Hành trình trên đất Mỹ - Kỳ cuối: Đặt tay lên giày ông John Harvard

09/07/2005 18:29 GMT+7

Khu Đại học Harvard nằm ở trung tâm TP Boston, còn Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nằm gần con sông Charles ở mạn Đông Nam TP. Trong những ngày hè, nhiều đoàn khách du lịch từ Mỹ, Canada và các nước châu Á đã lặn lội đến đây tham quan. Đi tham quan trường học thì có gì hấp dẫn? Có, bởi vì cả ĐH Harvard lẫn MIT là những nơi đào tạo nhân tài vào hàng xịn nhất.

Theo truyền thống, đã thành lệ, bất cứ ai, từ sinh viên mới nhập học cho đến khách tham quan ĐH Harvard đều đến trước bức tượng tiền bối John Harvard mà sờ vào chiếc giày chân trái của ông. Lâu ngày dài tháng, sau 121 năm qua kể từ khi được đúc đồng bởi Daniel Chester, nay thì mũi giày chân trái tượng ông John luôn luôn sáng bóng. Người ta quan niệm rằng, việc sờ vào đấy sẽ đem đến điều tốt lành nói chung, hoặc đầu xuôi đuôi lọt trong học hành thi cử nói riêng; chí ít cũng lưu niệm với người mang tên ngôi trường nổi tiếng thế giới.

Thế nhưng, cái sự đỗ đạt, học giỏi không chỉ  ở tác động tâm lý của cái động thái sờ vào chân tượng mà lại phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống đào tạo, cách tuyển chọn và đào tạo để sản sinh ra nhân tài. Rất thiện chí, một số bậc thầy ở Cambridge đã nhiệt tình phân tích đâu là triển vọng và đâu là nguy cơ của sự đào tạo đại học (ĐH) ở nước ta. Xem ra, triển vọng thì căn bản bởi SV-HS ta thông minh, cần cù, chịu khó và đang được kích thích bởi sự phát triển kinh tế; còn nguy cơ thì không ít, cần phải giải quyết khẩn trương, triệt để.

Chi phí cho việc học ở Harvard  (tham khảo mức của năm học 2003-2004 cho mỗi  sinh viên): học phí 26.066 USD, tiền ký túc xá 4.706 USD, tiền ăn 4.162 USD, y tế phí 1.162 USD, phí phục vụ sinh viên 1.852 USD, tổng cộng là 37.928 USD.

Ở Harvard cũng như MIT có chính sách trả công cho các sinh viên tham gia vào trợ giảng, giúp thầy nghiên cứu cũng như làm một số việc phục vụ cho nhà trường. Nhiều sinh viên VN an tâm học ở đây vì việc lao động được lợi 2 trong 1 ấy. Do vậy, dù ở xa, giáo sư Henry Borovsky của Harvard cũng đã có trong tay báo cáo của 14 nhóm khảo sát của cộng sự và học trò về đại học các nước Đông Á và Việt Nam để lý lẽ thêm phần thuyết phục. Ông, người được mệnh danh là nhà tư tưởng hàng đầu về giáo dục ĐH đã lưu ý rằng phương pháp thầy giảng, trò ghi đã quá lỗi thời và vô dụng; cần tạo ra càng nhiều không gian mở trong giảng dạy và nghiên cứu, tức sự tự do của thầy và trò trong xác lập giáo trình, học trình, không nên có những chương trình giảng dạy cứng nhắc năm này cũng y như năm trước. Ông ủng hộ một cơ chế quản trị ĐH lành mạnh: tính độc lập, sáng tạo của các trường cần được coi trọng; việc lựa chọn và đề bạt người quản lý ĐH phải dựa vào thành tích giảng dạy - nghiên cứu và  kỹ năng chuyên môn; nguồn tài chính mạnh, bền vững nhằm đủ sức đào tạo nhân tài.

GS Robert A Brown, Phó chủ tịch Viện MIT gợi ý, tài sản của ĐH Việt Nam nên là nguồn học liệu mở (OCW-open course ware), theo đó là việc kết nối đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu với các nguồn tri thức khác và truyền tri thức đi khắp thế giới. MIT đã đưa toàn bộ giáo trình của 1.100 môn học lên Internet và kho tàng kiến thức này đã được nhân loại sử dụng có hiệu quả. Ông chân thành: "VN nên quyết tâm và tập trung xây dựng một trường ĐH được công nhận ở tầm quốc tế với lý do chính đáng là các bạn đang tăng trưởng kinh tế và tới đây, các bạn sẽ phải dựa vào nền kinh tế tri thức, lực lượng lao động trình độ cao sẽ đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế thành công".

