Hát Tiến quân ca trong ngục tử tù

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
19/03/2021 07:28 GMT+7

Người tử tù nói khẽ, hát thêm lần nữa. Cậu nam sinh kháng chiến Trần Văn Thụ lại tiếp tục kéo violon và hát Tiến quân ca thêm lần nữa...

Một thời sôi nổi

Bà Đỗ Hồng Phấn (87 tuổi) ngắm những bức ảnh của bà, của bạn bè phong trào kháng chiến ở Hà Nội năm xưa tại triển lãm Một thời sôi nổi (khai mạc sáng 18.3 tại di tích Hỏa Lò, Hà Nội). Từng người, từng người, bà không quên điều gì cả. Đưa tay về một tấm ảnh, bà nói đây là anh Trần Văn Thụ, người đã kéo violon và hát Tiến quân ca trong chính nhà tù Hỏa Lò này. “Các vị đấu tranh với nhà cầm quyền để đi thăm người tù trong Hỏa Lò. Anh Thụ kể lại, giám thị đưa vào phòng tử tù, đẩy anh vào rồi đóng cửa luôn. Trong ngục âm u nửa sáng nửa tối. Anh ấy bảo không nhìn được rõ người tử tù đó thế nào, nhưng xem ra cũng trên dưới 30 gì đó thôi”, bà Phấn nói.

Hai chị em Nguyễn Thị Bằng (phải) và Nguyễn Thị Ngọc Lan, thành phần nòng cốt của các hoạt động học sinh kháng chiến Trường Albert Sarraut. Nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Lan từng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nha Công an Bắc Việt, 1950

Khi cả hai bên còn đang ngỡ ngàng, người tử tù lên tiếng bảo đàn đi. “Anh Thụ chưa biết nên đàn gì thì tử tù bảo, đàn Tiến quân ca đi. Anh Thụ nâng đàn lên và kéo, xung quanh im phăng phắc. Anh Thụ nghĩ là do đàn Tiến quân ca nên xung quanh im lặng hưởng ứng. Giám thị đứng ngoài cũng không phản ứng gì cả. Đàn xong 2 lần Tiến quân ca thì anh tử tù hỏi rất nhỏ là thế đồng chí học ở đâu. Anh trả lời học Chu Văn An. Nói xong thì giám thị mở cửa đưa anh ra”, bà Phấn nhớ lại.
Ở triển lãm Một thời sôi nổi, bà Phấn còn gặp lại những hình ảnh học sinh kháng chiến những năm 1950 đấu tranh bằng văn nghệ, bằng báo chí như thế nào. Công chúng có thể thấy hình ảnh học sinh Trường Albert Sarraut diễn kịch Quán Thăng Long có nội dung chống quân Nguyên thời Trần; xem ảnh nữ sinh Trường Trưng Vương diễn vở kịch Tiên giáng thế với nội dung tuyên truyền cách mạng.
Tờ báo Nhựa sống cũng được trưng bày tại đây. Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết đây là tờ báo bí mật của học sinh kháng chiến Hà Nội. Trên trang báo trưng bày có bài viết Không đi lính ngụy, với đoạn: “Giặc còn thua, quân số còn hao hụt. Chúng sẽ tính đến lượt chúng ta… Nhiều sinh viên tưởng rằng hết thời kỳ luyện tập sẽ được về với gia đình; nhưng những người ấy đã lầm to”.
Ông Dương Tự Minh, một người đã tham gia làm tờ báo Nhựa sống, cho biết: “Để chỉ đạo các hoạt động từ mít tinh, biểu tình… phải vận động bí mật. Mà vận động bí mật không gì có thể tốt hơn tờ báo Nhựa sống. Báo khổ nhỏ như khổ giấy A4 gập lại. Báo này không phải chỉ có chủ trương, nó còn đặt ra các vấn đề như học để làm gì, hay các tranh biếm họa. Phong trào tồn tại được là lấy tinh thần của báo Nhựa sống”.
Hát Tiến quân ca trong ngục tử tù

Chiến sĩ Lê Văn Ninh (cầm ống nhòm) ở Thành cổ Quảng Trị 1972

Tuổi 18 lên đường đánh Mỹ

Một thời sôi nổi không chỉ kể câu chuyện của cuộc kháng chiến chống Pháp. Những câu chuyện thanh xuân trong chống Mỹ cũng được kể ở đây. “Tuổi 18 lên đường đánh Mỹ/Vui gì hơn anh lính tân binh/Mũ sáng sao, miệng cười chúm chím/Ánh hào quang tỏa sáng niềm tin”, đây là bài thơ Tuổi 18 của Nguyễn Kỳ Sơn, sinh viên Trường ĐH Thủy lợi. Ông nhập ngũ tháng 7.1971 và hy sinh hơn một năm sau đó ở Thành cổ Quảng Trị.
Hát Tiến quân ca trong ngục tử tù

Nhựa sống, tờ báo bí mật của học sinh kháng chiến Hà Nội

Công chúng được xem đoạn trích bức thư cuối cùng của liệt sĩ Lê Văn Ninh. Ông viết: “Đơn vị con vào đến Quảng Trị, đã bắt đầu chiến đấu. Nhân dân thương bộ đội, giúp đỡ bộ đội nhiều”. Thư gửi về ngày 15.7.1972. Phải 8 tháng sau, gia đình mới nhận được một bức thư của đồng đội ông Ninh gửi về. Thư viết: “Từ tháng 9 đến nay cháu nhận được nhiều thư của bác gửi cho đồng chí Ninh nhưng cháu không dám trả lời vì sợ đau lòng hai bác. Nhưng đến hôm nay, 27.3.1973, nhận được lá thư của bác gửi cho đồng chí Ninh 18.2.1973, cháu gạt nước mắt báo tin cho bác: đồng chí Lê Văn Ninh đã hy sinh vô cùng anh dũng ngày 2.9.1972…”. Bức thư cũng cho biết ông Ninh hy sinh khi đánh chiếm cầu Sắt, Quảng Trị, vì trúng đạn đại liên của địch.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Đỗ Hồng Phấn bày tỏ: Khi đó, chúng ta là một dân tộc thuộc địa, sự dấn thân ấy chính là sự hy sinh cho lý tưởng, cái chúng ta theo đuổi là dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh. “Đó không phải là chuyện để nói, mà phải được biến thành sự thật”, bà Phấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.