Thông tin mới nhất về dữ liệu FDI Markets trên Financial Times cho thấy trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đã lên kế hoạch đầu tư ít nhất 39 dự án sản xuất và logistics ở VN và 41 dự án tại Mexico. Financial Times đánh giá đây là con số cao nhất về các dự án được công bố ở cả 2 quốc gia kể từ khi dữ liệu FDI Intelligence bắt đầu theo dõi tin tức đầu tư nước ngoài từ năm 2003. Theo bài báo này, cả Mexico và VN hiện đã vượt qua Mỹ để trở thành lựa chọn đầu tư hàng đầu của các DN Trung Quốc, cụ thể là các dự án sản xuất và logistics.
Ông Eric Liang, Tổng giám đốc BEST Express VN, đồng thời là Phó tổng giám đốc BEST Express Global - nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng thông tin và dịch vụ hậu cần đến từ Trung Quốc, nhận xét ngành logistics VN tăng trưởng nhờ sự bùng nổ thương mại điện tử. Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại VN ở mức 16 - 30% mỗi năm, giá trị đạt hơn 20 tỉ USD. Nhiều số liệu đã chứng minh VN là một thị trường lớn, màu mỡ và sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong tương lai.
Không bỏ lỡ cơ hội, trong gần 5 năm gia nhập thị trường VN, bằng mô hình nhượng quyền thương mại, BEST Express VN đã thiết lập được mạng lưới bưu cục phủ sóng trên toàn quốc. Năm 2023, đầu năm công ty thiết lập được 450 bưu cục, nhưng cuối năm tăng lên 600 bưu cục. Đến nay, trung bình mỗi tỉnh thành, BEST Espress VN đều có đến 10 bưu cục và dự kiến sẽ mở rộng hơn trong tương lai. Ông Eric Liang nói: "Hiện công ty có 36 trung tâm phân loại, xử lý 2,2 triệu đơn hàng mỗi ngày, thời gian phân loại chỉ từ 0,5 - 2 giây một bưu kiện, tùy kích thước, trọng lượng".
Ở mảng vận chuyển xuyên biên giới, BEST Express VN sẽ tập trung xây dựng các tuyến vận chuyển để khi hàng hóa đi bằng đường hàng không, đường biển, đều đến tay người dùng với tốc độ nhanh nhất. "Chúng tôi cũng tiếp tục xây dựng các phần mềm, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác với nhiều đơn vị nhằm tối ưu khâu quản lý kho bãi, đơn hàng, giúp người dùng theo dõi chi tiết hành trình. Với những kế hoạch này, chúng tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm bùng nổ của ngành logistics tại VN, BEST Express đặt kế hoạch tăng trưởng đạt 100%, lượng kiện hàng xử lý trung bình tăng gấp 2 lần so với hiện nay…", ông Eric Liang cho biết.
Nằm trên tuyến đường sắt xuyên Á, kết nối từ Singapore, qua Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, VN và Côn Minh (Trung Quốc) là lợi thế lớn để VN phát triển mạnh logistics. Nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, một thị trường sản xuất, tiêu thụ khổng lồ, đã nhìn thấy điều này nên gia tăng đầu tư vào VN cũng là điều dễ hiểu.
Không chỉ nhà đầu tư Trung Quốc, thị trường logistics VN từ lâu đã có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà cung ứng dịch vụ logistics lớn trên toàn cầu. Trong tháng 5 vừa qua, Flexport - nền tảng dựa trên công nghệ dành cho ngành logistics trên toàn cầu - có trụ sở tại Mỹ, đã chính thức mở văn phòng tại TP.HCM. Đây là một đơn vị khởi nghiệp, ra đời vào năm 2013 nhưng được Reuters đánh giá là "kỳ lân" trong ngành logistics.
Chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch Flexport, ông Sanne Manders, cho biết trước khi mở văn phòng, đơn vị này đã cung cấp dịch vụ đến 1.300 nhà máy xuất khẩu VN để vận chuyển hàng cho 500 nhà nhập khẩu. Vì thế, Flexport đã xem VN là thị trường chiến lược quan trọng trong mấy năm qua. Tháng 8.2023, công ty này lần đầu tiên tham gia triển lãm quốc tế logistics VN 2023 với nhận định logistics là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại VN và đóng vai trò là một thị trường quan trọng đối với nhiều khách hàng đang tìm kiếm các lựa chọn tìm nguồn cung ứng trong khu vực Đông Nam Á. Chính xác hơn, VN là một yếu tố quan trọng trong chiến lược mở rộng của công ty tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó, nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility đã công bố danh sách 50 thị trường logistics mới nổi hấp dẫn nhất thế giới năm 2023, cũng xướng tên VN ở vị trí thứ 10 trên tổng số 50 thị trường logistics mới nổi của thế giới, tăng 1 bậc so với bảng xếp hạng năm 2022. Chỉ số xếp hạng của Agility dựa trên 4 tiêu chí gồm: cơ hội logistics trong nước, cơ hội logistics quốc tế, chỉ số sẵn sàng công nghệ, nguyên tắc kinh doanh. Báo cáo nêu rõ xét trên yếu tố cơ hội logistics quốc tế, VN hiện dẫn đầu Đông Nam Á, đứng vị trí thứ 4 của bảng xếp hạng. Báo cáo đánh giá nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, VN là nước hưởng lợi từ khi các DN sản xuất, bán lẻ toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đơn cử, năm 2020, Apple bắt đầu lên kế hoạch mở rộng hoạt động lắp ráp tại VN. Sony, Samsung và LG cũng đã mở rộng sản xuất tại VN cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, sự tăng trưởng kinh tế, sản xuất và tiêu dùng trong nước, cũng như sự bùng nổ của thương mại điện tử đã mang lại những cơ hội thực sự cho logistics VN.
