Một kiểu huy động vốn trái luật
Luật sư (LS) Trần Đình Triển, (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng việc các cá nhân, tổ chức sử dụng mạng internet mời người đi du lịch rồi tham gia vào lôi kéo người khác đóng tiền để hưởng hoa hồng đã có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ông Triển phân tích: “Điều này được thể hiện ở quy định các doanh nghiệp (DN) nước ngoài muốn hoạt động trên lãnh thổ VN thì bắt buộc phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, còn internet chỉ là phương tiện, công cụ để DN thực hiện việc kinh doanh, nếu không có giấy phép mà vẫn hoạt động là đã vi phạm pháp luật”.
Cũng theo LS Triển, phương thức kinh doanh nói trên không phải là đa cấp mà thực chất là huy động vốn và việc huy động vốn này không có lãi suất và được thực hiện thông qua các hình thức khuyến mãi, dụ dỗ lôi kéo nhiều người tham gia. Trong giai đoạn đầu là dùng tiền của người sau trả cho người trước nhưng đến một giai đoạn nhất định, đường dây này sẽ vỡ và những người cầm đầu sẽ ôm tiền cao chạy xa bay. Ông Triển nhận xét hoạt động này tương tự với các mạng lừa đảo Colony tại các tỉnh phía Nam hoặc mạng Vip-Viet ở phía Bắc đã bị cơ quan chức năng triệt phá gần đây.
Ngoài ra, LS Triển cũng cho rằng hình thức chuyển tiền (ngoại tệ ra nước ngoài) qua các “Câu lạc bộ du khách” hay “Vừa du lịch - Vừa kiếm tiền” còn liên quan đến việc quản lý ngoại hối. “Trên lãnh thổ VN chỉ sử dụng bằng tiền VN, việc huy động ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài mà không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm nghiêm trọng về quản lý tiền tệ và Pháp lệnh Ngoại hối”, ông Triển nói.
Nhiều địa chỉ “ma” Theo một số quảng cáo trên mạng internet, người tham gia vào “Câu lạc bộ du khách” hoặc “Vừa du lịch - Vừa kiếm tiền” có thể liên lạc với một số đầu mối của Tập đoàn Diamond Holiday Travel Inc (DHT) tại Hà Nội như Công ty ứng dụng công nghệ mới tại P.Khương Trung, Q.Thanh Xuân hoặc tại số 28 Liễu Giai, Q.Ba Đình. Thế nhưng đó đều là các địa chỉ “ma”, số điện thoại cũng không liên lạc được. Ngoài ra, sau khi Thanh Niên đăng bài phản ánh, các thành viên DHT đã trở nên cảnh giác khi tuyển cộng tác viên, nếu gọi điện thoại mà không nói được tên người giới thiệu (thành viên DHT) thì lập tức… cúp máy. T.S |
Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, công dân VN có thể mang/chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để sử dụng cho các nhu cầu hợp pháp như du lịch, học tập, chữa bệnh, công tác, trợ cấp khó khăn, thừa kế và định cư theo quy định, nhưng phải có hồ sơ xin chuyển ngoại tệ và phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Trường hợp công ty hoạt động không phép ở VN dĩ nhiên sẽ không thể chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng vì không có giấy tờ chứng minh hợp đồng ngoại thương...; nếu có thì chỉ qua các kênh “lậu” như giấu mang theo người, qua đầu nậu tại 2 nước, giấu vào hàng hóa vận chuyển qua biên giới...
Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia về du lịch người Singapore (đề nghị không nêu tên) nhìn nhận: “Trong lĩnh vực du lịch, nếu công ty nào kinh doanh mà không có trang web thì khách hàng cần phải đề phòng, bởi trong kinh doanh du lịch, trang web là một trong những điều kiện cần thiết nhất. Hơn nữa, công ty này cũng không có giấy phép kinh doanh ở địa phương. Qua bài báo trên Thanh Niên, tôi có thể khẳng định đây là tổ chức không có thật và lừa đảo”.
Cơ quan chức năng cảnh báo
Theo các DN lữ hành tại TP.HCM, kiểu kinh doanh này không phải mới ở nước ta. Vào ngày 2.6, Tổng cục Du lịch đã có công văn gửi các sở VH-TT-DL và DN lữ hành trong cả nước đề nghị chấn chỉnh tình trạng này, trong đó nêu rõ trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM đã xuất hiện loại hình kinh doanh du lịch theo dạng “bán hàng đa cấp” của một số công ty du lịch trong nước liên kết với công ty nước ngoài tổ chức.
Thế nhưng, thực tế hầu hết các sở VH-TT-DL tỏ ra lúng túng trong việc kiểm tra và xử phạt các công ty kinh doanh kiểu này. Một trong những nguyên nhân là các tổ chức vi phạm hầu hết đều không có giấy phép kinh doanh hợp pháp và hoạt động chủ yếu trên mạng, nên rất khó phát hiện. Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM, thừa nhận việc khó phát hiện DN, tổ chức vi phạm và đề nghị các DN lữ hành nếu phát hiện trường hợp kinh doanh du lịch nào vi phạm thì báo Sở để tiến hành kiểm tra.
Từ thực trạng nêu trên, LS Trần Đình Triển đề nghị: “Ngay từ bây giờ các cơ quan nhà nước cần phải vào cuộc. Vì từ bài học các vụ lừa đảo trước đây, nếu chúng ta chờ đến lúc vỡ ra mới làm thì đã có hàng nghìn người bị lừa, hậu quả khó lường”.
Ông Trần Mạnh Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng khẳng định các loại hình “Câu lạc bộ du khách” hoặc “Vừa du lịch - Vừa kiếm tiền” là trái phép, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và gây mất an ninh trong hoạt động du lịch. Theo ông Cường, qua đợt rà soát mới đây đã phát hiện một DN tại TP.HCM thực hiện kiểu kinh doanh nói trên và đã yêu cầu Sở VH-TT-DL địa phương xử lý theo luật định. Trước tình trạng vẫn còn nhiều người lén lút tham gia, ông Cường cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này.
Thái Sơn - Trần Tâm
Bình luận (0)