

"Cách thức ông Vượng làm đối với một thương hiệu xe hơi non trẻ khiến trong giới trầm trồ", chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần giải thích. 

Dẫn triết lý giản dị là "không làm bây giờ thì sẽ làm khi nào", chuyên gia Robert Trần nói thẳng, không thể kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài nào vào VN để xây dựng thương hiệu, biểu tượng cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Chỉ có người Việt tự thân vận động là chủ yếu. Minh chứng là các tập đoàn xe lớn của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… vào VN từ rất sớm nhưng ngành công nghiệp ô tô của chúng ta vẫn loay hoay mãi. "Các hãng ô tô nước ngoài đến VN từ đó đến nay chủ yếu tạo công ăn việc làm, lợi nhuận chuyển về nước, không có sự chuyển giao công nghệ, việc xây dựng một biểu tượng Việt trên bản đồ ô tô thế giới lại càng không. Thế nên, nói gì thì nói, những gì mà VinFast đã làm được, chứng tỏ một khát khao đến mãnh liệt của người Việt, đưa biểu tượng công nghiệp ra thế giới. Cho dù đâu đó có những tâm lý hoài nghi về sự thành công, song có sự thành công nào mà không trả giá? Cách VinFast đã bước ra thế giới và tốc độ mở rộng thị trường là những bước đi nhanh, táo bạo và đúng với tôn chỉ họ đưa ra từ đầu", ông Robert Trần nói.

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 10.

TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, mới đây có một bài viết dài đăng trên một tạp chí của quốc đảo này, cho rằng dịch vụ gọi xe Xanh SM (tên quốc tế: GreenSM) đã nhanh chóng mở rộng tại VN nhờ cung cấp việc làm ổn định hơn, chi phí thấp hơn cho tài xế và đạt được sự hài lòng cao từ phía khách hàng. Bài báo phân tích GSM có nhiều lợi thế. Đầu tiên, GSM đối xử với các tài xế như nhân viên chứ không phải là nhà thầu, tài xế được hưởng mức lương cố định hằng tháng, tiền thưởng hiệu suất và các lợi ích khác như 4 ngày nghỉ hưởng lương mỗi tháng, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Thứ hai, trong khi các tài xế Grab phải bỏ ra khoản đầu tư ban đầu để mua xe riêng mới có thể tham gia nền tảng, thì các tài xế của Xanh SM không phải chịu gánh nặng chi phí này vì phương tiện họ lái đều thuộc sở hữu của công ty. Thứ ba, về chi phí vận hành, tài xế Grab không những phải tự trang trải chi phí khấu hao cho phương tiện của mình mà còn phải đối mặt với chi phí xăng dầu, bảo dưỡng cao. Trong khi đó, chi phí chính mà tài xế Xanh SM phải chịu là phí sạc pin cho xe, có thể chỉ bằng 1/3 chi phí xăng dầu của ô tô truyền thống…. "Dù còn khá "trẻ" nhưng Xanh SM đang cho thấy tiềm năng đầy hứa hẹn bằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Nếu công ty tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại thì Xanh SM có thể sẽ truất ngôi Grab tại thị trường VN. Đây sẽ là một thành tựu lớn của VinFast cũng như Vingroup, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất VN", bài báo viết.

Hành trình ra thế giới thần tốc của xe điện Việt- Ảnh 11.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.