Dịch vụ logistics VN tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua
ĐÀO NGỌC THẠCH
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN, cho rằng sự hấp dẫn và tiềm năng của ngành logistics VN là "thực tế không bàn cãi nữa", nhưng có một bất cập lớn là chi phí logistics tại VN đang cao hơn nhiều nước, điều này làm giảm lợi thế cạnh tranh rất lớn. Hiện chi phí logistics trung bình chiếm từ 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của thế giới chỉ 10,6% do hạ tầng logistics tại VN còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết. Bên cạnh đó, quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối…
"Thông quan hàng hóa là một dịch vụ cấu thành quan trọng trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Đây là khâu mang tính thành bại đối với quy trình của dịch vụ logistics, nên sự hỗ trợ và hợp tác của cơ quan hải quan là một điều hết sức quan trọng. Ngành hải quan với sự phát triển mạnh về chuyển đổi số, các quy trình trở nên gọn nhẹ hơn, giúp tiết kiệm chi phí cho DN. Tuy nhiên, thông quan điện tử đã áp dụng một thời gian dài nhưng nhiều thủ tục vẫn phải dùng bản cứng giấy tờ từ các ngành liên quan, làm giảm hiệu suất số hóa các thủ tục hành chính mà chúng ta hướng đến. Vì vậy, cần tăng cường cải cách hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành cũng như cho nền kinh tế", ông Hiệp kiến nghị.
Theo ông Hiệp, trong mấy năm trở lại đây, hạ tầng kho bãi ngành dịch vụ logistics có nhiều thay đổi. Đặc biệt, với sự tham gia của các nhà đầu tư lớn trên thế giới vào thị trường VN, sự cạnh tranh cũng mạnh mẽ hơn. Nhưng hầu hết các DN vẫn đang ở giai đoạn đầu của chiến lược số hóa, quy mô DN logistics trong nước hầu hết là vừa và nhỏ, khả năng đầu tư đổi mới công nghệ cũng giới hạn. Ngay nguồn nhân lực có trình độ cao cũng hạn chế. Thế nên, nhà đầu tư lớn đến VN, muốn tìm nhà quản lý cũng phải mang từ nước ngoài vào. Vì vậy, các chính sách phát triển ngành logistics cần chú trọng đào tạo sát thực tiễn; cần có mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cụ thể cho nhóm DN trong nước, bởi đây là yếu tố quyết định đến việc nâng cao thị phần nội địa. Bên cạnh đó, theo xu hướng phát triển toàn cầu, logistics xanh, bền vững là nhu cầu cấp thiết, VN có chiến lược phát triển giảm phát thải ròng, đây là điểm mạnh để thu hút đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh...
Thực tế, ngành logistics VN đã chứng kiến sự phát triển lớn mạnh của hàng loạt DN nội địa. Trong đó, có thể kể đến các tên tuổi như Gemadept, Transimex, MP Logistics, TBS Logistics, Vinalines… Các DN này đều có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, quản lý, vận hành cũng như mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, nếu không tăng tốc phát triển hạ tầng, công nghệ, cạnh tranh của khu vực DN trong nước có thể bị thu hẹp.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường ĐHKinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá tiềm năng phát triển của ngành logistics VN rất lớn. Với GDP của nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, dự báo kinh tế VN vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt cơ hội phát triển các ngành sản xuất dịch vụ ngày càng lớn. Chúng ta cũng đã thu hút được hàng loạt nhà đầu tư lớn trên thế giới. Lĩnh vực thanh toán không tiền mặt cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, ngành du lịch tăng trưởng cũng kéo theo các dịch vụ giao thông, vận tải phát triển... Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy dịch vụ logistics tăng tốc.
"Các tập đoàn logistics lớn trên thế giới "thèm muốn" thị trường VN bởi vị trí địa lý thuận lợi, kết nối dễ dàng trong khu vực ASEAN, mức độ tiếp cận gần với thị trường khổng lồ Trung Quốc. Đây là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh phát triển các DN trong ngành, đưa dịch vụ logistics có năng lực cạnh tranh mạnh hơn. Nếu trong nước không phát triển mạnh mẽ và bền vững, sẽ gặp không ít khó khăn trong cạnh tranh…", TS Việt nhận định.
Với quan điểm đó, TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển ngành logistics VN. Đó là đồng bộ hạ tầng, từ việc xây dựng các sân bay mới như Long Thành đến việc phát triển các tuyến đường cao tốc huyết mạch. Xoay quanh đó còn cần phải có sự kết nối liên thông giữa hàng không, đường bộ và đường thủy; kết nối sân bãi, kho hàng. Đồng thời, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực logistics nhiều hơn. Ngoài ra, cần có các giải pháp để kéo giảm chi phí của dịch vụ logistics như giảm thủ tục; tối ưu quản lý vận hành trong nội bộ từng ngành có liên quan như hàng không, vận tải đường bộ…
"Vai trò của nhà nước là giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong ngành phát triển cũng như đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng. Bản thân các DN tự đầu tư, thay đổi theo nhu cầu của khách hàng và thị trường. Đây là dịch vụ đa ngành, nếu có sự liên kết giữa các đơn vị thì sẽ giúp nhanh chóng giảm được chi phí nhanh hơn", TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Bình luận (0)