(iHay) Nhiều người đã thốt lên “quá đau đớn”, “quá buồn”, “rất đáng tiếc”… khi nghe thông tin Nguyễn Hoàng Anh (còn gọi là Hào Anh, 19 tuổi, tạm trú tại khóm 4, đường Trương Phùng Xuân, phường 8, TP. Cà Mau) bị Công an huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) bắt giữ về tội trộm cắp tài sản.
Cô Bùi Khánh Hương (nhà hảo tâm ở Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng bày tỏ rằng bản thân ai cũng vậy, khi biết hoàn cảnh thương tâm, kém may mắn nào đó, đều muốn đem niềm vui đến cho họ.
“Thế nhưng sau câu chuyện Hào Anh, chợt nghĩ lại phương pháp mà bấy lâu nay mọi người hay sử dụng là trao tặng tiền chưa phải là phương pháp tối ưu. Nếu như giúp đỡ tiền giống như là cho con cá vậy. Và rồi khi đã ăn hết cá, ăn hết cả phần xương, không còn gì nữa thì dễ nảy sinh ra những tiêu cực. Khi cho quá nhiều tiền dễ làm hỏng người được giúp”, cô Hương nói.
Vì lẽ đó, nhà hảo tâm này hiến kế rằng song song với việc giúp đỡ, cần định hướng họ, hướng dẫn họ sử dụng tiền, chi tiêu sao cho đúng mục đích. Đồng thời cần gặp trực tiếp những hoàn cảnh khó khăn, trò chuyện và chia sẻ, để tìm ra cách giúp đỡ tốt nhất.
Còn chị Trần Minh Thu (nhóm thiện nguyện Trên từng cây số, TP.HCM, nhóm thường xuyên có những hoạt động vì cộng đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn suốt những năm qua), cũng cho biết “cảm thấy rất ray rứt và rất buồn, rất đau” khi nghe chuyện Hào Anh bị bắt giữ.
“Trường hợp của Hào Anh diễn biến như hiện tại là điều không ai muốn. Bởi trong cuộc sống này, mỗi khi nghe trường hợp kém may mắn thì ai cũng tâm huyết muốn giúp đỡ “cái cần câu”. Thế nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, chỉ có thể giúp được “cái ngọn”, “cái lá” chứ không thể giúp đỡ, giải quyết được “cái gốc”. Thiết nghĩ câu chuyện của Hào Anh khiến mọi người nên nhìn nhận lại để rút ra những bài học kinh nghiệm. Từ gia đình, xã hội, cả những người hảo tâm cũng nên suy ngẫm lại, để có thể nghĩ ra những cách giúp đỡ khả thi hơn, giúp những hoàn cảnh khác có tương lai tốt hơn”, chị Minh Thu chia sẻ.
Cũng theo chị, khi biết được hoàn cảnh cần giúp đỡ, sẽ tìm đến gặp trực tiếp để cùng gia đình bàn bạc cách giúp hiệu quả nhất. Có thể đó là giúp họ có việc làm. Giúp họ mở quán buôn bán, xin cho học nghề. Cũng có thể nhờ các chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý…
Giám đốc một công ty xăng dầu ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM), người đã và đang hỗ trợ nhiều hoàn cảnh kém may mắn, cũng bày tỏ thay vì thói quen của mọi người thường giúp một cục tiền, trong khi họ chưa biết cách sử dụng, sẽ làm “nát” tiền, sẽ sử dụng vào mục đích không phù hợp, và rồi không thay đổi được cuộc đời, mà trường hợp của Hào Anh là một ví dụ điển hình.
“Thay vào đó, hãy hỗ trợ từng tháng. Luôn theo dõi, động viên. Kể cho họ nghe những câu chuyện vượt lên nghịch cảnh để làm tấm gương cho họ noi theo. Khuyên họ nên học cái nghề nào đó để có việc làm. Nếu làm như vậy thì có ý nghĩa hơn rất nhiều. Nói chung là cho cần câu cá quan trọng hơn cho cá”, vị giám đốc này nói.
Với chuyên gia tâm lý Biện Chương Dương (Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt) thì cho rằng chuyện các nhà hảo tâm giúp đỡ là đúng, không thể bắt các nhà hảo tâm kiêm luôn công tác "chọn cần, hướng dẫn câu".
