Luật sư (LS) Lương Văn Trung (Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế VN-VIAC) cho biết giấy phép lái xe (GPLX) hay còn gọi bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho một người cụ thể, cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông một số loại hình xe.
“Bản thân GPLX là chứng nhận một người đủ điều kiện để thực hiện một công việc, tương tự như thẻ luật sư hay thẻ nhà báo. GPLX chỉ là một tờ giấy để khẳng định một sự thật. Việc mất đi một giấy xác nhận một sự thật không có nghĩa sự thật đó bị nghi ngờ hoặc không còn giá trị nữa, để buộc phải thực hiện lại. Đặt trường hợp nếu thẻ luật sư mất đi thì chẳng lẽ luật sư đó phải học lại lớp đào tạo luật sư, tập sự lại mới được cấp thẻ; hoặc khi nhà báo bị mất thẻ nhà báo thì cá nhân nhà báo đó phải làm việc liên tục hai năm sau mới được cấp thẻ lại. Rất vô lý”, LS Trung phân tích.
Ngoài ra, theo LS Trung, một điều nữa mà các cơ quan quản lý cần tham khảo một nguyên tắc của luật hình sự, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội.
“Tại sao luật hình sự có suy đoán vô tội đối với công dân, thì đối với thủ tục hành chính lại không thể áp dụng nguyên tắc suy đoán không có lỗi cho công dân khi cấp phép lại GPLX ? Ngược lại, các nhà quản lý lại suy đoán rằng, các GPLX mà người dân đang sử dụng là có vấn đề, để rồi họ chờ cơ hội khi người dân mất giấy phép thì bắt người dân thi lại. Chuẩn mực nào cho phép suy đoán có lỗi và nghi ngờ tất cả GPLX hiện nay ?”.
Phần mềm quản lý, giải quyết được vấn đề
LS Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) dẫn Điều 36, Thông tư 12/2017/ của Bộ GTVT về việc cấp lại GPLX thể hiện: "Người có GPLX bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe".
Theo LS Hoan, hiện nay, để được cấp GPLX, người dân cần phải trải qua quá trình sát hạch về lý thuyết và thực hành. Ngoài GPLX, người đủ điều kiện cấp bằng lái còn được cấp hồ sơ gốc.
“Dữ liệu của người được cấp GPLX còn được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu GPLX chung trên toàn quốc do Tổng cục đường bộ Việt Nam quản lý. Vì vậy, khi mất hoặc hư hỏng giấy phép lái xe, người dân có thể làm hồ sơ xin cấp lại GPLX”, LS Hoan phân tích.
|
LS Hoan tiếp tục nhấn mạnh: “Sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện GPLX đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì giấy phép lái xe được cấp lại. Thực tế, GPLX hiện nay đều có mã số và chỉ cần kiểm tra mã số là biết thông tin về người điều khiển phương tiện có vi phạm hay đủ điều kiện lái xe hay không, GPLX đó là giả hay thật... Vì vậy, đề xuất mất GPLX phải thi lại vì lý do nghi ngờ người lái xe gian dối muốn cấp 2, 3 giấy phép để đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra xử lý là không hợp lý”.
Ngoài ra, theo LS Hoan, để xử lý tình trạng một số đối tượng vi phạm bị tịch thu bằng lái, nhưng vẫn đề nghị cấp bằng thứ 2, thứ 3 thì bản thân Bộ Công an và Bộ GTVT phải liên thông bằng một phần mềm điện tử để kiểm tra, quản lý.
“Đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, không phải của người dân. Khi nhà nước không quản lý được thể hiện trình độ quản lý yếu kém, không thể đẩy thế khó về phía dân”, LS Hoan nhấn mạnh.
Thông tin về đề xuất ‘mất giấy phép lái xe phải thi lại’ của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận được hàng trăm ý kiến bạn đọc.
Bạn đọc Lelam (Hà Nội) cho biết: "Tôi đồng ý với các ý kiến phản biện lại chủ trương của Bộ GTVT. Theo tôi chỉ cần có phần mềm quản lý liên ngành là biết ngay được mất hay bị tịch thu. Cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để xử lý vấn đề vi phạm của lái xe, có trường hợp cho phép đào tạo lại, có trường hợp phải cấm vĩnh viễn nếu không sẽ lại như kiểu "bắt cóc bỏ đĩa".
Ngọc Lê (Hà Nội) thì cho rằng: "Nói vậy, giả sử Bộ GD-ĐT lại có quy định: Nếu ai để mất bằng Đại học, tiến sĩ, Bác sĩ thì đều phải học lại, thi lại để được cấp bằng thì nghĩ gì? Một bác tài xế lái xe chuyên nghiệp 30 năm, mất bằng phải thi lại sao?..."
"Thật tội cho người dân hiền lành. Vừa bị kẻ gian ăn cắp mất ví lại còn phải thi lại. Hãy rạch ròi bị tịch thu bằng do lỗi vi phạm với việc cháy nhà, mất tài sản chứ? Tôi cũng không hiểu...", bạn đọc Nguyễn Tùng Khánh (Nghệ An) bày tỏ.
"Khi cơ quan cấp bằng lái đã có mã số dữ liệu thông tin của người được cấp, từ dữ liệu đó lưu trong hệ thống truyền đến các cơ quan liên quan để quản lý theo dõi. Cảnh sát giao thông phạt tài xế thì vào dữ liệu đó chọn lỗi vi phạm... Từ đó bộ phận cấp bằng lái lại sẽ kiểm tra đối chiếu khi có người nộp đơn đề nghị cấp lại. Việc nhỏ làm không xong 1.0 đừng mơ đến 4.0, xây dựng đô thị thông minh...", MinhMan (Hà Nội) đề xuất.
Còn bạn đọc Dan Do (Quảng Ninh) đề nghị: "Đề nghị ông Bộ trưởng liên hệ ngay với Tổng cục Hải Quan để học cách quản lý Hộ chiếu như thế nào thì sẽ giải quyết ngay được mối lo ngại cùng một lúc sử dụng 2 bằng trở nên. Bộ GT-VT của ta trình độ quản lý nhà nước còn non kém quá thật đáng buồn!".
|
Bình luận (0)