Hành trình tới nhiều miền đất lạ

07/12/2014 03:15 GMT+7

Nền văn hóa Nam bộ dung dị mà sâu lắng đã đánh thức tình yêu quê hương của chàng hướng dẫn viên du lịch Hồ Nhật Quang và thôi thúc anh phải làm điều gì đó cho quê hương.

 Anh Hồ Nhật Quang (giữa) cùng đạo diễn sân khấu Tấn Phát và nghệ sĩ Kim Hương trong một buổi tọa đàm văn hóa
Anh Hồ Nhật Quang (giữa) cùng đạo diễn sân khấu Tấn Phát và nghệ sĩ Kim Hương trong một
buổi tọa đàm văn hóa

Chữ “duyên” với văn hóa xưa

Tốt nghiệp ngành Nhật ngữ, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, niềm đam mê du lịch hướng Quang vào những chuyến hành trình tới nhiều miền đất lạ. Hành trình thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh chính là một cuốn sách nhỏ mang tựa đề Bí mật vua Solomon và buổi diễn thuyết về chuyện khóc cười trên sân khấu của GS Trần Văn Khê năm 1995.

“Câu chuyện về vị vua và cách đối nhân xử thế tồn tại gần 3.000 năm trước, nhưng nhiều bài học trong đó khiến tôi nhận thức được nhiều điều và quyết tâm sắp xếp lại cuộc sống của mình. Còn vinh hạnh được nghe thầy Khê nói chuyện cũng khiến tôi thích thú hơn về nền văn hóa quá hay, quá đẹp của VN. Tôi bắt đầu tìm hiểu, bằng cách tham dự nhiều buổi trò chuyện của thầy Khê và các vị học giả khác”, Quang mở đầu câu chuyện của mình.

Tính đến nay, Quang đã có hơn chục năm nghiên cứu về văn hóa xưa và nay của Nam bộ và thành lập trang “Solomon Vietnam” để đăng những tư liệu anh thấy hay thấy quý. Gặp anh chàng cao to có nụ cười thật hiền và giọng nói trầm ấm này, hiếm ai không bị cuốn hút vào những câu chuyện anh kể, trong rất nhiều lĩnh vực. Anh nói rằng để truyền lửa cho thế hệ trẻ như mình, tổ chức tại bảo tàng tư gia GS Khê mới mấy tháng, nhưng những chuyên đề anh chọn như giá trị của ẩm thực Nam bộ, ý nghĩa trang phục, hay mới đây là chuyên đề lễ giáo đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều cá nhân, tổ chức.

“Tháng tới, chủ đề của chuỗi giao lưu này sẽ là những nghề thủ công truyền thống, với sự tham dự của các nghệ nhân. Có cơ hội được nghe những tâm sự, bộc bạch của họ cũng là điều đáng quý, bởi nếu không bắt đầu chung tay bảo tồn thì mọi thứ sẽ dần mai một. Giữ nghề đã khó, giữ được cái tình yêu dành cho nghề còn khó hơn”, anh Quang nói.

Sân nhà mình, mình quét

Những kiến thức văn hóa cũng được Quang vận dụng rất thực tế vào công việc lẫn những hoài bão của anh. Trong nhiều chuyến đi tour, Quang khiến không ít du khách từ ngạc nhiên đến trầm trồ khi chứng kiến anh sáng tác, dàn dựng những trích đoạn tuồng, cải lương cho các đoàn văn nghệ miền Tây Nam bộ biểu diễn rất bài bản, công phu.

Không chỉ vậy, những bức tranh tóm tắt lịch sử của vùng đất, món ngon vật lạ do chính anh vẽ cũng giúp du khách nước ngoài thấy được một đất nước VN thông qua trực quan sinh động. Không chỉ có ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Quang cùng những người bạn mình góp phần bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực như hỗ trợ đội chèo ở cồn Thới Sơn (Tiền Giang) kinh phí để họ nhặt rác, làm sạch cảnh quan tự nhiên.

“Quỹ thì chung tay là có, cái khó là việc xây dựng ý thức mỗi người. Nhưng tôi cứ tâm niệm: sân nhà mình mình quét trước đã, người ta thấy thì làm theo, chẳng mấy chốc mà sạch sẽ”, anh bảo vậy.

Hiện tại Quang theo đuổi một dự án dành cho thiếu nhi khi nhận ra sự tiếp cận hơi nhàm chán của trẻ em với truyện cổ tích VN. Nghĩ là làm, bản thu âm “cây nhà lá vườn” của Quang ra đời một cách tự nhiên, giản dị mà ý nghĩa.

“Nhiều khi tôi cũng không thu những câu chuyện quá quen thuộc mà có thêm thắt chuyện mới bằng những trải nghiệm của thời thơ ấu, từ những tích xưa mà ông bà, cha mẹ từng kể cho nghe. Nhiều người than phiền rằng giới trẻ bây giờ chỉ biết có nhạc Hàn nhạc Tây, không biết mặt mũi văn hóa cha ông hay dở chỗ nào. Nhưng tôi nghĩ trước khi trách thì nên tạo điều kiện cho các em tìm hiểu văn hóa nước mình đã. Có biết, có hiểu rồi mới yêu được, phải không?”, Quang chia sẻ.  

Kim Nga

>> Sinh viên Trường Sân khấu Điện ảnh làm phim "nóng" rồi phát tán trên mạng?
>> Những 'sao' nữ thành công khi làm đạo diễn
>> Nhà văn triệu phú Quách Kính Minh làm đạo diễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.