“Mô hình xen canh bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế khi đem lại nguồn thu hằng năm hơn 8 tỉ đồng. Ngoài ra, việc xen canh vẫn đảm bảo mật độ cao su tối thiểu 500 cây/ha. Đồng thời các hộ tham gia trồng xen canh vẫn phát triển được cây cà phê, chuối để tăng thêm thu nhập”, ông Lộc giới thiệu.
Mô hình xen canh cây cà phê trong vườn cao su của Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê |
Đức Nhật |
Những người đi mở đất
Cùng khách “lội” khắp các nông trường cao su, ông Lộc kể, năm 1984, được sự chỉ đạo của Tổng cục cao su VN (nay là Tập đoàn công nghiệp cao su VN - VRG), 19 cán bộ, công nhân Công ty cao su Dầu Tiếng được giao nhiệm vụ ngược ngàn lên H.Chư Sê (Gia Lai) gieo “vàng trắng”.
Cây cao su lúc bấy giờ hết sức xa lạ đối với người dân ở Gia Lai chứ không riêng gì vùng đất Chư Sê. Dân cư trên địa bàn không biết, không hiểu và cũng không tin rằng cây cao su sẽ tạo ra sinh kế mới. Thời gian đầu, các cán bộ, nhân viên đã lội rừng, vượt suối đến từng buôn, làng để vận động, tuyên truyền giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số hiểu và ủng hộ trồng, phát triển cây cao su.
“Khó mà kể hết những nhọc nhằn gian truân của buổi đầu xây dựng, không thể đo đếm được công lao khai phá, chắt chiu của những người tình nguyện đi mở đất, xây dựng nông trường. Bên cạnh đó là làm thay đổi tập quán của những bước chân trần quen du canh và du cư, nay trụ lại với vườn cây cao su”, ông Lộc tâm sự.
Lúc bấy giờ, đường sá đi lại còn khó khăn, từ nông trường này đến nông trường khác phải đi bộ mất cả ngày đường. Các cán bộ, nhân viên trong công ty phải lặn lội những chặng đường dài để đến các bản làng xa xôi vận động người dân tham gia trồng, chăm sóc cao su.
Một nông trường của Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê đang vào mùa trồng mới |
Đức Nhật |
Không chỉ vậy, công ty còn phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Mưa dầm thấm lâu, kết quả của các cuộc vận động là đội ngũ công nhân của công ty dần được tăng thêm về số lượng. Và phân nửa số ấy là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, vượt qua khó khăn, công ty đã thực hiện trồng, quản lý, chăm sóc hơn 7.500 ha cao su trên địa bàn 3 huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông (Gia Lai). Hiện công ty đã có 5 nông trường cao su, 1 xí nghiệp chế biến mủ, 1 trung tâm y tế chăm lo sức khỏe cho cán bộ, công nhân lao động và người dân địa phương.
Không chỉ vậy, công ty còn góp vốn phát triển trồng, khai thác cao su tại Vương quốc Campuchia với diện tích trên 16.200 ha. Hiện nay tất cả diện tích đã đưa vào khai thác hiệu quả.
Hiện toàn công ty có 826 cán bộ, công nhân viên, trong đó có đến 52% công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau gần 40 năm thành lập, Công ty TNHH MTV cao su Chư Sêđã hình thành nên một vùng chuyên canh cây công nghiệp trên địa bàn, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống người dân trong vùng và đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Từ đó, góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn Tây nguyên.
Bài toán xen canh hiệu quả
Trở lại với câu chuyện xen canh... Vài năm trước, khi những vườn cao su đã hết thời gian thu hoạch. Công ty buộc phải thanh lý vườn cây để tổ chức tái canh. Để bắt đầu khai thác trở lại, cần tối thiểu 7 năm, trong thời gian này, bài toán về nguồn thu cho công nhân được đặt ra.
Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê có 826 cán bộ, công nhân viên, trong đó có đến 52% là đồng bào dân tộc thiểu số |
Đức Nhật |
Cũng bắt đầu từ đây, lãnh đạo công ty đã đề xuất lên Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) xin chủ trương về việc trồng xen canh các loại cây trong vườn cao su.
Theo đó, công ty hợp tác với cá nhân, đơn vị trong khoảng thời gian vài năm trước khi vườn cao su khép tán để trồng các loại cây ngắn ngày. Riêng đối với những diện tích thiết kế xen canh, công ty đã hợp tác với các cá nhân, đơn vị tiến hành trồng xen canh cà phê. Mô hình xen canh này sẽ kéo dài theo chu kỳ vườn cây cà phê.
“Bước đầu thử nghiệm và đánh giá, công ty nhận thấy việc trồng xen canh đã mang lại nhiều lợi ích. Khi xen canh, vườn cây được tưới nước, chăm sóc, do đó tác động tích cực đến việc phát triển của cây cao su”, ông Lộc nói.
Giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ cách làm
Thu nhập từ nguồn hợp tác xen canh giúp cho công ty bổ sung thêm nguồn thu nhập để chăm lo cho người lao động mà đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, nguồn thu này cũng hỗ trợ công ty thực hiện nghĩa vụ, chính sách với địa phương.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê đã trích từ quỹ phúc lợi gần 1 tỉ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa bàn đứng chân, đóng góp ủng hộ quỹ bảo trợ trẻ em và một số hoạt động từ thiện khác. Khi đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát, công ty đã chi cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ địa phương phòng chống dịch trên 500 triệu đồng.
Bà Rmah H’bé Nét, Chủ tịch UBND H.Chư Sê cho biết, là đơn vị đóng chân trên địa bàn, Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê đã có nhiều đóng góp cho địa phương trong việc tạo công ăn việc làm. Công ty luôn phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ an sinh xã hội. Đặc biệt, công ty đã có nhiều đóng góp trong công tác hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số định canh định cư, thay đổi nếp nghĩ cách làm và vươn lên phát triển kinh tế. (Còn tiếp)
Bình luận (0)