Hành xử ích kỷ

01/09/2013 03:35 GMT+7

Vụ CLB quần vợt Becamex Bình Dương và HLV Trần Đức Quỳnh nhất định không chấp hành lệnh triệu tập của Tổng cục TDTT trong việc đưa tài năng trẻ Lý Hoàng Nam lên tập trung đội tuyển quần vợt quốc gia đã gây bức xúc cho những người hâm mộ môn thể thao này những ngày qua.

Lý do của cả phía Becamex Bình Dương lẫn Trần Đức Quỳnh đưa ra, hầu hết mọi người cho là không thỏa đáng. Nào là chưa nhận được quyết định triệu tập đóng dấu đỏ; nào là kế hoạch của chuyên gia người Úc đến huấn luyện đội tuyển trong 10 ngày là không phù hợp; nào là bận nhiều việc nên không thể lên; nào là tay vợt vừa giành ngôi vô địch trẻ châu Á bị sốt siêu vi… Không thỏa đáng, bởi nếu coi trọng con dấu sao không nhấc điện thoại xác minh? Kế hoạch của chuyên gia nếu không hài lòng vẫn có thể đóng góp phản biện. Hoàng Nam đúng là có cảm sốt, nhưng chính tay vợt này vẫn khẳng định muốn được cống hiến tại Davis Cup sắp tới...

Vậy bản chất vụ việc này là gì?

Đó là cách hành xử của phía CLB Becamex Bình Dương và HLV Trần Đức Quỳnh không có tính chuyên nghiệp và nói thẳng là rất ích kỷ, vì quyền lợi cục bộ. Những va chạm, mâu thuẫn giữa CLB này và HLV Trần Đức Quỳnh với Liên đoàn Quần vợt VN (VTF) trong giới ai cũng biết đã âm ỉ trong 2 năm qua. Như chuyện tài trợ các giải đấu của Liên đoàn Quần vợt thế giới (ITF) tại VN, rồi kế hoạch tập huấn của đội tuyển do VTF đưa ra bị coi là áp đặt và có tính “xem thường” CLB này và HLV Đức Quỳnh… Thế nên, đôi bên như “mặt trời, mặt trăng”, chỉ chờ dịp bùng nổ. Nhiều người cho rằng chính việc Hoàng Nam giành được tấm HCV lịch sử cho quần vợt VN tại đại hội trẻ châu Á là cái cớ để Becamex Bình Dương và HLV Đức Quỳnh dựa vào đó bày tỏ thái độ chống đối ra mặt với VTF.

Nếu VTF có gì chưa đúng thì cần có trọng tài hoặc các bên hoàn toàn có thể ngồi lại với nhau trên tinh thần giải quyết triệt để vì cái chung. Nhưng phía Becamex Bình Dương và HLV Trần Đức Quỳnh lại dựa vào đó để tạo ra phản ứng tiêu cực, đi quá xa khi coi thường lệnh triệu tập của Tổng cục TDTT, xem nhẹ vinh dự được khoác lên mình màu cờ sắc áo của đội tuyển.

Điều đáng nói, trước vụ việc này, thể thao VN đã có quá nhiều vụ như kình ngư Hoàng Quý Phước cũng bị ảnh hưởng phong độ một thời gian dài do người lớn đụng nhau; tuyển thủ bóng bàn Đào Duy Hoàng phải “ngồi chơi xơi nước” do sự giành giật của 2 đơn vị Bộ Công an và Dầu khí. Nếu không siết chặt kỷ luật, kỷ cương thì không ai có thể khẳng định trong tương lai sẽ không có những vụ việc tương tự, và những tài năng thể thao VN vốn đã hiếm lại khó tránh khỏi nghịch cảnh “sớm nở tối tàn”. 

Quang Tuyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.