“Cho cá” là cấp thiết, bởi việc đó giúp những người đang đói đủ sức sống đến lúc học được xong cách dùng một cần câu kiếm những con cá khác một cách lâu dài. Hầu hết các trường hợp cần "con cá" trực tiếp để trả nợ, chữa bệnh, giải thoát,.... Thế nhưng cần lưu ý là những con cá đó cần vừa đủ với các nhu cầu cấp thiết. Bởi không nhiều người giỏi việc kiểm soát khi có được số lượng lớn tài chính bất ngờ. Chính vì thế các nhà hảo tâm nếu mong đợi số tài chính của mình hiệu quả chứ không phải làm "hại" đối tượng thì cần có những điều chỉnh trong việc giúp đỡ. Điều đó giống như là bạn cho đồ ăn một người đã nhịn đói 4 ngày, điều bạn cần làm chính là cho ăn đồ loãng, chỉ ăn lửng bụng. Nếu không người bạn đang muốn giúp có thể "bội thực" mà chết”, chuyên gia Biện Chương Dương nói.
Chuyên gia tâm lý này hiến kế: “Thiết nghĩ các cơ quan báo chí, tổ chức thiện nguyện khi kêu gọi giúp đỡ cũng cần "chuẩn hóa" quy trình sử dụng tài chính sau đó như có nhóm giám sát việc chi tài chính theo giai đoạn. Có nhờ tư vấn tâm lý, hướng nghiệp trong việc sử dụng tài chính bất ngờ. Đồng thời cần có những nhóm, tổ chức nào đó đứng ra lãnh nhiệm vụ trung gian này. Hiện nay có khá nhiều nhóm thiện nguyện cũng làm theo phương thức "hỗ trợ có kế hoạch" và giúp con cá trước, cần câu sau”.
Khi iHay.vn liên lạc lại với một trong những đơn vị đã từng giúp đỡ Hào Anh là công ty võng xếp Duy Lợi, ông Lâm Tấn Lợi (giám đốc) đã bàng hoàng thốt lên: “Quá đáng tiếc khi Hào Anh đã không giữ được mình!".
Ông Lợi nhìn nhận có quá nhiều nguyên nhân khiến cậu bé này sa ngã, lầm đường lạc lối. “Không chỉ riêng bản thân Hào Anh có lỗi, mà ngay cả gia đình, xã hội, và cả những người hảo tâm cũng có một phần trách nhiệm trong đó”, ông Lợi nói.
Cũng theo ông Lợi, nếu như thời điểm Hào Anh được giải cứu, Hào Anh được quan tâm và chỉ dạy sâu sát hơn, rồi được gia đình, các tổ chức xã hội dạy cách sử dụng tiền, cũng như được các mạnh thường quân hỏi han, động viên thường xuyên thì có lẽ đã không bị tiền làm hư hỏng. “Nhưng cứ nói nếu như làm chi khi giờ đã muộn rồi”, ông Lợi bày tỏ.
Khi được hỏi nếu như gặp một hoàn cảnh tương tự Hào Anh trong tương lai, thì công ty sẽ giúp đỡ bằng cách nào, ông Lợi cho biết sẽ tìm hiểu thật kỹ hoàn cảnh, thay vì “cho cá” thì sẽ “cho cần câu”. “Nghĩa là sẽ giúp trường hợp ấy định hướng nghề nghiệp, giúp đỡ học nghề. Hoặc có thể nhận về công ty giúp đỡ việc làm ổn định”, ông Lợi nói.
Vào năm 2008, khi làm thuê cho trại tôm giống, Hào Anh bị vợ chồng chủ trại hành hạ, đánh đập vô cùng dã man… khiến em phải mang thương tích 66,83%. Câu chuyện này đã khiến dư luận cả nước xúc động.
Sau khi được giải cứu, rất nhiều mạnh thường quân trên cả nước đã giúp đỡ, hỗ trợ Hào Anh hơn 700 triệu đồng. Khi đủ 18 tuổi, Hào Anh được nhận lại toàn bộ số tiền được ủng hộ. Nhưng vì không biết cách sử dụng tiền đúng mục đích, cuộc đời của Hào Anh đã chuyển sang ngả rẽ khác, và giờ đây đang bị bắt giữ về tội trộm cắp tài sản.
|
Bình luận (0)