GS Henry Borovsky

GS Robert A.Brown

Đầu vào tuyển sinh trong quan niệm của GS Tarun Khanna thuộc trường kinh doanh Harvard mang tính cạnh tranh cao độ. Ông lý giải việc vì sao các chuyên gia người Ấn có thể xuất khẩu phần mềm ra nhiều nước khác: họ được tuyển chọn và đào tạo rất gắt gao. Thi tuyển vào Viện Công nghệ Ấn Độ, họ được chọn với tỷ lệ một phần trăm; khi thi ra trường, tỷ lệ tốt nghiệp chỉ có 10%. Với VN, ông đề xuất 3 ý tưởng: đổi mới và nâng cấp hệ thống đào tạo hiện hữu, thiết lập chi nhánh của ĐH danh tiếng nước ngoài và xây dựng các ĐH mới của tư nhân với tính hiện đại cao. Còn theo Giáo sư David Dapice của ĐH Tufts, cố vấn giảng dạy và nghiên cứu Fullbright tại TP Hồ Chí Minh, chất xúc tác tốt nhất cho đào tạo là phải có người trọng dụng và trả lương cao cho nhân tài. Đồng ý với giáo sư  Borovsky, ông ủng hộ việc VN nên có chiến lược xây dựng trường ĐH hàng đầu; đổi mới phân cấp quản lý ĐH; đề bạt lãnh đạo ĐH theo thành tích... Liên quan đến chuyện tài năng trong lãnh đạo ĐH, ông lý giải: "Tài năng ấy là thành tích giảng dạy và nghiên cứu chứ không chỉ là danh hiệu học hàm, học vị". Xem ra, cái sự quản lý ĐH è ạch tại nước ta đã được đồn xa đến tận vùng Cambridge rồi!

Ở MIT, việc tự nghiên cứu được xem là hoạt động chính của người học, bên cạnh đó là số lượng giờ học thực hành và chất lượng thực hành rất cao. Các trường ĐH ở nước ta có thể đào tạo hệ thống về lý thuyết song vẫn chưa thể trang bị đầy đủ cho người học rằng sau khi ra trường họ sẽ làm gì và làm như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.  (Đoàn Xuân Vinh, nghiên cứu sinh năm thứ nhất khoa Vận trù học - Viện MIT)

Có thể nói, Boston là một thành phố trẻ, và Cambridge là một quận trẻ nhất TP này, bởi trong số  trăm mấy ngàn cư dân đã có tới  hơn 30 ngàn sinh viên, nghiên cứu sinh đủ các kiểu, các quốc tịch đến mài đũng quần trong Harvard,  MIT hoặc  ĐH Boston. Cùng với bọn trẻ công dân địa phương, ngày cuối tuần, các bậc nhân tài ấy tràn ra phố vui chơi thăm thú, đi đâu cũng gặp những khuôn mặt gốc u Mỹ, gốc Á trẻ trung, sáng láng và năng động. Đi đâu cũng thắc thỏm chờ được gặp và đã đôi lần gặp được vài gương mặt hình như quen mà lạ; ngờ ngợ nhìn nhau cho đến khi được hỏi "Chào chú" thì mới dám mừng rỡ mà rằng, ô, ta đã gặp nhân tài xứ mình trên đất khách.

Ở khắp các cửa hiệu bán đồ lưu niệm ở TP Boston, có thể dễ dàng tìm thấy nhiều chủng loại hàng hóa mang biểu tượng của ĐH Harvard, từ chiếc móc khóa đến áo thun, từ những chiếc lọ, chiếc cốc thủy tinh đến các loại bút viết; thậm chí, người ta còn in cả những bộ bài Tây có huy hiệu trường này. Thảy có giá không rẻ mà bán đắt như tôm tươi. Chợt mơ đến lúc mà nước ta có một trường ĐH tầm cỡ quốc tế, để các bậc kinh doanh ngành du lịch phải xếp hàng mà đăng ký xin mua logo về sản xuất  quà lưu niệm; để khách Tây, khách ta xếp hàng vào tham quan, sờ tay vào một cái gì đấy (có thể là cái đầu rùa đá trong Văn Miếu như sĩ tử ta ngày nay vẫn làm chăng?) mà ước cho bản thân mình được đội mũ Trạng nguyên.

Nguyễn Quang Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.